Hôm nay (26/10), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ thông báo về một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2013 diễn ra ngày 26/10, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, phương hướng trong thời gian tới.
Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 10/2013.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Dư luận cả nước quan tâm, thảo luận nhiều tới Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội không chỉ năm nay mà đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm, đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp cho 2 năm còn lại (2014-2015).
Kỳ họp Chính phủ lần này, về kinh tế-xã hội, Chính phủ xem xét những thông tin mới liên quan đến tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng, bởi vì khi báo cáo Quốc hội số liệu chưa có đến ngày 25/10. Đánh giá tổng quan chung, không khác xu thế các tháng trước và như báo cáo Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội.
Thứ nhất, chúng ta quan tâm nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô như Báo cáo trước Quốc hội đã nói và như các tháng trước đã nói là luôn luôn kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Tháng này, CPI tăng 0,9% và dự kiến cả năm là 7%. Năm ngoái thời điểm này CPI là 5,13% và cuối năm là 6,81%; năm nay CPI là 5,14%. Nếu chúng ta kiên định tiếp tục các biện pháp kiểm soát hợp lý thì mục tiêu duy trì CPI khoảng 7% là khả thi, tất nhiên chúng ta không được chủ quan vì còn mấy tháng Tết, nếu kiểm soát không khéo thì yếu tố tăng do quản lý thị trường rất cao.
Thứ hai, về phát triển, vẫn theo đà của các tháng trước, công nghiệp tháng 10 tăng cao hơn tháng 9, nhưng so với năm ngoái, chỉ số công nghiệp năm nay là 5,4%, thấp hơn năm ngoái là 5,8% nhưng phân tích kỹ ra thì có tín hiệu rất đáng mừng mặc dù chỉ số công nghiệp chung giảm do công nghiệp khai khoáng giảm 0,8% còn công nghiệp chế biến, chế tạo thì tăng. Đây là tín hiệu rất đáng quan tâm.
Nếu để ý kỹ, qua từng quý, chỉ số tăng công nghiệp chế biến đều tăng dần, quý I, tôi nói số tròn là 5,3%, quý II là 6,9% và quý III là 8%; tháng 10 còn tăng cao hơn. Dịch vụ cũng tăng và tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn tăng nhưng trong tất cả các dịch vụ, dịch vụ công giảm, đúng theo tinh thần tiết kiệm chi tiêu công, còn mua bán hàng hóa ngoài xã hội thì tăng. Riêng năm nay, nông nghiệp có điều đáng nói là sau nhiều năm, năng suất lúa mùa và lúa Hè Thu giảm, một phần do thời tiết khí hậu, một phần do chân ruộng lâu, đổi mới giống, tăng năng suất một số nơi làm không tốt. Bù lại, tháng 10 vừa qua và những tháng gần đây, thủy sản tăng, tốt nhất là tôm.
Tình hình chung chúng ta tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng tốc độ phục hồi tăng trưởng chậm. Nếu chúng ta cố phấn đấu từ nay đến cuối năm, có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Có một chỉ số cộng đồng doanh nghiệp quan tâm liên quan đến tiền tệ là huy động hệ thống ngân hàng tăng trên 11% nhưng tín dụng đầu ra chỉ trên 6%. Nhưng nếu phân tích sâu thì tăng tín dụng VND là 11,5% còn tăng tín dụng ngoại tệ lại âm 13,6%. Việc thực hiện các chính sách quản lý ngoại tệ, kiểm soát đối tượng vay ngoại tệ khi nhập khẩu các loại hàng hóa không khuyến khích nên có sự cơ cấu lại tăng tín dụng.
Các chỉ số vĩ mô khác cơ bản theo đà như Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội.
Các mặt xã hội, các chỉ tiêu an sinh xã hội cũng được duy trì, công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo.
Phần tiếp theo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của các nhà báo.
