Thứ sáu 29/03/2024 21:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ứng phó với những “cú sốc” trong đô thị

12:24 | 10/03/2020

(Xây dựng) - Việc người dân đổ xô mua thực phẩm tích trữ khi mới nghe thông tin về dịch bệnh hôm 07/3 là một “cú sốc” trong ứng xử của người dân đô thị trước khủng hoảng.

ung pho voi nhung cu soc trong do thi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Trong một giai đoạn “quá độ” với những xung đột gay gắt giữa thói quen ứng xử cũ và mới, truyền thống và hiện đại, lạc hậu và tiên tiến… là điều phải buộc chấp nhận đối với bất kỳ cuộc cách mạng đô thị nào. Vấn đề đặt ra là, quá trình chuyển động đó nhanh hay chậm, trì trệ hay tích cực còn tùy thuộc ở cách tư duy và phương pháp xử lý các yếu tố mâu thuẫn của các nhà hoạch định chiến lược và quản lý đô thị.

Chỉ một “thử thách” khi dịch bệnh xảy ra, đã khiến cư dân đô thị lúng túng. Đó cũng là “hàn thử biểu” với cư dân đô thị Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Để từ đó, đặt ra yêu cầu cấp bách trong ứng phó với các loại “khủng hoảng” kiểu như thông tin về dịch bệnh vừa qua.

Để khắc phục những “có sốc” văn hóa đó, bản thân những chiến lược gia về quản lý đô thị và xây dựng văn minh đô thị phải là nhóm người tiên phong hàng đầu trong đổi mới. Tư duy lãnh đạo thế nào thì chủ trương, chính sách, cơ chế, pháp luật… như thế ấy. Lối suy nghĩ tiểu nông, tư duy nhiệm kỳ và phong cách quản lý xã hội trì trệ không quy rõ trách nhiệm đã níu kéo tầm tư tưởng về phát triển đô thị hiện đại. Điều này đã thể hiện ở phương pháp quy hoạch đô thị chắp vá, lộn xộn và chồng chéo, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa kế hoạch định hướng và tính khả thi, thiếu một tầm nhìn xa bao quát cả hệ thống, bởi vậy luôn bị động trước sự phát triển khách quan và lúng túng trong cách điều hành kiểu "chữa cháy".

Sự “manh mún” ấy là biểu hiện của tư duy lãnh đạo kiểu tính thời vụ cao. Hết “áp lực” của thời vụ là có thể dông dài, thư nhàn thụ hưởng. Lâu dần tập nhiễm thành thói “nước đến chân mới nhảy”… luôn giải quyết mọi việc theo kiểu “tình thế”, nặng về đối phó hơn là hình thành những chiến lược với một tầm nhìn dài hạn.

Đã vậy, cư dân nông nghiệp quen sống trong làng xã, với những mối quan hệ hàng xóm láng giềng thân thuộc, không cần giữ ý tứ, sống gần thiên nhiên nên cũng rất “hồn nhiên” (việc “phóng uế, xả rác, nhổ bậy”… mấy nghìn năm nay sống trong làng xã, ai nấy đều tự “giải quyết” nhu cầu một cách rất bản năng, rất “hồn nhiên”, “cả làng đều thế phải mình em đâu” mà mắc cỡ!). Họ quen ung dung, tư tại, thoải mái tự do trong một bầu không khí dân chủ kiểu làng xã. Tư duy “trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng luật” dường như còn vắng bóng khá nhiều nơi.

Thế nên, muốn thay đổi thói quen ứng xử của người dân đô thị thì trước hết các nhà quản lý, lãnh đạo cần xác định việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị phải là một cuộc hành trình dài lâu, bền bỉ. Nghĩa là, về phương pháp luận, không thể vội vàng “đánh trống bỏ dùi”, chạy theo thành tích, phong trào hoặc chỉ tập trung vào giải quyết các việc “sự vụ” như hô hào dọn rác, căng áp phích, panô tuyên truyền hoặc báo cáo đã xây dựng được bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt được bao nhiêu thùng rác…

Những truyền thống văn hóa lâu bền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Muốn điều chỉnh và thay đổi phải có khoảng thời gian đủ dài và rộng, ít nhất hàng trăm năm, để các mô hình ứng xử cũ không còn thích hợp bị phá vỡ, thay thế vào đó là những phương thức ứng xử mới phù hợp hơn với quá trình vận động và phát triển của đất nước.

Quan trọng là, nhận thức ấy phải được thể hiện thống nhất giữa các nhà lãnh đạo. Nếu cứ mỗi năm lại đề ra một “tiêu điểm” mới, một phong trào mới, những yếu tố tích cực vừa gieo trồng, chưa kịp chăm sóc vun xới cho sâu rễ bền gốc, cây còn non nớt, èo uột… đã vội vàng cày xới gieo hạt trên luống đất khác, thì dù tốn kém sức người, sức của cho nhân công, giống má, cây trồng đến mấy, cũng khó hy vọng có được những vụ mùa bội thu.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load