(Xây dựng) - Bộ Xây dựng đã thẩm định đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 với sự tham gia của đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa và các Bộ ngành liên quan. Theo kết luận của hội đồng thẩm định:
Khu kinh tế Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm: 70.000 ha đất liền và đảo và 80.000 ha mặt nước, thuộc huyện Vạn Ninh và Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên. Phía Nam giáp: xã Ninh Quang, phường Ninh Hà, xã Ninh Phú và xã Ninh Vân của Thị xã Ninh Hòa. Phía Tây giáp: tỉnh Phú Yên; xã Xuân Sơn của huyện Vạn Ninh và các xã Ninh Sơn, Ninh Trung, Ninh Đông, Ninh Bình của Thị xã Ninh Hòa. Phía Đông giáp biển Đông.
Tính chất đây là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lãnh vực. Trong đó: cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Về quy mô dân số: Đến năm 2020 tổng quy mô dân số của Khu kinh tế là 260.000 người, trong đó, dân số tại các khu vực xây dựng tập trung là 155.000 người. Đến năm 2030: Tổng quy mô dân số của Khu kinh tế là 325.000 người, trong đó, dân số tại các khu vực xây dựng tập trung là 275.000 người.
Không gian Khu kinh tế được định hướng phát triển nhằm khai thác các lợi thế về kinh tế biển, thông qua sự kết nối, đan xen giữa các không gian phát triển cảng, kinh tế công nghiệp, du lịch, đô thị với các không gian bảo tồn, tôn tạo sinh thái ven biển và các không gian sinh thái nông, lâm nghiệp, nhằm đảm bảo sự cân bằng về môi trường, tạo thuận lợi cho các hoạt động cảng và công nghiệp và làm tăng giá trị của các khu đô thị và du lịch.
Không gian phát triển Khu kinh tế tập trung chủ yếu tại hai khu vực:
Khu vực Bắc Vân Phong: tập trung tại Bán đảo Hòn Gốm, khu vực Đại Lãnh, khu vực Tu Bông và thị trấn Vạn Giã, gồm: Cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cảng, công nghiệp, các khu đô thị du lịch và các khu đô thị nằm đan xen với các khu rừng ngập mặn, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi trên bán đảo. Trong đó: Khu phi thuế quan bao gồm các khu chức năng: cảng trung chuyển quốc tế và cảng du lịch quốc tế gắn với Đầm Môn; tiếp theo là khu dịch vụ và công nghiệp hậu cảng; khu đô thị và trung tâm thương mại – tài chính tại trung tâm bán đảo Hòn Gốm, kết nối với các khu vực cảng và dịch vụ - công nghiệp hậu cảng.
Khu vực Nam Vân Phong tập trung tại khu vực Đông Bắc thị xã Ninh Hòa và xã Ninh Phước. Gồm: cảng nước sâu, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển, dọc theo tỉnh lộ ĐT.652D (TL1B cũ), cũng như phía Đông đường sắt quốc gia Bắc - Nam.
Về phân khu chức năng:
Tổng diện tích đất tự nhiên của KKT Vân Phong là khoảng 70.000 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng các khu đô thị, các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp tập trung và cảng tại KKT Vân Phong là khoảng 10.050 ha. Cụ thể bao gồm:
Khu phi thuế quan: Quy hoạch tại trung tâm bán đảo Hòn Gốm, gắn với cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong tại Đầm Môn. Đất xây dựng các khu chức năng thuộc khu phi thuế quan quy mô khoảng 920 ha, bao gồm: Cảng trung chuyển quốc tế quy mô đến năm 2030 là 290ha (giai đoạn tiềm năng là 750ha); Khu dịch vụ và công nghiệp hậu cảng quy mô khoảng 310 ha; Khu đô thị và trung tâm thương mại – tài chính: khoảng 315ha; Cảng du lịch Sơn Đừng - tại vị trí Đông Nam cảng trung chuyển quốc tế, quy mô khoảng 5 ha.
Các cơ sở và trung tâm công nghiệp ngoài khu phi thuế quan có diện tích khoảng 2.705 ha, bao gồm: Khu công nghiệp Vạn Thắng quy mô 200ha; Khu Sản xuất VLXD Tân Dân quy mô 100ha; Khu vực sản xuất công nghiệp tập trung tại Dốc Đá Trắng quy mô 300ha; Khu phát triển công nghiệp tại Hòn Khói quy mô 250ha; Trung tâm công nghiệp Ninh Thủy quy mô 250ha; Kho xăng dầu Hòn Mỹ Giang quy mô 90ha; Công nghiệp nhiệt điện, lọc hóa dầu và các cơ sở công nghiệp gắn với cảng nước sâu chuyên dùng tại Ninh Phước quy mô 1.515ha.