PV Tố Như (báo Nông nghiệp Việt Nam): Dư luận những ngày qua đang dấy lên sự kiện bác sĩ vứt xác phi tang bệnh nhân. Sau khi lực lượng công an có phát ngôn chính thức từ ngày 22/10, đến nay đã được 5 ngày. Đây là sự kiện mà cả nước đều đang quan tâm theo dõi. Đến thời điểm này Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận thông tin như thế nào và đã có những chỉ đạo như thế nào đối với ngành Y tế? Tại sao đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nào từ phía Chính phủ? Tôi nhớ rằng cách đây ít lâu, đối với sự kiện 3 trẻ em bị tiêm nhầm vaccine thì ngay lập tức đã có chỉ đạo rất nhanh. Vậy thì, vì sao đến nay, Chính phủ vẫn chưa có văn bản để yêu cầu Bộ Y tế làm rõ sự việc?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi không nhớ rằng đây là kỳ họp báo Chính phủ thứ mấy liên tiếp có những câu hỏi liên quan đến ngành Y tế. Mỗi khi có sự việc liên quan đến ngành Y tế, liên quan đến sức khỏe người dân, Chính phủ đều có thông tin rất sớm, có những vụ việc cơ quan thông tin đại chúng chưa đưa thì Chính phủ đã biết qua báo cáo từ các cơ quan chức năng. Vụ việc này Chính phủ nắm thông tin từ báo chí và đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo. Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố, rà soát lại các quy định, nếu cần thiết thì phải xem xét, sửa đổi, bổ sung, nếu chưa có thì phải ban hành.
Tôi đề nghị các bạn phóng viên kiểm tra lại văn bản trên Cổng TTĐT Chính phủ, chắc chắn đã có văn bản rồi.
Về chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến việc này, như các bạn đã biết, Chính phủ rất quan tâm đến chăm sóc và sức khỏe của người dân. Mỗi khi có sự cố, bao giờ Chính phủ cũng chỉ đạo rất nghiêm khắc, quan trọng nhất là mỗi lần có sự cố như vậy thì cả bộ máy quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải rà soát lại, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, không để những sự cố như vậy hoặc tương tự như vậy có thể xảy ra.
Chúng ta cũng biết ngành Y tế có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ nhân dân, mặc dù ngành còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những y, bác sĩ rất tốt, rất tận tâm thì một thực tế là trong 400.000 cán bộ của ngành Y tế, trong đó có khoảng 60.000 bác sĩ, không phải không có những người suy thoái, biến chất, không làm đúng chức năng của người thầy thuốc. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của một vài người dân mà còn làm mất lòng tin của cả xã hội. Điều này, như tôi đã có lần chia sẻ với các bạn, ai cũng lên án, ai cũng đau xót. Đông đảo những người làm ngành Y, những bác sĩ chân chính càng đau xót.
Hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người bác sĩ trong trường hợp này đương nhiên phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Dù người đó là bác sĩ hay làm ngành nghề gì đều phải xử lý nghiêm. Xét về đạo đức của một con người, nhất là thầy thuốc, lại càng phải lên án.
Nhưng quan trọng là ngành Y tế cần phải tăng cường quản lý Nhà nước để chăm sóc sức khỏe của người dân. Tôi được biết là rất nhiều đồng chí có trách nhiệm ở cấp Bộ và địa phương đều đã lên tiếng về vấn đề này rồi. Chúng ta đều cùng mong rằng không chỉ ngành Y tế mà cả hệ thống chính trị, các nhà báo đều phải chung tay để làm sao chúng ta phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm cho ngành Y tế nói riêng và tất cả các ngành khác, nhất là những ngành phục vụ nhân dân, không ngừng tăng cường kỷ cương, đạo đức. Vấn đề đạo đức ở đây không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, mà còn là đạo đức của một con người. Chắc các bạn cũng cùng niềm tin với tôi, tất cả chúng ta đồng sức, đồng lòng thì kết quả sẽ tốt hơn.
PV Phương Thủy (báo Lao Động): Thưa Bộ trưởng, việc cắt giảm chi tiêu công hiện nay là đề tài được cả Chính phủ và Quốc hội quan tâm, đặc biệt là siết chặt chi tiêu thường xuyên liên quan đến mua sắm xe công cho cán bộ. Bộ Tài chính năm 2005 đã có chủ trương khoán chi phí đi lại, nhưng cho đến nay chưa thực hiện được. Sắp tới, Chính phủ có chủ trương thực hiện việc khoán phí đi lại này không? Chi phí chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi có thể nói rằng, chúng ta là một nước dù sao vẫn còn nghèo, sắp tới đây sẽ đón công dân thứ 90 triệu. Đứng về dân số, chúng ta đứng hàng thứ 14 thế giới, nhưng quy mô kinh tế vẫn còn rất nhỏ, vẫn còn nghèo. Đương nhiên chúng ta phải tiết kiệm.
