(Xây dựng) - Ấy là câu chuyện ồn ào cả tuần nay xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Một trong những “nguồn năng lượng” khiến giới truyền thông nổi lên như những đợt sóng thần là cái công thức nêu trên.
Ảnh minh họa
Quyền ưu tiên được thuê những mảnh đất “vàng” rộng hàng nghìn mét vuông; mồ hôi, nước mắt của các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ “vàng” của nền điện ảnh Việt Nam; hàng chục bộ phim được giải “vàng” trong nước và trên thế giới nay đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị là một con số 0 vô cảm.
Ai cũng thấy vô lý nhưng ẩn sâu trong mỗi ngóc ngách lại có cái lý riêng của mình.
Chẳng hạn, đây là cái lý của ông Trần Hoàng: Theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC thì giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị DN gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển.
“Ở đây chúng tôi cũng muốn giải thích rõ các căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước về xác định giá trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu ở đây bao gồm cả những chi phí thành lập DN, chi phí liên quan đến việc quảng cáo, giữ bản quyền thương hiệu và chi phí đào tạo… trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 5 năm.
Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị DN cổ phần hóa là tiềm năng phát triển của DN được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của DN với lãi suất trái phiếu Chính phủ”.
Và cuối cùng, một công thức đã được định vị: Giá trị lợi thế kinh doanh của phần Cty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam = giá trị thương hiệu + giá trị lợi thế kinh doanh = 0 đồng.
Toàn dựa vào các văn bản của Chính phủ, rồi đưa cả công thức toán học để làm việc thì “Tây” cũng chả cãi được.
Tuy nhiên, cái lý ấy lại không được đông đảo công chúng thừa nhận, bởi lẽ rất đơn giản, mọi giá trị thuộc về văn hóa, về lịch sử, về niềm tự hào… của nền điện ảnh quốc gia không thể dễ dàng tính được bằng những phép tính của toán học.
Khi phát biểu về vấn đề này, nhà văn quân đội Chu Lai đã nói rằng, thế hệ của ông khi ra trận đã mang theo trong từng tế bào hình ảnh của cả một thế hệ “vàng” của nền điện ảnh Việt Nam cùng vượt Trường Sơn, cùng xông vào chiến trận và cùng làm nên những chiến thắng lẫy lừng.
Vậy những giá trị ấy chẳng lẽ đã biến khỏi trên đất nước này?
Nguyễn Hoàng Linh
Theo