Hàng chục lò gạch ngói thủ công ở xã Hương Vinh, Hương Toàn (TX Hương Trà) nằm trong danh mục cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng buộc phải di dời trước năm 2005. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn nhóm lò, nổi lửa để sản xuất hàng ngày.
Các lò gạch thủ công ở xã Hương Vinh, Hương Toàn hàng ngày vẫn đỏ lửa trong các khu dân cư.
Ô nhiễm kéo dài
Qua quan sát của PV, tất cả các lò gạch ngói thủ công ở xã Hương Vinh, Hương Toàn (TX Hương Trà) đều nằm lẫn trong khu dân cư, chủ yếu là lò đất nung bằng củi và than đá nên bụi và khói mù mịt khắp làng xóm. Dọc tuyến tỉnh lộ 4 qua thôn Thủy Phú (xã Hương Vinh) những ngày này các lò gạch đua nhau nổi lửa khói bụi bay mù mịt, nhiều ngôi nhà, giếng nước, ruộng lúa… sát với lò gạch có màu bạc phếch vì bụi khói lò gạch bao phủ. Nhiều người qua đường cũng phải nhăn mặt, bịt mũi khó chịu bởi mùi khai nồng nặc của khí thải lò gạch. Mùa mưa còn dễ chịu, mùa nắng gặp gió lại càng khó chịu hơn.
Người dân ở đây cho biết, nghề sản xuất gạch thủ công ở các xã Hương Toàn, Hương Vinh được duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sống với nghề nên chuyện ô nhiễm, gây hại cho sức khoẻ được xem là chuyện thường. Nhưng trong thôn vẫn có rất nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp, mắt và da liễu. Mặc dù vậy, đến nay hầu như chưa có tổ chức nào đến nghiên cứu để đưa ra con số cụ thể về tình trạng sức khoẻ của người dân sống ở đây.
“Biết sản xuất gạch ngói thủ công gây ô nhiễm, không cạnh tranh được với các loại gạch ngói tuynen cả về chất lượng lẫn giá thành. Nhưng nếu ngừng sản xuất họ chỉ biết đi làm thuê, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”, ông Cao Thắng cho biết.
Quy hoạch trên giấy
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các lò gạch thủ công phải di chuyển trước năm 2005. Theo đó, UBND tỉnh TT-Huế có kế hoạch quy hoạch tập trung các lò gạch về sản xuất tại thôn Thuỷ Phú (xã Hương Vinh, TX Hương Trà). Các hộ khi vào sản xuất gạch tại khu quy hoạch phải đầu tư sắm lò liên tục kiểu đứng để phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, mỗi lò nung theo kiểu mới phải mất gần 100 triệu đồng. Ông Trần Đình Khôi - tổ trưởng lò gạch (thôn Thuỷ Phú, xã Hương Vinh) cho biết, lò kiểu mới có công suất mỗi mẻ 500 viên, bình quân mỗi ngày làm được 8 mẻ. Nung bằng lò mới phải tốn nhiều công, nhưng bù lại tiết kiệm được chi phí nhiên liệu. Trong khi, lò thủ công sẽ cho nung liền một lần khoảng 30 nghìn viên trong thời gian 2 ngày, với chi phí khoảng 4 triệu đồng. Mỗi lò có một thuận lợi riêng, nếu nung bằng lò mới thì mùa mưa phải nghỉ làm vì gạch nung ra không được khô để đảm bảo chất lượng, nên người dân cũng đang gặp khó khi chuyển đổi.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TT-Huế cho biết, tỉnh đang có chủ trương tập trung giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các lò gạch thủ công. Triển khai quy hoạch các lò nung đến khu vực ít dân cư và yêu cầu 3 - 4 hộ chung vốn để đầu tư trang thiết bị, lò nung hiện đại ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay trên địa bàn thôn Thủy Phú (xã Hương Vinh) còn 7 lò và thôn Nam Thanh (xã Hương Toàn) có 6 lò. Các lò này đều nung theo cách truyền thống, không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nên gây ô nhiễm nặng.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Trần Quốc Thắng - Phó chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, trước đây UBND TX Hương Trà đã lập quy hoạch chi tiết dự án cụm làng nghề gạch ngói thôn Thuỷ Phú (xã Hương Vinh) nhưng không được UBND tỉnh phê duyệt nên đã bãi bỏ. Ngoài ra, địa phương vẫn chưa thực hiện việc chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Trong giai đoạn này, xã phối hợp UBND TX Hương Trà xây dựng phương án nhằm sắp xếp lại nơi sản xuất ổn định cho người dân làm gạch ngói.
Trí Đức
Theo baoxaydung.com.vn