(Xây dựng) - Ông Lưu Bá Hộ, ở thôn Đoài, xã đảo Quan Lạn, Vân Đồn (Quảng Ninh) gặp bạn cùng đơn vị cũ từ đất liền ra thăm. Sau nửa thế kỷ rời quân ngũ, mỗi người về một nơi, giờ mới được gặp nhau giờ tay bắt mặt mừng vui vẻ. Nhưng hỏi chuyện gia sự thì không biết ông cười hay mếu, đôi mắt nheo nheo đỏ, tay run run đưa ra một tập tài liệu dày cộp cho mọi người cùng xem.
Ông Lưu Bá Hộ đưa ra tập tài liệu để mọi người cùng xem nỗi oan trái trong cuộc đời mình.
Ông Lưu Bá Hộ rầu rầu: “Oan trái lắm! “Đầu làng ông Mão chăn dê/cuối làng ông Hộ đắp đê ngồi tù” (ông Mão và ông Hộ là 2 người được coi là nhân vật bất hạnh ở địa phương). Ông Hộ khi trẻ xuống biển bị lỡ bước sa chân vào vòng lao lý, nay già lên rừng tưởng an phận điền viên, nào ngờ cơn “sốt đất” ập đến, cánh rừng ông “trồng cây đến ngày ăn quả” bị người khác nẫng tay trên, còn đe đưa ông ra tòa”.
Ông Hộ than thân: “Tôi sinh năm 1942, người gốc đảo Quan Lạn. Năm 1966, khi quân Mỹ bắt đầu đổ quân ồ ạt vào miền Nam, tôi lên đường nhập ngũ, được bổ sung vào Sư đoàn 308 (Sư đoàn được mệnh danh là quả đấm thép trên chiến trường), đơn vị đánh đâu thắng đấy, quân Mỹ ngụy vô cùng sợ hãi”.
Năm 1973, hiệp định Pari ký kết, quân Mỹ buộc phải rút quân về nước, anh lính Lưu Bá Hộ được xuất ngũ trở về làng biển, một vùng quê từng nổi tiếng thương cảng quốc tế của nước ta. Thế nhưng người dân nơi đây nghèo, đồng ruộng một nắng hai sương, gạo không đủ nuôi người, còn phải nhờ vào cồn cát trắng.
Cuối thập kỷ 80, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, trên đất liền đã khởi động nền kinh tế thị trường, nhưng nơi đảo xa còn nặng quan liêu bao cấp. Ông Lưu Bá Hộ đã bung ra làm kinh tế trước dân làng. Năm 1993, ông Lưu Bá Hộ chủ trì cùng với các ông Bùi Quang Kính, ông Nguyễn Trung Thành góp vốn lập dự án đắp 70ha đầm nuôi thủy sản ở khu vực bãi triều Gồ Dậu, thuộc thôn Tân Phong với dự toán đầu tư 400 triệu đồng. Thế nhưng việc be bờ, quai đê gặp nhiều khó khăn, họ đã phải cầm cố nhà cửa làm tài sản thế chấp vay ngân hàng thêm 172 triệu đồng tại bàn tiết kiệm ở địa phương. Đến năm 1994, thì công trình xây dựng đầm nuôi trồng thủy sản của ông cùng 8 cổ đông góp vốn hoàn thành lấy tên là “Tổ hợp đầm Gò Dậu”.
Đến năm 1995, ao đầm đã cho thu hoạch hàng tấn cá tôm, ông Hộ nhẩm tính với đà phát triển này thì chỉ vài năm là hoàn vốn và có lãi. Ngờ đâu năm 1996, đảo Quan Lạn bất ngờ một trận siêu bão ập đến, đã đánh sập toàn bộ hệ thống đê bao bờ đầm. Bão tan đầm Gồ Dậu chỉ còn mặt nước trắng băng.
Bão tan đầm Gồ Dậu chỉ còn mặt nước trắng băng.
Thiên tai đẩy ông Lưu Bá Hộ vào cảnh vỡ nợ, đồng vay thì có, đồng trả thì không, ngân hàng đến xiết nợ. Căn nhà bẹp thừa kế mà ông cha để lại ngân hàng phát mại không đủ với số tiền vay, ông Hộ liền bị khởi tố ra tòa.
Năm 1997, hòn đảo Quan Lạn như có một đại án: ông Lưu Bá Hộ, ông Bùi Quang Kính, ông Nguyễn Trung Thành, cùng 2 cán bộ bàn tiết kiệm ở địa phương tổng cộng là 5 người cùng một lúc đi tù về tội gian dối, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
Riêng ông Lưu Bá Hộ (172 triệu chia cho 3 người chịu bằng khoản nợ trên 57 triệu) bị phạt tù giam 12 tháng. Năm 1998, thì thi hành án, đương nhiên ông Hộ mất cả danh hiệu đảng viên, mà khi vào Đảng phải đổi bằng máu ở chiến trường.
Oan sai, đồng tiền vay của Nhà nước được đầu tư đúng mục đích, do thiên tai địch họa cướp đi. “Mình có gian dối gì đâu”, ông Lưu Bá Hộ xót xa kể.