Như tuổi chúng tôi ở nông thôn ngày xưa, được dạy 1 hạt cơm rơi xuống đất cũng phải nhặt lên và bố mẹ hay nói “nếu không thì quỷ thần hai vai mà biết sau này sẽ phạt”. Lớn một chút thì được dạy: “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện”.
Tinh thần chung của Chính phủ là triệt để tiết kiệm, đặc biệt trong tình hình thu ngân sách khó khăn và như các bạn biết là xin Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8-5,3%, đầu tiên phải tiết kiệm. Đầu tư công trình vẫn cần đầu tư, nhưng vốn đó phải sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Lãng phí không phải chỉ do thất thoát trực tiếp mà còn ở chủ trương đầu tư. Đầu tư đúng là tiết kiệm; đầu tư không đúng, để dàn trải, kéo dài, là lãng phí.
Trong chi tiêu thường xuyên đương nhiên càng cần tiết kiệm, vì đầu tư có những thứ không thể đừng. Chi tiêu, như tôi đã nói nhiều lần, lấy số tròn là trên 60% tổng chi ngân sách dành cho chi sự nghiệp. Trong chi sự nghiệp, hơn 1/2 cho lương. Ở đây chúng ta vừa nói tới y tế, trong đội ngũ y tế có 400.000 cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên. Giáo dục thì mấy năm vừa rồi, riêng số tăng thêm là 500.000 giáo viên, nói số tròn là gấp khoảng 2 số lượng công chức của cả hệ thống chính trị từ huyện lên Trung ương.
Chúng ta phải cắt giảm chi tiêu, nhưng lương thì ai cũng đều muốn tăng, nhưng Nhà nước sau khi xem xét, có lộ trình tăng lương ở mức hợp lý trong khả năng. Còn lại chi dành cho hệ thống hành chính thì chiếm một tỷ trọng trong chi thường xuyên, tôi xin nói so với lương là rất thấp. Trong đó mua xe công từ nhiều năm đã được thắt chặt rất nghiêm ngặt. Sau nhiều năm hạn chế mua xe công, năm ngoái Bộ Tài chính có mở ra cho mua, nhưng tinh thần chung là hết sức tiết kiệm. Còn chủ trương khoán xe công, trước đây tôi nhớ lâu rồi đã làm, cũng có những đồng chí lãnh đạo nhận tiền khoán để đi taxi, thậm chí xe ôm.
Tinh thần của Chính phủ là bất kỳ giải pháp nào dù tiết kiệm nhỏ tới mấy cũng rất hoan nghênh khuyến khích. Bộ Tài chính đang nghiên cứu phân tích câu chuyện khoán. Một giải pháp đề ra và tồn tại nhiều năm, bao giờ cũng có mặt được và không, nó có lý của sự tồn tại. Giải pháp khoán cũng có mặt lợi, nhưng không phải không có hạn chế.
Bộ Tài chính cùng các bộ đang phân tích đánh giá kỹ để trình Chính phủ. Còn Chính phủ, tinh thần thì bất cứ việc gì tiết kiệm dù nhỏ nhất cũng đều khuyến khích.
Trong phiên họp hôm nay, Chính phủ ra quyết nghị, trước đây nói nhiều tới tiết kiệm, giảm đi nước ngoài, giảm hội họp. Bây giờ, Chính phủ yêu cầu từng bộ lên rõ kế hoạch cắt những khoản nào, cụ thể bao nhiêu.
Nhưng tôi cũng xin nhắc lại, vấn đề lớn nhất của tiết kiệm là phải làm sao có đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách xứng tầm, để chủ trương chính sách, không chỉ là việc chi tiêu bình thường, mà kể cả đầu tư sao cho sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực, kể cả nguồn tài nguyên hay nguồn nhân lực hay những nguồn lực mang tính vô hình như thương quyền của hàng không hay tần số của bưu điện. Làm sao cho chính sách đưa ra chúng ta sử dụng hiệu quả nhất thì đấy chính là tiết kiệm nhất.
