Năm nay mới 40 tuổi, chị Hương ở Hà Nội đã tậu được 2 căn nhà, một căn nhà để ở còn một căn cho thuê. Kế hoạch đến năm 45 tuổi, vợ chồng chị phải tậu thêm 1 căn nhà nữa làm của dưỡng già, sau đó chị sẽ xin về hưu sớm.
Chị Đỗ Thị Thu Hương ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, trong số bạn bè cùng trang lứa với chị, khá nhiều người có tư tưởng “làm đâu ăn đấy”, cuộc sống về già sau này sẽ có con cái lo toan. Thế nhưng, vợ chồng chị lại nghĩ khác. Không muốn trở thành gánh nặng cho con cái, cũng không muốn phụ thuộc vào con cái quá nhiều nên ngay từ lúc cưới nhau, kế hoạch ăn tiêu, tậu nhà cửa như thế nào đã được vợ chồng chị vạch ra khá chi tiết.
Kể về kế hoạch của mình, chị Hương chia sẻ, chồng chị và chị cùng tuổi, cưới nhau từ năm 25 tuổi. Khi đó, cả hai đều có công việc ổn định. Sau 7 năm sống trong “kiếp trọ” và ăn tiêu bóp mồm bóp miệng, vợ chồng chị đã mua được miếng đất rộng gần 60m2 (đất xen kẹt không sổ đỏ) và xây được căn nhà hai tầng trên miếng đất đó.
Có được căn nhà mơ ước, chuyện tiêu pha sinh hoạt gia đình cũng bắt đầu thoải mái hơn khi không mất tiền thuê nhà, lương cũng đã tăng được phần đáng kể. Thế nên, hai vợ chồng chị quyết định để dành 8 triệu đồng/tháng cho khoản dưỡng già sau khi về hưu.
Tiết kiệm tiền để mua hai căn hộ chung cư làm của dưỡng già khi nghỉ hưu.
Lúc đó, ngồi suy đi tính lại, với khoản tiền tiết kiệm được mỗi tháng là 8 triệu đồng bỏ lợn đất (tổng thu nhập của hai vợ chồng là 21 triệu/tháng, chưa bao gồm các khoản thưởng lễ tết), một năm được 96 triệu vợ chồng chị băn khoăn không biết nên đầu tư vào đâu để tiền không trượt giá. Bởi, gửi ngân hàng có lãi nhưng với đà trượt giá của đồng tiền thì đến lúc nghỉ hưu sẽ không còn mấy. Trong khi đó, nếu đem đi đánh vàng có thể sẽ an toàn, nhưng vàng lại rất khó sinh lời.
Riêng chuyện tậu xe hơi để tiện đi đây đó, vợ chồng chị chưa bao giờ có ý định này. Anh chị tính, việc bỏ khoảng 600-700 triệu mua một chiếc xe mà chỉ sử dụng vào dịp cuối tuần đi chơi hay về quê thăm gia đình nội ngoại 2-3 lần/năm là quá lãng phí, chưa kể tiền gửi xe hàng tháng, tiền sửa chữa, xăng xe, tiền khấu hao mỗi năm,... Như thế, nhà chị đi bằng taxi sẽ rẻ hơn nhiều.
Cuối cùng, vợ chồng chị quyết định chọn đầu tư vào bất động sản. Anh chị mua nhà chung cư rồi cho thuê, có thêm tiền ăn tiêu khi về già.
Theo đó, cứ mỗi năm, vợ chồng chị đem 96 triệu gửi vào ngân hàng lấy lãi suất (lãi suất dao động ở mức 7-8%/năm tùy thời điểm). Năm nào cũng thực hiện như vậy với lãi suất cộng dồn vào khoản tiền gốc.
Đến nay, sau 8 năm thực hiện thì tháng 3 vừa rồi, anh chị đã rút khoản tiết kiệm gần 1 tỷ đồng ra để mua căn nhà chung cư 55m2 ở khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai) với giá gần 900 triệu, sắm sửa nội thất nữa hết tổng cộng 950 triệu.
“Vợ chồng tôi đã cho một gia đình khác thuê lại căn nhà vừa mới tậu với giá 5 triệu đồng/tháng. Số tiền cho thuê nhà cũng được chuyển luôn vào tiền tiết kiệm tích cóp mua thêm một căn nhà nữa. Tức, từ giờ mỗi tháng, gia đình tôi có 13 triệu đồng bỏ vào lợn đất”, chị Hương chia sẻ.
Chị Hương cho biết, nếu theo đúng như kế hoạch mà vợ chồng chị tính toán (mỗi năm gửi 156 triệu vào ngân hàng) theo đúng hình thức trên thì sau 5 năm nữa (tức thời điểm chị 45 tuổi), vợ chồng chị sẽ có khoản tiền khoảng 950 triệu (lãi suất tạm tính 7% theo thời điểm hiện tại) để mua căn nhà chung cư thứ 2.
“Thấy vợ chồng tôi kể chuyện tiết kiệm tiền mua nhà để làm của dưỡng già, một vài người cũng lời ra tiếng vào bảo “nói trước bước không qua” hay đại loại “cuộc sống không thể biết trước, nhỡ nay mai có biến cố như thất nghiệp thì sao”.
Song, vợ chồng chị vẫn kiên trì thực hiện kế hoạch của mình. Bởi, nhỡ không may xảy ra biến cố, vợ hay chồng mà mất việc thì trước đó càng phải tiết kiệm.
“Khi kiếm được tiền không lo tích lũy, đến lúc khó khăn không kiếm được tiền nữa thì lấy đâu ra tiền mà chi tiêu sinh hoạt”. Chị Hương nói và cho biết, vợ chồng chị đã thực hiện thành công một nửa kế hoạch, thấy cuộc sống khá ổn, chi tiêu 13 triệu đồng/tháng cho 4 người không quá khó khăn. Đó là chưa tính khoản tiền thưởng hàng năm của vợ chồng chị cũng lên tới 50-60 triệu đồng để chi tiêu các khoản lớn phát sinh.
Nếu hoàn thành được kế hoạch đề ra, đến năm 45 tuổi, ngoài căn nhà 2 tầng đang ở, vợ chồng chị sẽ có thêm 2 căn nhà chung cư để cho thuê lấy tiền dưỡng già khi về hưu. Mỗi tháng tiền thuê nhà thu được khoảng 10 triệu đồng, cộng với lương hưu nữa là trên 20 triệu đồng. Số tiền này về già vợ chồng chị dư sống. Hơn nữa, anh chị vẫn giữ được hai căn nhà cho con cái sau này.
“Chồng tôi bảo, nếu hoàn thành kế hoạch thì 5 năm nữa tôi có thể xin về hưu sớm, làm những gì mà mình thích. Còn chồng tôi sẽ làm đến 50 tuổi rồi cũng xin nghỉ”, chị Hương chia sẻ.
Theo Lâm Mộc/Vietnamnet.vn
Theo