Những ngày này, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thật tươi tắn, sống động và thơm ngát bởi những loài hoa mà những nghệ nhân trồng hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng) dâng tặng, trang trí di sản trong dịp Đại lễ. 3 sản vật đặc biệt do những nghệ nhân của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt Nam dâng lên Hoàng Thành, đó là trống đại đường kính 2,35m, chiêng đồng đường kính 2 m và chiêng đồng “Đại hồng chung Thăng Long Linh tụ” trọng lượng 3.470kg, cao 3m, đường kính 1,65m. Trên bề mặt của cả 3 sản vật đều vẽ, chạm khắc hoa văn, chim, hạc, rồng mang phong cách thời lý. Riêng ở chuông đồng còn đúc nổi các chữ “Hồng Chung Vạn Bảo”, “Thăng Long Linh tụ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”… Các nghệ nhân cho biết: 3 sản vật nói trên được cung tiến kính dâng cho Hoàng thành, khai thanh vào sáng 5/10 và sẽ được lưu giữ mãi mãi như những báu vật linh thiêng của đất nước.
Nhưng điều hấp dẫn hơn cả vẫn là vẻ uy nghiêm, trầm mặc tại cửa di tích. Tiếp cận di tích từ phía đường vào Hoàng Diệu, cổng vào trung tâm thể thao quân đội ngày trước, chúng tôi đi qua một sân cỏ rất rộng. Sân cỏ ngày trước đây là sân thể thao Cột Cờ và ngăn cách với Đoan Môn của Hoàng thành một bức tường và công trình xây dựng. Bây giờ thì đã khác. Bức tường và công trình đã được dỡ bỏ. Sân vận động và di tích giờ đây là một thể thống nhất. Đi trên sân cỏ rộng hướng về Đoan Môn, du khách có thể chiêm ngưỡng sự hoành tráng, bề thế, oai phong của vóc dáng thành quách cổ kính cũng như có thể hình dung dễ dàng hơn về một trục thần đạo linh thiêng trong kết cấu của Hoàng thành.
Trong các ngày từ 2 - 31/10, tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mở cửa khu trung bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội theo 3 chuyên đề: “Vật liệu xây dựng, kiến trúc cung điện trong Hoàng cung”, "Đời sống Hoàng cung" và "Mối giao lưu văn hóa giữa Thăng Long với quốc tế qua hiện vật gốm sứ”. |
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (vào ngày 31/7/2010) bởi 3 giá trị nổi bật toàn cầu là chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú. Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được coi là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy… Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di tích còn phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới…
Bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO đã phát biểu trong buổi khai mạc Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội (1/10): “Rất ít nước trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho 10 thế kỷ giao lưu và giao thoa văn hoá từ khắp nơi ở châu Á”. Bà Irina Bokova đã trao bằng công nhận Di sản Văn hoá Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cho lãnh đạo TP và một lần nữa nhấn mạnh: “Việc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là di sản thế giới là một vinh dự, đồng thời cũng mang đến những cam kết và trách nhiệm mới với tất cả các bạn. Kể từ ngày hôm nay, các bạn có trách nhiệm với nhân loại, quảng bá, bảo vệ và truyền lại di sản này cho các thế hệ tương lai, cho giới trẻ, để rồi đến lượt mình họ lại kể cho con cháu nghe câu chuyện về vua Lý Thái Tổ… Không có biểu tượng nào về hoà bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản… Chúng ta hãy cùng nhau tôn vinh truyền thống lịch sử của sự đa dạng này”.
Trước di sản, mỗi người hẳn sẽ có những cảm nhận, chiêm nghiệm khác nhau. Còn chúng tôi thì tự hào về truyền thống lịch sử có một không hai của Hà Nội.
Cuối năm 2002, Hoàng thành Thăng Long được phát lộ và đến nay đã khai quật trên diện tích hơn 19.000m2. Khu di tích bộc lộ một bề dày lịch sử từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX gồm thời tiền Thăng Long, thời Thăng Long và Hà Nội. Từ năm 2006, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 31/7/2010, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. |
Hòa Bình - Thanh Tân
Theo baoxaydung.com.vn