Phóng viên Hữu Hòe (báo Đầu tư chứng khoán): Trong kỳ họp lần trước, được biết Chính phủ có đề cập đến những câu chuyện là tìm một cơ chế để thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để khắc phục tình trạng bế tắc hiện nay. Xin phép được hỏi trong kỳ họp lần này, Chính phủ đã quyết phương án cụ thể nào chưa và chỉ đạo các bộ, ngành, cụ thể là Bộ Tài chính, để đệ trình chính sách ấy như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Câu hỏi của bạn nếu trả lời cụ thể thì tôi có thể nói với bạn là không thể có một chính sách nào giải quyết tình trạng ấy. Chính phủ chỉ đạo điều hành cương quyết thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Một trong những nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là xác định rõ doanh nghiêp Nhà nước chỉ làm ở những lĩnh vực thực sự cần thiết, trong đó có lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh,các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác ở thời điểm này người ta chưa thấy hấp dẫn để đầu tư thì mình phải làm để thực hiện các nhiệm vụ chung của xã hội. Ngoài ngành nghề kinh doanh chính ấy ra, thì thực hiện kiên quyết thoái vốn, và như những lần trước chúng ta đã nói với nhau rồi, cái nóng nhất là đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào chứng khoán, thì chúng ta phải thoái vốn.
Còn cơ chế thoái vốn thì nguyên tắc phải thoái vốn nhanh nhất theo thị trường, bởi vì chúng ta thực hiện thoái vốn, thì tôi nhớ đợt trước mình cũng nói với nhau một cách rất ví von, tức là y như đánh trận, có lúc lui lúc tiến, nhưng phải đúng. Bây giờ, nếu tài sản dù gì cũng là của Nhà nước, của nhân dân, chúng ta không thể bán đổ, bán tháo cùng một lúc, chúng ta phải có lộ trình. Thế còn chính sách cụ thể, như bạn nói có một chính sách nào trong kỳ họp này không, thì chúng tôi cũng nói với bạn, không thể có một chính sách mà giải quyết được. Cái này đang được thực hiện đồng bộ rất nhiều chính sách, trong đó có việc siết vào từng doanh nghiệp một, thoái vốn ở đâu, như thế nào, phải tiến hành tất cả các biện pháp từ vốn, thuế, đến thị trường chứng khoán để chúng ta cùng nhau giải quyết.
Với một niềm tin là sản xuất, kinh doanh đã được phục hồi, thị trường ấm lên thì tất cả mọi thứ, cái nọ thúc đẩy cái kia, việc thoái vốn sẽ được tiến hành. Và tôi xin nhắc lại không thể vì bức xúc phải thoái vốn ngay để làm thất thoát tài sản. Và ngoài thất thoát tài sản ra còn làm rối loạn thị trường nữa.
Phóng viên báo Thanh Niên: Liên quan loạt bài phản ánh trên báo Thanh Niên về nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sỹ, trong đó có vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, có sự tham gia của nhân vật có nhiều nghi vấn tạo dựng hiện trường để làm giả hài cốt liệt sỹ. Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách xã hội đã bỏ ra 8 tỷ đồng mà không có căn cứ xác thực. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Vụ việc này tôi cũng xin nói đây là vụ việc hết sức đáng lưu ý. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Bộ Công an, Bộ LĐTBXH làm rõ thông tin trên báo. Nếu có vi phạm phải xử lý rất nghiêm, ai vi phạm đều bị xử lý. Đây không chỉ đơn thuần là vụ việc lừa đảo kinh tế thông thường mà nó động đến tâm tư tình cảm rất thiêng liêng.
PV Hoài Thu (báo Điện tử Infonet): Vụ việc Chủ đầu tư khu du lịch Đại Nam và Khu Công nghiệp Sóng Thần 3 đã có đơn tố cáo Chủ UBND tỉnh Bình Dương lên Thủ tướng Chính phủ. Không biết vấn đề này Chính phủ đã nhận được chưa, quan điểm của Chính phủ về việc này như thế nào khi tỉnh Bình Dương đã “om” quy hoạch khu công nghiệp của doanh nghiệp này đến tận 7 năm khiến cho doanh nghiệp không thể huy động vốn hay đầu tư vào phần đất mà mình đã được phân giao?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Quan điểm của Chính phủ hoan nghênh doanh nghiệp, người dân phản ánh những điều không phù hợp trong quản lý Nhà nước và Chính phủ sẽ xem xét xử lý theo đúng trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng thẩm quyền. Tinh thần của Chính phủ, ngoài việc hoan nghênh các nơi góp ý, thậm chí tố cáo mang tính xây dựng, để chúng ta có bộ máy hành chính tốt hơn thì cũng sẽ xử nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để làm sao môi trường đầu tư của chúng ta tốt hơn.
