(Xây dựng)- Nguyễn Ngọc Hòa (thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - Thủ khoa Khoa Công trình Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2014 đã bày tỏ ước mơ đầu tiên của mình sau khi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là sau này sẽ xây được cho ông bà nội một căn nhà rộng rãi hơn. Ước mơ mộc mạc và giản dị ấy xuất phát từ hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thiếu thốn trong một căn nhà chật chội song đầy ắp tình yêu thương, vỗ về của ông bà nội - 2 nhà giáo nghèo.
Nguyễn Ngọc Hòa (thứ 3 từ phải sang) bên em trai, ông bà nội, mẹ và chị gái.
Từ nhỏ thiếu vắng tình cảm cha mẹ
Sinh ra ở Đắc Lắk, lên 3 tuổi, Hòa cùng người em sinh đôi và chị gái (6 tuổi) đã phải xa cha mẹ, về sống với ông bà nội ở quê huyện Phú Xuyên. Còn cha mẹ em vẫn bám trụ mảnh đất Tây Nguyên với hi vọng làm nụng, chắt bóp để gửi tiền về phụ bố mẹ nuôi nấng 3 con nhỏ.
Hồi ấy, do còn quá nhỏ, anh em Hòa chưa thấu hiểu được gánh nặng của những cơm áo, gạo tiền mà bố mẹ em đang phải từng ngày trăn trở, các em chỉ biết về nhà ông bà nội như một kỳ nghỉ ngắn hạn, trước khi lại xà vào lòng bố mẹ như bao ngày đã qua.
Nhưng rồi đằng đẵng hàng năm trời, mẹ em mới về thăm được, bố thì hiếm về hơn vì mỗi lần đi lại, tiền tàu xe tốn kém lại tăng thêm gánh nặng lên đôi vai hai vợ chồng trẻ. Anh em Hòa cứ thế ở quê, dần lớn lên trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ của ông bà nội.
"Chúng tôi tuy làm giáo viên, nhưng bà ấy nghỉ chế độ sớm nên đồng lương cũng thấp, hàng ngày vẫn phải bắt cua, bắt ốc, hái rau muống thuê để có thêm đồng tiền đảm bảo cho các cháu ăn học" - ông nội Hòa kể lại.
Cuộc sống tuổi già nặng gánh khi phải thay con nuôi cháu, nhưng vợ chồng ông không một lời trách móc hay kêu than. Trái lại, điều đau đáu nhất đối với ông giáo vóc hạc này là sự thiếu thốn tình cảm cha mẹ của các cháu, nhất là từ khi chị em Hòa mất cha cách đây 4 năm.
Riêng trong chuyện học hành, ông giáo chăm chút 3 người cháu một cách rất nguyên tắc. Ngày bình thường, các cháu chỉ được học đến 11h đêm. Bài tập còn dở dang thì sáng mai 5h giờ dậy học tiếp. Đến khi ôn thi, thậm chí là kỳ ôn thi đại học mới đây, các cháu cũng không được học quá 12h đêm.
"Tôi làm như thế để đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Không phải cứ học thâu đêm suốt sáng là tốt, quan trọng là phải giữ sức khỏe tốt để học tập hiệu quả" - ông nội Hòa cho biết.
Giá sách làm bằng thanh gỗ loại của chị em Hòa.
Bàn học di động
Đón nhận của ông bà nội
Không phụ lại tình yêu thương vô bờ, sự nuôi nấng chu đáo của ông bà nội, cả 3 chị em Hòa đều học giỏi và thi đỗ vào những trường đại học lớn. Nguyễn Thị Hương Dung - chị gái Hòa hiện đang là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, giờ Hòa cũng thi đỗ thủ khoa của trường này. Còn người em sinh đôi Nguyễn Phương Nam là thủ khoa năm 2014 của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đến thăm nhà 3 chị em Hòa, tôi quả thực rất bất ngờ về “góc học tập” của các em. Một ngôi nhà nhỏ, chừng 20m2 trong toàn khuôn viên 36m2, gồm 2 phòng, đủ kê 2 chiếc giường đôi và 1 bộ bàn ghế ở giữa. Bộ bàn ghế ấy là nơi ăn cơm khi đến bữa, nơi đặt bộ ấm chén mời khách, đồng thời cũng là bàn học của 3 chị em Hòa.
"Chiếc bàn này không nặng mấy, khi trong nhà nóng quá thì chúng em chuyển bàn ra trước cửa học, ở đó vừa mát vừa đỡ được tiền điện cho ông bà" - Hòa ngậm ngùi.
Tài sản quý giá của căn nhà chính là những tấm bằng khen treo đỏ rực một góc và hàng trăm cuốn sách được treo trên chiếc giá đóng ghép thủ công từ những thanh gỗ loại, đã xỉn màu.
Ông nội Hòa kể: Anh em Hòa học cùng nhau từ nhỏ đến hết phổ thông, lên lớp 10, 11 thì 2 đứa mang cơm nắm đi học để ăn. Đến năm lớp 12, thì mới đi ăn quán, mỗi bữa là 10 nghìn đồng/đứa. Ăn cơm quán, tuy đỡ phải mất thời gian chuẩn bị cơm nắm, nhưng Hòa lại không hề vui vì: "Chuẩn bị cơm cho chúng em, thì còn có chút thức ăn để lại cho ông bà ăn trưa. Nhưng khi chúng em ăn cơm quán, ông bà ở nhà chỉ ăn uống qua loa mà không dám mua thức ăn. Chúng em thương ông bà lắm" – Thủ khoa Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.
Trần Đình Hà
Theo