Các khu dịch vụ du lịch và đô thị du lịch sinh thái biển có tổng diện tích đất xây dựng khoảng 880 ha, bao gồm: Các khu du lịch Đông Bắc bán đảo Hòn Gốm và các đảo quy mô khoảng 250ha; Khu đô thị du lịch tại Bãi Cát Thấm quy mô khoảng 220 ha; Khu dịch vụ du lịch Bắc núi Cá Ông quy mô khoảng 28ha; Khu đô thị du lịch tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang – Mũi Đá Son quy mô khoảng 322 ha; Khu dịch vụ du lịch tại Đại Lãnh quy mô khoảng 30ha; Khu dịch vụ du lịch tại Đông Bắc Hòn Hèo quy mô khoảng 30ha. Diện tích trên chưa bao gồm đất cây xanh sinh thái và mặt nước.
Đất các khu đô thị đa chức năng có tổng diện tích đất xây dựng khoảng 5.100 ha, bao gồm: Khu vực Vĩnh Yên quy mô khoảng 90ha; Khu vực Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã quy mô khoảng 900 ha; Khu vực Đại Lãnh quy mô khoảng 90ha; Khu vực thị trấn Vạn Giã và vùng phụ cận quy mô khoảng 1.400 ha; Khu vực trung tâm thị xã Ninh Hòa quy mô khoảng 555 ha; Khu vực hai bên QL26B quy mô khoảng 650ha; Khu vực Dốc Lết quy mô khoảng 915ha; Khu vực Đông Bắc Ninh Hòa và Xóm Quán quy mô khoảng 500ha. Diện tích trên chưa bao gồm đất cây xanh sinh thái và mặt nước. Đất giao thông chính kết nối các khu vực xây dựng tập trung: khoảng 445ha.
Tổng diện tích đất các khu chức năng khác ngoài các khu đất xây dựng tập trung là: 59.950ha. Bao gồm: Đất các khu dân cư nông thôn có quy mô khoảng 552ha, là các khu làng xóm hiện trạng được nâng cấp cải tạo, bổ sung hệ thống hạ tầng, chủ yếu nằm ở các khu vực phía Tây đường sắt Quốc gia Bắc – Nam và ở khu vực giáp ranh giữa huyện Vạn ninh và thị xã Ninh Hòa. Đất an ninh quốc phòng: khoảng 364ha. Đất giao thông liên khu vực: khoảng 45 ha.
Các khu sinh thái nông – lâm nghiệp và ngập mặn: Duy trì quỹ đất sản xuất hai lúa và các quỹ đất sản xuất nông nghiệp thuận lợi về thủy lợi ở phía Tây đường sắt quốc gia Bắc Nam cũng như tại khu vực Lạc An; Trồng rừng ngập mặn, tôn tạo cảnh quan và nâng cao giá trị sinh thái của các khu vực ngập mặn ven biển; Trồng rừng, tôn tạo cảnh quan trên các khu vực núi thuộc bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn, Hòn Hèo, núi Ổ Gà. Trong đó: Đất thủy lợi và mặt nước chuyên dùng có diện tích khoảng 1.590 ha; Đất sản xuất nông nghiệp khoảng 12.460 ha; Đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1.346ha; Đất đồng muối khoảng 631 ha; Đất lâm nghiệp khoảng 33.763 ha. Đất nghĩa trang, nghĩa địa: khoảng 420 ha. Đất chưa sử dụng: khoảng 8.668 ha. Đất khác: khoảng 111 ha.
Hệ thống không gian mở: Duy trì, tôn tạo các giá trị cảnh quan sinh thái đặc sắc của hệ thống không gian mở bao gồm: Mặt nước Vịnh Vân Phong; mặt nước các sông suối và rừng ngập mặn ven vịnh; các cồn cát và rừng phòng hộ; rừng cây và núi trên các đảo, bán đảo và trên đất liền; Các quảng trường công cộng và hệ thống công viên cây xanh đô thị đan xen trong các không gian xây dựng.
Các trục không gian chủ đạo: Trục không gian chính là trục không gian ven vịnh Vân Phong, bao gồm các không gian xây dựng đan xen với các không gian sinh thái, tạo sự cân bằng, bền vững. Trục không gian quan trọng thứ hai là trục đường nối trung tâm bán đảo Hòn Gốm qua Tu Bông, Vạn Giã, đi Ninh Hòa, tạo mạch liên kết chính giữa Nam và Bắc Vân Phong, giữa các khu chức năng trong khu kinh tế, giảm thiểu tác động lên các trục đường quốc lộ.
Các công trình điểm nhấn: được quy hoạch gắn với các trung tâm của các khu đô thị, chú trọng khai thác không gian mặt nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chính thức trình thủ tướng chính phủ quyết định những nội dung đồ án.
Hải Đăng
Theo