PV Vũ Lan (báo điện tử Đất Việt): Về dự án sân bay Long Thành, Đồng Nai, có rất nhiều nhà đầu tư kinh tế đưa ra cảnh báo việc xây dựng sân bay này sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế, chúng ta không thể huy động được nguồn vốn nào khác ngoài nguồn vốn ODA, trong khi điều kiện kinh tế đang khó khăn, gánh nặng nợ công và bội chi ngân sách đều đang lớn. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ với Dự án sân bay Long Thành như thế nào? Sắp tới Chính phủ có chỉ đạo Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải về dự án này hay không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Căn cứ vào yêu cầu phát triển của đất nước và cụ thể trong trường hợp này là khách sử dụng đường hàng không, chúng ta tính quy hoạch hàng chục năm thì cả 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều phải được nâng công suất. Nhưng căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, sân bay Long Thành đã được tính đến. Với quy mô của sân bay này thì phải trình Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ; nếu căn cứ quy mô đầu tư thì còn có thể phải báo cáo Quốc hội.
Hiện nay, dự án mới ở giai đoạn chủ đầu tư lập báo cáo dự án ở giai đoạn 1. Đến nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước chưa xem xét, chưa có báo cáo lên Chính phủ. Mong các bạn hãy yên lòng, giống như các dự án trước đây, 6A, 6B (Thủy điện Đồng Nai – PV) mà các bạn đã hỏi, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và lập các Hội đồng thẩm định, yêu cầu làm việc khách quan, trung thực, có tất cả các lý lẽ khoa học để xem xét có lợi mới làm, không lợi không làm, không bị bất kỳ sức ép nào.
PV Việt Anh (báo Gia đình xã hội): Liên quan tới vấn đề thanh tra việc EVN chi ngoài ngành, xây biệt thự, sân tennis và tính vào giá điện, chi tiêu mua ô tô vượt định mức, giao lỗ cho các đơn vị thành viên, xin hỏi Bộ trưởng, Chính phủ có ý kiến chính thức về vấn đề này chưa? Ngoài ra, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về việc EVN nói rằng, họ tính tiền xây biệt thự, sân tennis vào giá điện là do đặc thù của ngành?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đúng như bạn nói, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết luận thanh tra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa rồi. Theo quy định, mỗi khi thanh tra, có rất nhiều vấn đề, những vấn đề đó liên quan rất nhiều tới chuyên môn của các bộ, ngành. Cho nên, cũng như nhiều cuộc thanh tra, báo cáo đó của Thanh tra Chính phủ được gửi để các bộ, ngành liên quan có ý kiến theo lĩnh vực chuyên môn của mình. Sau khi các bộ, ngành có ý kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến kết luận.
Tinh thần của Chính phủ là làm gì, như bạn nói, có đặc thù hay không cũng phải đúng quy định pháp luật. Nếu sai thì nhất định chúng ta phải sửa, còn tùy thuộc vào mức độ sai phạm của cá nhân, tổ chức để có hình thức xử lý. Chính phủ sẽ chỉ đạo làm đúng theo quy định và sẽ công khai minh bạch toàn bộ kết quả thanh tra với các bạn.
PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng): Liên quan đến việc tái cấu trúc của Tập đoàn VNPT, trong buổi họp báo Chính phủ tháng trước, tôi có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thì Bộ trưởng nói rằng trong tháng này, Chính phủ sẽ quyết xem Mobifone hay Vinafone sẽ ở lại VNPT và chắc chắn tách một trong hai thương hiệu ra khỏi VNPT. Tôi xin hỏi Thủ tướng đã quyết doanh nghiệp nào sẽ tách ra khỏi VNPT và doanh nghiệp đó sẽ trực thuộc Bộ TTTT hay thuộc tập đoàn khác?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Bạn đã thông tin cho chúng tôi về việc trao đổi với Bộ trưởng Bộ TTTT là người đứng đầu ngành Thông tin truyền thông. Bộ TTTT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và theo tinh thần của Nhà nước, phù hợp với Luật Cạnh tranh cũng như để thúc đẩy thị trường viễn thông thì Chính phủ đã yêu cầu tái cơ cấu Tập đoàn viễn thông Việt Nam. Trong đó hiện nay có 2 nhà khai thác thông tin di động lớn là Mobifone và Vinafone, yêu cầu Tập toàn chỉ được giữ 1 trong 2 nhà khai thác đó.
