(Xây dựng) - Từ ngàn đời nay, đi hội ngày xuân trở thành nét đẹp trong đời sống tinh thần mang đậm ý nghĩa nhân văn của nhân dân ta.
Lễ hội không những đáp ứng yêu cầu tâm linh của mỗi người nhớ về tổ tiên nguồn cội, những bậc thánh nhân, những anh hùng tiên liệt có công dựng nước và giữ nước, mà còn thể hiện niềm tin, khát khao của mỗi người mong một năm mới đến với nhiều thuận lợi, may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trẩy hội ngày xuân còn là dịp ta vui chơi, vãn cảnh, tham quan, du lịch thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và tham gia các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa gắn kết với cộng đồng xã hội, mà ngày thường vì nhiều lý do chưa có dịp hòa đồng.
Trong những năm qua, văn hóa đi lễ hội của du khách ngày càng được nâng cao. Những giá trị đẹp của lễ hội đã được khôi phục và phát triển với nhiều nét phong phú, đa dạng, mang đậm màu sắc dân gian của từng địa phương.
Một chi tiết tưởng như nhỏ nhưng phải mất khá lâu mãi gần đây mới thành hiện thực. Hình ảnh người đi lễ hội tay cầm từng bó hương nhang nghi ngút khói chen lấn vào cắm lên tận ban thờ như trước không còn nữa, thay vào đó là hình ảnh du khách thập phương dâng ném tâm hương tại các bình hương ngoài trời, ngay trước cửa đền chùa.
Người đi lễ hội cũng có ý thức hơn mỗi khi bước chân đến nơi linh thiêng, thành kính không chỉ ở lễ phẩm giản dị, thành tâm mà còn ở ngay cách nói năng hòa nhã, xưng hô dịu dàng, ăn vận trang nhã, lịch sự và cư xử với nhau trên kính dưới nhường mong làm điều thiện, gặp điềm lành.
Ngoài ra các ban tổ chức và quản lý lễ hội ở nhiều nơi có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn và phát huy tập quán, thuần phong mỹ tục, nghi lễ nơi thờ tự, cũng như chú trọng tới các hoạt động văn hóa, thể thao, triển lãm ngay nơi diễn ra lễ hội, làm phong phú thêm văn hóa lễ hội, lại thu hút được khách thập phương.
Tuy nhiên vẫn còn đó những hình ảnh không đẹp vẫn còn lác đác xuất hiện ở một số lễ hội. Ai cũng biết đền chùa, đình miếu là nơi linh thiêng, đến đó là để thể hiện lòng thành kính trước anh linh tiên liệt, nhưng đáng tiếc gần đây không ít “con nhang đệ tử” lại coi những nơi đó là chỗ “nương thân” cho con đường hoan lộ của mình.
Mỗi khi đi lễ hội ở đâu thường sắm sửa phẩm lễ tốn kém tiền triệu, đến nơi khấn vái hàng tiếng đồng hồ cầu xin thánh thần phù hộ cho “vinh thân phì gia”, bất chấp xung quanh bao nhiêu người đang “xếp hàng” chờ vào lễ. Người cầu thăng quan tiến chức, người cầu “buôn tàu bán bè” và cả người cầu “lắm mưu nhiều kế” đã vô hình trung biến ý nghĩa lễ hội đi chệch quỹ đạo văn hóa.
Bên cạnh đó, không ít người còn thiếu ý thức trong khi đi lễ hội, không chấp hành quy định của ban quản lý di tích, ửng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, thậm chí giữa nơi tôn nghiêm còn chen lấn, xô đẩy nhau, tranh cướp đồ lễ, cắm hương, rải tiền không đúng chỗ; chưa kể một số chị em trẻ đi lễ hội mà ăn vận như ở nhà áo quần cộc cỡn trông mất mỹ quan nơi linh thiêng.
Gần đây ở một số nơi còn xuất hiện việc viết sớ thuê, xin cho chữ bày ra ngang nhiên, ngay lối đi vào đền ngồi một dãy dài những “ông thầy” viết, bán sớ và những tờ “lá bùa”, mà “thầy” nói bao nhiêu, hai trăm, hai trăm rưỡi, thậm chí ba trăm nghìn một lễ (sớ) người mua cũng chỉ biết móc túi ra trả đủ ngần ấy tiền... mới “thiêng”.
Cho chữ là tục lệ đẹp, đáng khuyến khích, nhưng là ở khía cạnh ông thầy nho ngồi chăm chú với cây bút, tờ giấy bên bát mực tàu, ai xin chữ nào hợp với sở thích của người ấy, thì ông đồ lập tức viết ngay cho, chứ không phải một loạt chữ nho, chẳng hạn như: Tâm, Nhẫn, Đức, Phúc, Lộc, Trí, Tuệ… đã được in hàng loạt như kiểu “tờ rơi”, rồi bày ra bàn như bày hàng xén, ai thích chữ gì mua chữ ấy thì ý nghĩa văn hóa của việc cho chữ cũng không còn nữa.
Đi lễ hội ngày xuân là nét đẹp mang đậm ý nghĩa nhân văn được truyền từ đời này sang đời khác. Là sợi dây vô hình thắt chặt tình nghĩa giữa hiện tại, xa xưa, giữa cháu con với tiên tổ.
Vì thế, người đi lễ hội cũng như người có trách nhiệm tổ chức, quản lý lễ hội chớ bỏ qua những việc tưởng như rất nhỏ, nhưng thực ra lại là dấu hiệu của một sự xuống cấp về phong tục, tập quán mà cha ông ta đã mất bao công sức mới dựng xây và gìn giữ đến ngày nay.
Chỉ có thế, lễ hội ngày xuân mới thực sự là một hoạt động văn hóa tâm linh, mang lại niềm vui và sự an lành cho mọi người, mọi gia đình để “quốc thái dân an”, như bậc tiên liệt hằng mong ước.
Ánh Hồng
Theo