Thứ bảy 12/10/2024 17:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Vai trò định hướng xã hội của báo chí – từ thực tiễn “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid 19

09:48 | 18/06/2020

Suốt tiến trình 95 năm đồng hành cùng dân tộc (21/6/1925 – 21/6/2020), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, báo chí tiếp tục khẳng định vai trò định hướng xã hội của mình, cùng nhân dân cả nước ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

vai tro dinh huong xa hoi cua bao chi tu thuc tien cuoc chien phong chong dich covid 19
Phóng viên tác nghiệp tại bệnh viện đưa tin về công tác phòng, chống dịch Covid – 19, tháng 02/2020

Chức năng tư tưởng của báo chí

Báo chí có nhiều chức năng, trong đó chức năng tư tưởng có tầm quan trọng đặc biệt. Báo chí luôn được coi là lực lượng chủ lực và xung kích trên mặt trận tư tưởng, tạo sự thống nhất và liên kết trong xã hội nhằm giải quyết các nhiệm vụ xã hội. Công tác tư tưởng thực chất là việc tác động vào ý thức của con người nhằm hình thành và củng cố hệ tư tưởng chính trị lãnh đạo xã hội.

Cơ sở lý luận báo chí đã chỉ ra, báo chí là phương tiện thông tin tác động đến đông đảo công chúng một cách thường xuyên, liên tục nhất. Hoạt động của báo chí luôn gắn với chính trị, mục đích của báo chí là mục đích chính trị, báo chí lôi kéo, tập hợp, giáo dục và thuyết phục, tổ chức đông đảo Nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề về kinh tế – văn hóa – xã hội. Báo chí tuyên truyền thông qua sự kiện và vấn đề thời sự, lựa chọn thông tin sự kiện, qua đó tác động đến nhận thức của công chúng theo định hướng tư tưởng đã được hoạch định.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, báo chí là công cụ đắc lực của Đảng với thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất, phản ánh một cách chủ động và trung thực mọi mặt của đời sống xã hội; thông tin cập nhật tình hình trong nước và quốc tế. Báo chí là diễn đàn của Nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân và góp phần giải đáp những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Báo chí gắn bó mật thiết với Nhân dân, không chỉ thực hành chức năng phản ánh xã hội, cung cấp thông tin, luận cứ hướng dẫn tư tưởng và hoạt động cho người đọc, người xem, người nghe mà còn phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Báo chí thực sự là vũ khí sắc bén, hiệu quả trong mọi mặt đời sống chính trị – xã hội.

95 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng; luôn đồng hành và góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Cách mạng tháng Tám – năm 1945, báo chí đã thực hiện tốt vai trò của mình vào thực tiễn cách mạng, tổ chức tuyên truyền, cổ động, lôi kéo quần chúng nhân dân vùng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, chớp thời cơ vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.

Trong giai đoạn 1945 – 1975, báo chí đã góp phần tăng cường đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời dồn toàn lực “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, với việc xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với bao bỡ ngỡ, khó khăn lúc ban đầu, báo chí đã đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng để toàn Đảng, toàn dân quyết tâm đổi mới theo sự khởi xướng và lãnh đạo của Đảng.

Trong nhiều năm qua, báo chí cũng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm chống phá Đảng, chế độ và nhân dân; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đặc biệt trong thời điểm phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 hiện nay, báo chí lại thể hiện rất rõ nét vai trò định hướng dư luận của mình, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19; đồng thời, thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa PCD, vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Vai trò của báo chí trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona, được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Dịch Covid-19 liên tục bùng phát ở nhiều nước, trở thành đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Tính đến ngày 11/6/2020, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch), khiến 7.444.043 người mắc và 418.115 người tử vong. Riêng ở Việt Nam, tính đến ngày 11/6/2020, có 332 người mắc, điều trị khỏi 320 người, không có ca tử vong1.

Trong “cuộc chiến” PCD Covid-19, ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo báo chí phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm xã hội, như tại Công văn số 79-CV/TƯ ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Cô-rô-na (nCov) gây ra, trong nội dung chỉ đạo các cấp ủy đảng từ trung ương đến cơ sở, đã nhấn mạnh: “Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí, tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona gây ra, cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Chỉ đạo các cơ quan xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh”.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo công tác PCD, trong các văn bản đều có nội dung chỉ đạo về báo chí, đơn cử như: Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra: “Đề nghị các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch hiệu quả”; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19: “Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và chủ trì với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam”…

Với vai trò, trách nhiệm của mình, xác định công tác tuyên truyền chiếm vị trí quan trọng trong công tác PCD Covid -19, các cơ quan báo chí – truyền thông đã đồng loạt vào cuộc tham gia tuyên truyền PCD Covid-19. Đặc biệt, các lực lượng truyền thông đã chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội. Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng, chống và diễn biến tình hình dịch bệnh… được nhanh chóng truyền tải đến công chúng để nâng cao nhận thức người dân trong PCD.

Ngay từ những ngày đầu PCD, các báo, đài ở Trung ương và địa phương đã cử phóng viên, nhóm phóng viên bám sát, tác nghiệp tại những nơi cách ly, các bệnh viện, sân bay, cửa khẩu biên giới… để nắm bắt tình hình và phản ánh kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh.

