Chủ nhật 19/01/2025 20:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Vốn từ kiều hối cho BĐS

Đừng quá kỳ vọng

09:32 | 16/12/2011

Cứ đến quý IV hàng năm, thị trường BĐS nói chung cũng như giới kinh doanh BĐS lại phập phồng chờ nguồn tiền dồi dào từ Việt kiều gửi về nước thông qua các kênh khác nhau. 2 năm trước là vậy, còn năm nay, khi tháng cuối cùng của quý IV/2011 đã đi nửa chặng đường, DN vẫn dài cổ chờ mà vốn thì… chưa thấy đâu.

Đáng để hy vọng

Hơn lúc nào, vốn “ngoại” (từ kiều hối cũng như các quỹ đầu tư BĐS trên thế giới) đang được ví như cơn mưa rào cho cánh đồng BĐS hoang hóa vì thiếu vốn cho các yếu tố tham gia thị trường. Nói như chia sẻ của bà Nga - Giám đốc sàn BĐS Ngày Mới (Trung Hòa - Nhân Chính), nguồn vốn kiều hối rót về trong vài tháng (thường chỉ tập trung vào nửa sau quý IV hàng năm) ngót nghét bằng cả số tiền tổng thu nhập quốc dân một năm (!). Quả thật, xét trong những yếu tố khiến thị trường đình đốn và đen tối như hiện nay, vốn là vấn đề căn bản cần giải quyết hợp lý và hiệu quả nhất để tạo động lực cho đà khôi phục thị trường. Những con số đã cho thấy hiệu quả của nguồn tiền “vô hạn” này. Mới đây nhất, Cty The Ascott Limited (CapitaLand) tung ra 9,45 triệu USD mua lại 90% cổ phần trong dự án căn hộ dịch vụ Somerset Central TD Hai Phong City (đường Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng), của Cty CP Đầu tư Thùy Dương. Thêm một ví dụ khác, ngày 06/12 vừa qua, Cty Quản lý quỹ Vietnam Fotune Capital (VietCat) quyết định rót vốn đầu tư vào các dự án BĐS của tập đoàn Archi. Theo đó, VietCat sẽ góp vốn vào việc triển khai khu Club House và các dịch vụ liền kề phục vụ mô hình nghỉ dưỡng và giải trí Country Club nằm trong quần thể Nine Ivory Eco resort & Country Club. Tổng giá trị hợp đồng là 120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự kiến Vietcat cũng sẽ tham gia góp vốn để cùng đầu tư trung tâm thương mại Archi tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì rộng 4,5ha. Theo Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam thống kê, có 73 thương vụ mua bán và sáp nhập tính đến tháng 9/2011 trong cả nước với giá trị trên 2,67 tỷ USD, cao hơn 1,5 lần so với tổng cả năm 2010. Trong đó 81,3% giá trị thương vụ là từ các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và 22 giao dịch trong tổng số giao dịch thuộc lĩnh vực BĐS với tổng giá trị thương vụ khoảng 250 triệu USD... Rõ ràng, nếu nhìn vào những con số ấn tượng này, chẳng ngoa khi nói nguồn vốn ngoại đang là “tàu phá băng” cho thị trường địa ốc đang… lạnh như băng.

Phải chăng… vỡ mộng?

Tháng 12 đã điểm những ngày cuối cùng. Không khí tại các đơn vị kinh doanh BĐS lúc này đa phần là hoàn thành báo cáo tài chính năm, lên kế hoạch kinh doanh cho năm tới và chuẩn bị... nghỉ Tết sớm. Chị Nga chia sẻ, đến thời điểm này Cty đã cho các nhân viên tự do chủ động thời gian làm không lương. Ai thích thì có thể đi, còn không thì nghỉ Tết sớm chờ sang năm tới làm việc. Thu nhập duy nhất của các nhân viên sàn chỉ còn nguồn duy nhất là phần trăm hoa hồng từ giao dịch thành công. Tâm, nhân viên môi giới một sàn giao dịch lớn ở khu vực Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy than: Cứ hồi hộp hy vọng quý IV “làm” được vài vụ để “lấy tiền tiêu tết” nhờ nguồn tiền từ kiều hối về mua nhà. Ai dè, gần hết tháng 12 rồi mà vẫn y như cũ. Kiểu này sang năm chắc về nhà mở quán… trà đá bán tối may ra mới đủ sống (!).

