Tuyên Quang phấn đấu đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng từ 2-4 bậc so với năm 2019.
Hồ thủy điện Na Hang - điểm du lịch hấp dẫn du khách tại Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN) |
Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng cải cách hành chính, đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Sau 6 năm triển khai, từ một tỉnh có năng lực cạnh tranh thấp nhất, đến nay tỉnh Tuyên Quang đã vươn lên trong tốp khá của cả nước. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng từ 2-4 bậc so với năm 2019.
Theo công bố gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Tuyên Quang đạt 65,13 điểm, xếp thứ 32 trong 63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2018, nằm trong nhóm tỉnh có điểm số khá của cả nước. Đây là nỗ lực của các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang trong 6 năm trở lại đây.
Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang, cho biết năm 2013, Tuyên Quang là tỉnh đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Vì vậy, để cải thiện môi trường đầu tư tỉnh đã thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Tại Tuyên Quang, Chương trình Càphê doanh nhân được tổ chức để lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc khảo sát, công bố xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, các sở, ban, ngành (DCI) cũng được thực hiện, trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt, việc công bố chỉ số DCI đã giúp các đơn vị được khảo sát nhận ra những hạn chế, khuyết điểm để có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; đưa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ (2015-2020).
Hiện nay, 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, duy trì thông tin đường dây nóng, hòm thư góp ý để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính.
Một số cơ quan trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 do các bộ, ngành Trung ương triển khai, như Sở Giao thông Vận tải; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tăng; trong đó, 8/10 chỉ số thành phần đều có sự tăng điểm. Ví dụ như chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tiếp cận thị trường, đào tạo lao động.
Ông Vi Thế Mạnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Honda Linh Lực, cho biết ông đã đầu tư, phát triển kinh doanh ở Tuyên Quang nhiều năm nay.
Ông Lực nhận thấy môi trường đầu tư tại tỉnh ngày càng thuận lợi. Môi trường pháp lý an toàn và đảm bảo an ninh trật tự; doanh nghiệp dễ tiếp cận đất đai hơn, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính được rút ngắn. Đặc biệt, chi phí không chính thức giảm đi nhiều, chính quyền năng động và tiên phong.
Ngoài ra, nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng trao đổi với các cấp chính quyền, các nhà quản lý thông qua Chương trình cà phê doanh nhân.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Na Hang. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN) |
Môi trường đầu tư được cải thiện theo từng năm nên hiện nay Tuyên Quang đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho trên 170 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 1.543 tỷ đồng; tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.665 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký trên 17.078 tỷ đồng (trong đó có 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Đồng thời, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 dự án, với tổng số vốn trên 5.965 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tại Tuyên Quang đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 15.660 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) đạt 100% kế hoạch, tăng 9,5% so với năm 2018; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.106 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm.
Nhận xét về các giải pháp của Tuyên Quang trong cải thiện môi trường đầu tư, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ông đánh giá rất cao cách làm của Tuyên Quang trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Sự tăng chỉ số PCI đồng đều qua các năm đã chứng minh cách làm, hướng đi đúng của tỉnh Tuyên Quang.
Tuy nhiên, để nâng cao chỉ số PCI theo hướng bền vững thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang nên xây dựng và triển khai thực chất, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh địa phương.
Cụ thể là cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giảm thiểu cơ hội phát sinh chi phí không chính thức; tăng cường công khai minh bạch thông tin, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu; xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chủ động nghiên cứu và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, thông tin thị trường lao động.
Chia sẻ về phương hướng cải thiện môi trường kinh doanh của Tuyên Quang trong thời gian tới, ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở ban, ngành, huyện thành phố trong việc thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nhằm giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trung tâm tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cùng khu vực; vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư trọng điểm, trong đó tập trung vào các quốc gia có xu hướng đầu tư mạnh vào Việt Nam, như: Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển...
Đồng thời, tỉnh tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Tuyên Quang; chú trọng quan tâm đến hình thức thu hút đầu tư tại chỗ; thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại tỉnh để giới thiệu về kinh nghiệm đầu tư và môi trường đầu tư tại Tuyên Quang cho các nhà đầu tư khác./.
Theo Vũ Quang (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/tuyen-quang-tro-thanh-diem-den-hap-dan-cua-cac-nha-dau-tu/644613.vnp