Thứ hai 20/01/2025 23:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Vẫn có kẻ tiết kiệm, người tiêu hoang

08:43 | 16/01/2014

Phần lớn người Việt biết liệu cơm gắp mắm, tích cốc phòng cơ. Nhưng “một bộ phận không nhỏ” lại có tính tiêu hoang được xếp hạng trên thế giới!


Nhiều người dân vẫn phải vất vả kiếm ăn từng bữa. Ảnh: M.P

Từ kết quả khảo sát về niềm tin và thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương do hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố hồi cuối tháng 11.2013, ông Matt Krepsik, giám đốc điều hành dịch vụ đo lường tiếp thị của Nielsen cho rằng: “Báo cáo mới nhất cho thấy xu hướng thận trọng, điều chỉnh và cân đối thu nhập với việc mua sắm để đảm bảo sự ổn định tương lai của người dân tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á ngày càng tăng lên. Người dân đã biết và hạn chế mua sắm để bảo vệ ngân sách gia đình”.

Tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu

Qua kết quả khảo sát 3.000 người thuộc sáu quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore, nhóm khảo sát của Nielsen cho rằng: người tiêu dùng Đông Nam Á là những người tiết kiệm nhất thế giới. Tiết kiệm số tiền thừa còn lại sau khi đã trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu là ưu tiên hàng đầu, có 72% người dân Việt Nam tham gia cuộc khảo sát này cho biết như vậy.

Vì quan niệm tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu nên hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi đáng kể. Theo kết quả của Nielsen, 90% người dân Thái Lan và Việt Nam được hỏi đã cho biết, khi thu nhập hiện tại khốn khó, nền kinh tế bất ổn, nhiều thú vui mua sắm, hưởng thụ như thời trang và giải trí ngoài ngôi nhà đã bị cắt giảm mạnh. 62% người Việt Nam đã giảm mua quần áo mới, và 60% giảm những hình thức giải trí ngoài ngôi nhà, tiết kiệm gas và điện.

Trong một thăm dò bỏ túi của người viết với khoảng 20 đối tượng là nhân viên tại các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ và sản xuất tại TP.HCM, hầu hết đều cho rằng, trong năm 2013, không hề có khoản tiền tiết kiệm nào vì các doanh nghiệp đều gặp khó, may mắn lắm được nhận lương đầy đủ. Ông T.V.Đ. (quận 3, TP.HCM) cho biết, trong năm 2013, chưa hề mua thêm món hàng nào có giá trên 5 triệu đồng, chưa kể phải thâm vào khoản “lương khô” ước chừng 100 triệu đồng vì lương theo việc của tám tháng đang bị công ty nợ mà chưa biết ngày nào được nhận! Ông H.B. (Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, năm 2013 là “năm hạn”, chỉ nhận được lương cơ bản, còn những khoản phụ cấp thêm giờ, việc khoán vẫn còn bị nợ. “Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều nhờ vào... lương của vợ”, ông H.B. ngậm ngùi.

Tại phiên khai mạc diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam ngày 5.12.2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thu nhập bình quân đầu người dân Việt Nam năm 2013 khoảng 1.960 USD, tức khoảng 40 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng, bình quân mỗi người được quyền chi tiêu cho tất cả các sinh hoạt, từ ăn uống, đi lại... ở mức 3,33 triệu đồng. Với số tiền trên, người dân ở khu vực nông thôn còn phải chật vật, huống gì cư dân đô thị ở Hà Nội, TP.HCM.

Người Hà Nội xài sang

Dù vậy, người lao động tài năng và thu nhập cao vẫn có quyền thụ hưởng những giá trị vật chất cao cấp như một số ông chủ của Việt Nam đã sắm máy bay riêng, có những toà nhà hàng triệu USD, những chiếc xe hàng hiệu, rồi đồng hồ, quần áo, mỹ phẩm, điện thoại di động, túi xách, giày dép... có giá từ một vài đến hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, mức tiêu hoang của một “bộ phận không nhỏ” lại xuất phát từ những món tiền kiếm được “một cách... ngẫu nhiên và phi lao động”.

Đến nay, chưa có thống kê giá trị của những mặt hàng cao cấp tại Việt Nam nhưng từ năm 2000 trở lại đây, ai cũng nhìn thấy nó xuất hiện nhan nhản tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như: Esprit, Cartier, Louis Vuitton, Burberry, Roll-Royce, Lexus, Infinity, Vertu, Mobiado, Tag Heuer, Goldvish...

Ai và thị trường nào tiêu thụ những sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng trên? Tất nhiên đó là những người có tiền và theo giới kinh doanh, khách hàng Hà Nội thường “hào phóng” mua những thương hiệu đó để sử dụng hoặc làm quà biếu.

Theo một nguồn tin, trong 30 chiếc tivi 84 inch 4K của LG, trị giá 350 triệu đồng/chiếc, thị trường Hà Nội tiêu thụ gần “trọn bộ” số lượng hàng trên. Còn với Samsung, để bán được những chiếc tivi 85 inch, phải tổ chức một buổi tiệc sang trọng dành cho khoảng 20 đại gia xứ Hà Nội để tiếp thị. Cuối tháng 10.2013, một chiếc điện thoại Vertu có giá 2 tỉ đồng cũng thuộc về một người ở Hà Nội. “Trong năm 2013, đây là chiếc điện thoại có giá cao nhất, những chiếc còn lại từ vài trăm triệu đồng cho đến 1 tỉ đồng mà thôi”, một nguồn tin tiết lộ.

Còn đầu năm 2013, cửa hàng Toàn Cầu tại Hà Nội đã khoe “đập hộp” chiếc điện thoại GoldVish Like Heaven mà giá của nó đã vượt qua con số 3 tỉ đồng. Nếu không có khách hàng mua, nhiều hệ thống lớn không dám chôn vốn cho chiếc điện thoại này, nói gì đến Toàn Cầu! Theo quy định của FPT, nhà phân phối sản phẩm Vertu tại thị trường Việt Nam, khách hàng muốn mua Vertu phải đặt tiền cọc và chờ ít nhất là một tháng mới có hàng.

Không chỉ một mà nhiều tỉ phú tại TP.HCM nghe chuyện các đại gia Hà Nội mua sắm những sản phẩm cao cấp trên cho lững lờ: “Chắc gì họ đã xài. Đồng tiền mình làm ra phải biết dùng cho đúng”… Cách đây hai năm, người viết bài này đã từng gặp một vị quan chức dùng Mobiado Classic với giá vào thời điểm đó trên 100 triệu đồng. Với mức lương công chức, dám dùng chiếc điện thoại đó, có lẽ phải nhịn ăn gần một năm!

Theo thống kê của một kênh bán lẻ hàng kỹ thuật số năm 2013, với những mặt hàng cao cấp, có giá từ 10 triệu đồng trở lên, sức mua của thị trường Hà Nội gấp đôi TP.HCM.

Theo sgtt.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load