Hiện nay VNPT đã trình phương án lên Bộ và Bộ đã trình phương án lên Chính phủ. Hiện Chính phủ đang trong giai đoạn cùng các bộ, ngành liên quan xem xét phương án theo đúng quy trình xử lý, sau đó trình Thủ tướng quyết định. Và chắc chắn theo bạn nói là trong VNPT sẽ chỉ còn 1 nhà khai khác để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường di động và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Phóng viên Hồng Thắm (kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam): Tôi xin hỏi Bộ trưởng một câu liên quan đến tốc độ tăng GDP của 63 tỉnh thành đều cao hơn nhiều so với GDP cả nước, Bộ trưởng có ý kiến như thế nào? Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do công tác thống kê còn bất cập hay là do căn bệnh thành tích của các địa phương? Chính phủ đã có giải pháp căn cơ nào để giải quyết tình trạng này hay chưa?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đáng tiếc phải nói với bạn cả hai lý do trên đều không phải. Lý do căn bản nhất là bản thân cái từ “GDP” chỉ đúng với nền kinh tế hoàn thiện, không có khái niệm GDP với từng tỉnh, mà chúng ta gọi theo thói quen nhiều năm nay. Cho nên đương nhiên số liệu ở tỉnh, thực ra nếu đúng về khoa học kinh tế, không thể gọi GDP được.
Việt Nam chỉ có tăng trưởng GDP cả nước thôi. Tôi nói nôm na như thế này cho bạn dễ hình dung: Ví dụ mình đi từ Hà Nội đến Bắc Ninh chẳng hạn. Đầu tư vào con đường từ đây lên Bắc Ninh, chạy qua cả Hà Nội lẫn Bắc Ninh, đều tính đầu tư vào Trung ương, nhưng nó có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế của Bắc Ninh. Nếu tách rời Bắc Ninh với Hà Nội, nói về đầu tư vào con đường ấy và hiệu quả của nó thì không hết vì nó còn tác động cả đến Lạng Sơn. Như vậy cũng chưa hết, từ Bến Tre đến Lạng Sơn thì con đường ấy không đóng góp à? Nó chỉ có giá trị đúng khi mà tính về mặt kinh tế trên cả nước. Tất cả người học kinh tế đều rất hiểu nhưng đều theo thói quen.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chỉ đạo Tổng cục Thống kê làm rõ việc này, một mặt chấn chỉnh hệ thống thống kê về số liệu, mặt khác cũng phải tăng tuyên truyền. Tuần trước tôi lên mạng thấy mấy báo cũng đã viết về cách tính GDP rất hay, mong báo chí tuyên truyền hộ cái này để nhân dân và mọi người hiểu không có khái niệm GDP cho từng tỉnh một. Và vì thế cũng có một số ý kiến nói rằng số liệu thống kê khác nhau. Thực ra không phải vì số liệu thống kê chỉ có một, còn số liệu khác là số liệu điều hành, không nằm trong số liệu thống kê Nhà nước. Hai cái số đó khác nhau, số liệu thống kê được thu thập bởi hệ thống thống kê, được tổ chức rất chặt chẽ, còn các số liệu điều hành thì có các sở, ban, ngành tập hợp lên để điều hành có sự chỉ đạo.
Tôi cũng rất mong báo chí cùng nhau tuyên truyền cái này, giúp cho công tác tuyên truyền thống kê đến nhân dân chính xác. Tôi rất chia sẻ với bạn, tôi cũng đã làm ở địa phương. Tâm lý ở địa phương, bệnh thành tích hơi nặng, nhưng đúng là ai cũng muốn tình hình kinh tế-xã hội của địa phương mình được nhìn nhận tốt. Cái đó là có nhưng không phải vì thế mà chúng ta gọi là GDP tỉnh được.
Phóng viên báo điện tử VnEconomy: Sau những thông tin Chính phủ đề xuất nâng trần bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ được đăng tải trên các báo, các chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng mục tiêu ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khó đảm bảo, còn người dân lo ngại khả năng lạm phát có thể bùng phát trở lại. Xin Bộ trưởng chia sẻ đánh giá, bình luận, đưa ra lý giải, phản hồi về lo ngại của các chuyên gia kinh tế và người dân?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Khi nói về những vấn đề kinh tế vĩ mô thì bao giờ cũng rất khó vì những người quan tâm đến kinh tế vĩ mô, bao gồm những chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ rất sâu về kinh tế và cả những người dân không thể hiểu những khái niệm phức tạp. Nói như thế nào để hiểu cho đúng quả là vấn đề rất khó. Trong tất cả các buổi họp báo, tôi luôn cố gắng cùng các bạn nói đúng cơ bản về khoa học kinh tế để nhân dân hiểu.