Khi ông Lưu Bá Hộ ngồi tù, ao đầm vắng chủ để đấy. Ngày ông ra tù “tay trắng” chưa có khả năng khôi phục sản xuất. Đầm Gồ Dậu nhìn xa chỗ lở chỗ bồi, lại gần thấy rõ dấu tích công trình đê đầm sạt lở.
Vài năm gần đây đất đai hải đảo “lên ngôi”, nhờ có điện lưới quốc gia ra đảo, nhờ có Khu kinh tế Vân Đồn khởi động. Nhiều người ngỏ ý chung vốn với ông Lưu Bá Hộ khôi phục đầm Gồ Dậu để nuôi trồng thủy sản. Những đã muộn, khu bãi triều Gồ Dậu không được nuôi trồng thủy sản nữa. Đất đai, mặt nước ở đây nằm trong quy hoạch tuyến đê chắn sóng và dự án khôi phục rừng ngập mặn của tỉnh.
Ông Lưu Bá Hộ bức xúc: “Đất đai trong quy hoạch của Nhà nước, người dân phải chấp hành, nhưng đã là dự án phải công khai quy hoạch. Chính quyền địa phương biết rõ, nhưng chưa ra quyết định thu hồi đất, chưa lập phương án bồi thường, đã đổ đất xây dựng tuyến đê kiên cố sẻ ngang đầm Gồ Dậu. 10ha trong đê mất nguồn sinh thủy, 60ha ngoài đê Nhà nước trồng rừng ngập mặn”.
Năm 1995, gia đình ông Lưu Bá Hộ được chính quyền địa phương giao đất giao rừng theo Nghị định 02/CP, nay là Nghị định 163/1999/NĐ-CP, ngày 16/11/1999, diện tích giao thuộc khoảnh I, tiểu khu 210. Từ năm 1995 đến nay, gia đình ông Hộ gồm ba bố con trồng thông, keo, bạch đàn và khai thác ổn định trên khoảnh rừng này ở quê hương mình. Từ khi Vân Đồn rục rịch xây dựng đặc Khu hành chính kinh tế, đất đai tít ở đảo xa này cũng “tấc đất, tấc vàng”. Đất rừng, đất ruộng, đất thủy sản người dân lén lút sẻ ra bán trao tay, một số cán bộ địa phương thoái hóa còn dung túng cho “chợ trời” bán đất trái phép.
Ông Lưu Bá Hộ có biết hậu quả đất “chợ đen”, nhưng không ngờ hiểm họa cơn “sốt đất” như sóng thần ập đến chính gia đình mình. Đó là gần đây bà Lê Thị Xuân, sinh năm 1963, hộ khẩu thường trú mãi ở số 73 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội, dẫn đầu nhóm người lạ tới nhà vu cho bố con ông Hộ tự ý chặt cây, khai thác gỗ trên cánh rừng của họ. Còn bảo sẽ tố ông ra tòa vì tội chiếm đoạt tài sản công dân.
Còn gì đau khổ hơn khi trồng cây đến ngày thu hoạch lại bị cường quyền “nẫng” tay trên.
Theo như được biết, bà Lê Thị Xuân được UBND huyện Vân Đồn cấp quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất trên diện tích 60.538m2 rừng, thuộc thửa đất số 74, tờ bản đồ số 03, ký ngày 22/01/2019. Mà khu đất này chính là vạt rừng mà bố con ông Hộ đang sản xuất, như ăn chắc cơ sở pháp lý.
Phía ông Lưu Bá Hộ còn đưa ra được sổ quản lý rừng của Hạt kiểm lâm, cơ quan chuyên trách quản lý rừng từ Trung ương đến cơ sở, từ năm 2000 thửa đất số 74 này là diện tích rừng sản xuất của anh Lưu Hùng Lâm - con trai ông Lưu Bá Hộ. Chủ tịch UBND xã Quan Lạn xác nhận rằng: “Rừng cây này là do bố con ông Lưu Bá Hộ trồng và quản lý có thâm niên. Còn bà Lê Thị Xuân người ở TP Hà Nội gần đây mới thấy xuất hiện ở địa phương, không có tác động trồng rừng”.
Mâu thuẫn, tranh chấp trên chắc hẳn phải đưa ra toà mới có thể sử lý dứt điểm được. Ông Lưu Bá Hộ, một cựu chiến binh, bệnh binh chất độc da cam khi còn trẻ vì thiên tai vay ngân hàng 57 triệu đồng không trả được mà bị tù đày. Nay tuổi già khai thác gỗ trên cánh rừng do chính tay mình trồng và rừng lại được Nhà nước giao hẳn hoi, chỉ vì cơn “sốt đất” nạn tùy tiện sẻ rừng ra bán hòng chuyển đổi mục đính sử dụng đất rừng, giấy tờ nhập nhằng mà một lần nữa đẩy ông Lưu Bá Hộ vào nguy cơ ra tòa thì quả là bi kịch.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Bùi Ánh Hồng
Theo