Tình trạng này khá phổ biến tại nhiều đơn vị kinh doanh BĐS hiện nay, kể cả những đại gia tầm trung cũng không là ngoại lệ. Lý giải về việc “tan giấc mơ hoa” của không ít DN đang lay  lắt trong cơn bĩ cực của thị trường, ông Nguyễn Văn Tuế - Giám đốc sàn giao dịch BĐS Dầu khí Đông Đô cho biết: Hiện nguồn tiền ngoại này đang “ngập ngừng” để chọn mặt gửi vàng. Kiều hối hay bản thân ban lãnh đạo các quỹ đầu tư BĐS ngoại “buộc” phải thận trọng, suy xét thật kỹ trước khi rót tiền đầu tư bởi quá nhiều điểm đen xuất hiện trong thị trường Việt Nam năm 2011. Tính pháp lý, thanh khoản, khả năng sinh lời cộng với điểm rơi thị trường (được đánh giá là chỉ khôi phục vào quý IV/2012) đã khiến hầu bao dòng tiền ngoại bị thắt lại. Các nhà đầu tư ngoại, quỹ đầu tư quốc tế đang nhắm tới phân khúc nghỉ dưỡng tại ngoại vi Hà Nội (như Ba Vì) hay giải trí cao cấp. Còn lại, chung cư cao cấp hay thậm chí bình dân vẫn không thu hút được nguồn tiền vô hạn này do quá nhiều lình xình vốn dĩ được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải liên tục thời gian qua. Hay nói như một chủ đầu tư “có máu mặt” tại Hà Nội: BĐS chờ kiều hối? Đúng là một "giấc mơ trưa" và chắc chắn sẽ "tan". Kiều hối cuối năm chủ yếu là giúp thân nhân nghèo khó ở quê nhà Việt Nam. Còn kiều hối để đầu cơ BĐS thì "xưa rồi Diễm ơi"!

Giới chuyên môn và cả một số DN BĐS lớn đã lên tiếng lo ngại về tác dụng “ngoài mong muốn” của nguồn tiền ngoại này. Cụ thể, khi vốn FDI đổ vào BĐS đồng nghĩa với nguy cơ nhập siêu tăng cao trong tương lai bởi các nhà  đầu tư phải nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu, lao động để triển khai dự án. Hơn nữa, các dự án BĐS không tham gia xuất khẩu nên sẽ gây khó khăn cho việc cân đối ngoại tệ của Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài thu hồi vốn bằng nội tệ nhưng lại chuyển vốn ra nước ngoài bằng ngoại tệ. Hay như chính một DN kinh doanh BĐS dự báo: Nếu không khống chế lượng vốn đầu tư nước ngoài thì trong bối cảnh hiện nay nhà đầu tư  nước ngoài (bao gồm cả các cá nhân kiều hối cũng như các đơn vị đầu tư BĐS nước ngoài) sẽ mua dự án giá rẻ, găm hàng chờ khi thị trường hồi phục và khả năng họ sẽ thao túng giá, gây ra hiện tượng lũng đoạn ở một số phân khúc sản phẩm mà DN Việt Nam đã rút lui hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng đến lúc này, các lo ngại ấy ít nhất cũng không còn cơ sở. Bởi nguồn tiền ngoại đang chảy về nhỏ giọt tới mức gần như không có. Chỉ có một thực tế mà DN BĐS phải đối mặt: Chấp nhận lửa thử vàng tới… giờ này sang năm.

Đông Hưng

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load