Thứ bảy 20/04/2024 12:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

An toàn lao động trên công trường xây dựng:

Vấn đề cần được quan tâm trước sức ép giải ngân vốn đầu tư công

16:40 | 19/10/2021

(Xây dựng) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách xã hội thời gian qua ảnh hưởng rất lớn tới công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm dự kiến là 218.000 tỷ, đạt khoảng 47,38% kế hoạch. Từ nay đến hết năm, sức ép giải ngân trên 200.000 tỷ còn lại là một thách thức không nhỏ. Phần lớn nguồn vốn đầu tư công là đầu tư vào các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

van de can duoc quan tam truoc suc ep giai ngan von dau tu cong
Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tại Hội nghị về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngày 28/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu, năng lực chủ đầu tư, năng lực nhà thầu, sự thay đổi chồng chéo của các quy định pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, thủ tục, kể cả phân cấp cho các địa phương để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm đạt 90 - 95%.

Ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trên cơ sở này các địa phương đánh giá cụ thể tình hình dịch bệnh theo các cấp độ để mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy, các công trường xây dựng từ nay đến cuối năm sẽ mở cửa lại và phải hoạt động tối đa để bù đắp khối lượng công việc bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội thời gian qua và đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công. Song song với việc mở cửa lại các công trường xây dựng sẽ là các giải pháp an toàn lao động cần được quan tâm.

Theo thống kê của Cục An toàn Lao động – Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 3.612 vụ tai nạn lao động (tăng 7,85% so với 6 tháng đầu năm 2020), làm chết 418 người, bị thương 3.255 người (tăng 6,46% so với cùng kỳ năm). Trong đó, tỷ lệ số vụ tai nạn trong lĩnh vực xây dựng chiếm 12,7%, số người bị tai nạn chiếm 13,16%; số vụ tai nạn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 8,29% và số người bị tai nạn chiếm 8,42%. Như vậy, tỉ lệ tai nạn lao động các lĩnh vực do Bộ Xây dựng quản lý (lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng) chiếm 21,81% tổng số vụ và 21,74% số người chết và bị thương.

Những số liệu trên có thể cho thấy mức độ tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng là rất nghiêm trọng. Trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều do công tác thống kê tai nạn lao động còn một số bất cập. Theo nhiều cuộc điều tra khảo sát, cũng như dễ thấy trên thực tế các nhà thầu xây dựng ở nước ta hiện nay sử dụng rất nhiều lao động phổ thông, các lao động phổ thông này làm việc theo hợp đồng thời vụ, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn. Khi tai nạn xảy ra, chủ thầu thường tìm cách thỏa thuận với người nhà nạn nhân dàn xếp việc đền bù. Họ thường khai với cơ sở y tế và cơ quan chức năng là các tai nạn này do các nguyên nhân khác.

Một số vụ TNLĐ trên công trình đang thi công trong thời gian qua có thể kể đến như: Trong những tháng đầu năm 2021, ngày 30/3 sập giàn giáo công trình xây dựng khi đang đổ bê tông tại nhà số 170 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, Hà Nội khiến 1 người bị thương; ngày 12/4 tại công trình xây dựng trong Cụm công nghiệp làng nghề Khúc Xuyên, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh làm sập giàn giáo công trình khiến 2 công nhân tử vong. Năm 2020, ngày 9/7 vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số nhà 16A phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm 4 người chết; ngày 14/5 vụ sập công trình xây dựng tại Công ty Cổ phần AV Healthcare, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Tràng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết, 14 người bị thương; ngày 28/8 tại Long An, trong lúc các công nhân tháo giàn giáo mái che cửa sổ tầng 1 thì phần mái che bằng bê tông rơi xuống nhóm công nhân đang làm việc phía dưới kiến 2 người chết, 6 người bị thương nặng… Các sự cố trên không những gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và tâm lý bất an trong xã hội về lĩnh vực an toàn trong thi công công trình xây dựng.