Các cơ quan báo chí địa phương, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đã mở chuyên mục “Phòng, chống dịch Covid-19” trên các ấn phẩm. Qua theo dõi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước cũng như tại địa phương, các cơ quan báo chí – truyền thông trên địa bàn đã đăng tải hàng chục nghìn tin, bài, hình ảnh về công tác PCD Covid-19 của cả nước, của địa phương, cung cấp thông tin kịp thời về tất cả các hoạt động PCD trên địa bàn; tập trung tuyên truyền về các biện pháp, nhiệm vụ PCD Covid-19 để nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp PCD; thực hiện tốt công tác khử khuẩn, giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang khi ra đường, tại nơi làm việc; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; tham gia có trách nhiệm các hoạt động PCD của các cơ quan chức năng và cộng đồng để tự bảo vệ mình, gia đình và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng…

Các cơ quan báo chí của Trung ương như Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; báo, tạp chí của các bộ, ban, ngành đã nhanh chóng vào cuộc với mật độ tuyên truyền dày đặc về lượng tin, bài trên tất cả các ấn phẩm in, điện tử, phát thanh, truyền hình. Trong chiến dịch truyền thông về PCD Covid-19 đã có hàng chục nghìn tin, bài viết, phóng sự của các cơ quan báo chí, truyền hình trung ương và địa phương; trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 tin, bài phản ánh về dịch bệnh ở cả trong nước và trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận: “Qua dịch Covid-19 đã thể hiện niềm tin của xã hội vào báo chí tăng lên nhiều. Mỗi ngày, có tới 20-30 triệu lượt người đọc báo chí với hàng ngàn tin, bài về dịch bệnh. Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch Covid-19 và điều tiết mạng xã hội dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí”2.

Hầu hết các tin bài đều đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị và người dân cả nước triển khai đồng bộ các giải pháp PCD; phản ánh khách quan sự chủ động, hiệu quả trong triển khai các biện pháp PCD Covid-19 của Chính phủ, ngành y tế, quân đội, công an, cả hệ thống chính trị, các địa phương và nhân dân. Qua đó, khích lệ các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và Nhân dân đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ; người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác chỉ đạo và triển khai PCD của Chính phủ. Qua thông tin đại chúng, Nhân dân cả nước hiểu đầy đủ, đúng các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước để chia sẻ, chung tay cùng cả nước PCD.

Đồng thời, cũng trong thời gian này, báo chí cũng đã tăng cường đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên các trang mạng xã hội, lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; đưa tin kịp thời việc các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCD, từ đó góp phần để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch thay vì phải “chống giặc trên mạng”, từ đó đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân, cộng đồng trong PCD Covid-19 và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đánh giá về báo chí trong “cuộc chiến” PCD Covid-19, phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 10/4/2020 giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Hội Nhà báo Việt Nam với các cơ quan báo chí về công tác tuyên truyền PCD Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 biểu dương và cảm ơn các cơ quan báo chí, các nhà báo đã tích cực chung vai, sát cánh cùng lực lượng chức năng trong công tác PCD Covid-19. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan báo chí phát huy vai trò của mình, tiếp tục chung sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch. Các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền tạo sự tin tưởng, đồng lòng của người dân trong thực hiện các giải pháp, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn tuyệt đối không được chủ quan, vì chúng ta mới thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Báo chí cần tiếp tục dẫn dắt, định hướng dư luận, lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCD…

Báo chí cần làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng định hướng xã hội

Để báo chí phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình cho sự nghiệp cách mạng, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữ vững định hướng của Đảng, là ngọn cờ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân; cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến… rất cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước cho các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo. Cần quan tâm tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để báo chí có điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp, trong sản xuất, xuất bản, truyền tải các ấn phẩm báo chí đến bạn đọc, công chúng.

Muốn được như vậy, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản báo chí cần phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; quan tâm hỗ trợ về chính sách cho báo chí; hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng công nghệ; ưu tiên đầu tư trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ những người làm báo, đáp ứng được các yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thông tin nhanh, chính xác, đa dạng, chủ động cập nhật, sáng tạo trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đóng góp tích cực vào định hướng dư luận, tăng cường niềm tin trong Nhân dân với Đảng, Nhà nước; đồng thời, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan báo chí và các cấp hội nhà báo, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Các cơ quan báo chí cũng cần phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo về lý luận chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng. Đội ngũ những người làm báo luôn phải “rèn bút, luyện nghề” với tâm thế “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cao cả: cán bộ báo chí là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn./.

Chú thích:

1. Covid-19, cập nhật mới nhất, liên tục. www.suckhoedoisong.vn, ngày 11/6/2020.

2. Bộ Thông tin và truyền thông tích cực hỗ trợ báo chí trong mùa dịch Covid-19. www.mic.gov.vn, ngày 10/4/2020.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Dững. Cơ sở lý luận báo chí. H. NXB Lao động, 2013.

2. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

TS. Nguyễn Quang Vinh
Học viện Hành chính Quốc gia

Theo Nguoilambao.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load