Thứ nhất, đội ngũ các chuyên gia của chúng ta rất đông đảo, gồm những người làm trong các cơ quan nghiên cứu, mà các bạn thấy rõ nhất về vĩ mô là Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 viện và rất nhiều viện khác… Ngoài ra có những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, say mê nghiên cứu và có những hiểu biết rất sâu về kinh tế vĩ mô. Mỗi người đều rất tích cực, quan tâm và có bình luận về tất cả các khía cạnh của nền kinh tế.
Tôi xin thông báo tất cả những kế hoạch hằng năm, chi tiêu ngân sách, đầu tư cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch phát triển ngành và của các địa phương thì phần nhiều đều giao cho các cơ quan có chức năng nghiên cứu xây dựng, hoặc tham gia xây dựng. Và nhất định là trong quá trình thẩm định trước khi phê duyệt, bao giờ cũng lấy ý kiến đông đảo các nhà khoa học. Rất nhiều vấn đề được đặt lên, đặt xuống, mỗi người đều có cái lý của mình nhưng Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khi xem xét kế hoạch hằng năm và 5 năm đều xem xét rất tổng thể về mặt chuyên gia.
Cụ thể về nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% thì cũng đơn giản như thế này: Các bạn đều biết năm nay sản xuất kinh doanh khó khăn và Bộ Tài chính nói rằng thu rất khó. Lần đầu tiên sau mười mấy năm bị hụt thu. Kế hoạch đầu năm mà Chính phủ đã trình cuối năm ngoái và Quốc hội đã thông qua có nói năm 2013 sẽ thu được bao nhiêu tiền và chi bao nhiêu tiều, chi vào đâu, đều có kế hoạch rất cụ thể. Đến gần cuối năm, thu hụt thì xin nâng bội chi tức là mình tiêu nhiều hơn thu được, để bù vào thực hiện chính bội chi mà chúng ta đã làm năm ngoái chứ không phải nâng lên để làm cái gì mới. Do đó, ảnh hưởng đến lạm phát như nhiều chuyên gia và người dân lo không phải là in thêm tiền để làm thêm những việc mới ngoài kế hoạch.
Về số liệu, tôi xin cung cấp thêm, nôm na thế này: Bộ Tài chính, cách đây 2-3 tháng, rà soát lại thì thấy thu năm nay khó quá và dự kiến hụt thu khoảng 63.000 tỷ đồng. Trong khi đó tổng vốn đầu tư từ NSNN năm 2013 khoảng 185.000 tỷ đồng. Trần bộ chi được nâng từ 4,8% lên 5,3%, tương ứng 18.500 tỷ đồng là cố gắng để đầu tư vào những chỗ cho đầu tư phát triển nhưng mà nguồn thu không có, chứ không phải nâng trần bội chi lên hết để đủ bù 63.000 tỷ đồng. Đây không phải là in tiền mới để làm việc mới.
PV Thanh Hà (thời báo Doanh nhân): Nhiều doanh nghiệp vận tải đang kiến nghị việc tăng cước 3G làm ảnh hưởng rất nhiều đến loại hình doanh nghiệp này. Ý kiến của Chính phủ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi nhớ cách đây 1 tuần, 3 nhà khai thác mạng đồng tình tăng cước 3G. Ngay lập tức, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phải kiểm tra, nếu vi phạm Luật Cạnh tranh thì phải xử lý. Tinh thần của chúng ta là giá cả các dịch vụ thiết yếu đã thống nhất phải theo thị trường có định hướng, làm sao để tổng thể các ngành kinh tế phải phát triển đồng đều. Chúng ta đã có các luật, các văn bản pháp luật, chúng ta phải tuân theo, dù là cá nhân hay tổ chức nào. Bộ Công Thương hiện nay đang tiến hành kiểm tra, đối chiếu để báo cáo lại Chính phủ, nếu có vi phạm phải xử lý ngay.
Theo Chinhphu.vn
Theo