Qua tổng hợp, phân tích, đánh giá, các vụ TNLĐ đối với công trình đang xây dựng trong thời gian qua tập trung vào một số dạng, cụ thể như:

Sập công trình, giàn giáo, hầm, hào: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất trong TNLĐ thi công xây dựng hiện nay. Bắt nguồn từ việc công trình xây sai kỹ thuật, xây bằng vật liệu kém chất lượng, giàn giáo lắp đặt không chính xác, tính toán sai tải trọng hay vật liệu được đào lên để quá gần miệng hào rất dễ bị sập, rơi tự do gây thương tích cho người lao động.

Rơi, ngã từ trên độ cao xuống: Rơi, ngã trong TNLĐ là việc lao động rơi từ trên cao do tác động của trọng lực, không chịu sự cản trở của vật thể nào khác và được gọi là rơi tự do, tai nạn rơi ngã xảy ra do sự chênh lệch về độ cao. Tùy theo tình hình thực tế mà hậu quả của sự cố, tai nạn này nghiêm trọng đến mức nào, nhiều lao động bị thương tật vĩnh viến thậm chí tử vong. Loại hình tai nạn này xảy ra tại công trường xây dựng chiếm hơn 50% trong tổng số tai nạn rơi ngã xảy ra trong toàn bộ các ngành nghề, có hơn 75% tai nạn tử vong do rơi ngã xảy ra trong toàn bộ các ngành nghề xảy ra trong ngành Xây dựng.

Các vật từ trên cao rơi trúng: Trong các công trình xây dựng, các công cụ, vật liệu và thiết bị nặng, cần cẩu có thể rơi từ trên cao, mũ bảo hộ cứng không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng bảo vệ người lao động. Nếu một khu vực xây dựng không được rào chắn an toàn theo quy định sẽ rất nguy hiểm cho cả những người sinh hoạt, đi lại xung quanh khu vực mặt bằng xây dựng, gây thương tích thậm chí là thiệt mạng.

Điện giật: Phơi nhiễm với đường dây cao thế trên cao hoặc đặt ngầm dưới đất có thể dễ gây ra tử vong. Dụng cụ sử dụng điện hoặc dây dẫn hỏng cũng có thể gây ra trấn thương do điện giật giống như do phơi nhiễm với đường dây không sử dụng nhưng vẫn có điện.

Theo Điều 33 Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 25/6/2015 thì Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng. Theo Điều 115 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc hội khóa 14 thông qua năm 2020 quy định về an tòan trong thi công xây dựng công trình như sau: “Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường...”.

Trên cơ sở của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-BXD về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Thông tư này nhằm quy định các vấn đề quản lý an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng; tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng; hướng dẫn khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo và giải quyết sự cố sập, đổ máy, thiết bị vật tư sử dụng trong thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 18:2014/BXD) trong đó nêu rõ các nguyên tắc, giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn chuyên công trường xây dựng ở các khâu: tổ chức mặt bằng công trường; lắp đặt và sử dụng điện trong thi công; công tác bốc xếp và vận chuyển vật liệu, thiết bị thi công; sử dụng các dụng cụ cầm tay; sử dụng xe máy xây dựng; công tác khoan; công tác giàn giáo; công tác hàn; công tác đất; công tác móng; thi công các công trình ngầm; công tác làm việc trên cao; công tác thi công trên mặt nước… Đây là các quy định rất cần thiết và bắt buộc để các tổ chức cá nhân có liên quan, tuân thủ để đảm bảo giảm thiểu các tai nạn trên công trường xây dựng.

Do vậy, để vừa đáp ứng tiến độ thi công trên các công trình xây dựng, kịp thời giải ngân vốn đầu tư, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động trên công trường xây dựng. Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý về an toàn lao động phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, hướng dẫn các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp nhằm ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra của các cơ quan Nhà nước cần được tăng cường để phát hiện kịp thời, chấn chỉnh khắc phục. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn vệ sinh lao động, giám sát, khai báo sự cố, dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố gây mất an toàn lao động, khắc phục hậu quả, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình… Người lao động cần hiểu biết, thực hiện các quy định về Luật An toàn, vệ sinh lao động. Từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã khai báo với người phụ trách trực tiếp nhưng không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cung cấp đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định. Chỉ như vậy mới giảm thiểu được tai nạn lao động trên các công trường xây dựng và đảm bảo tiến độ thi công các công trình xây dựng, góp phần giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2021.

Đặng Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load