Tính đến thời điểm này, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua hơn 28.000 tỉ đồng nợ xấu. Dự kiến tới cuối năm 2013 VAMC sẽ mua 30.000-35.000 tỉ đồng nợ xấu.
VAMC đã mua hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu.
Đây là thông tin được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2014 vừa diễn ra ngày 16/12.
Hiện nay, có nhiều tổ chức tín dụng trình bày mong muốn tiếp tục lùi thời gian áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN (về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng), vì dự báo bối cảnh kinh tế 2014 thật sự chưa có nhiều khởi sắc. Về vấn đề này, ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, khẳng định sẽ không có chuyện trì hoãn Thông tư 02 và văn bản này chắc chắn sẽ được áp dụng trong toàn hệ thống vào tháng 6/2014.
Ông Đặng Văn Thảo cũng khẳng định: NHNN đã có chỉ thị yêu cầu TCTD tự tính toán mức độ, khoản nợ xấu tăng lên cũng như các khoản đầu tư không sinh lời. Trên cơ sở đó các TCTD có kế hoạch trính lập dự phòng rủi ro.
Theo phương án đang được cơ quan thanh tra đề xuất, có thể chỉ đạo TCTD phân loại nợ xấu thành 3 nhóm: Nhóm khách hàng giải thể phá sản không còn tài sản gì (phải dùng nguồn dự phòng rủi ro). Thứ hai là nhóm khách hàng khó khăn thực hiện cơ cấu lại nợ, cho phép vay thêm để giãn nợ, giảm lãi… Thứ ba là nhóm khách hàng phá sản nhưng có tài sản đảm bảo tiến hành phát mại.
Riêng về vấn đề sở hữu chéo, ông Đặng Văn Thảo cho biết, có hiện tượng một số cổ đông và người nhà liên quan có sở hữu cổ phần quá mức cho phép 20%. Do đặc thù, ngân hàng là doanh nghiệp đại chúng, nên NHNN sẽ dần đưa các TCTD, NHTM niêm yết lên sàn chứng khoán. Qua kênh này, hiệu quả giám sát ngân hàng chắc chắn được nâng lên.
Theo Chinhphu.vn
Theo