(Xây dựng) – Ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Hội đồng) đã có buổi kiểm tra tiến độ tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Đoàn công tác đã kiểm tra các hạng mục tại ga Ba Son, ga Nhà hát thành phố. Qua kiểm tra hiện trường cho thấy các gói thầu thi công rất bài bản, chuyên nghiệp và đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng kiểm tra chất lượng thi công dưới hầm ga Ba Son.
Tại buổi họp, Hội đồng đã nghe báo cáo từ các nhà thầu, tư vấn, giám sát… về tiến độ, những vướng mắc trong quá trình thi công. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết: Dự án đã triển khai 3 hợp đồng xây lắp và 1 hợp đồng mua sắm thiết bị theo hình thức tổng thầu EPC, 1 gói thầu còn lại (hệ thống công nghệ thông tin cho dự án) sẽ được triển khai trong năm 2018. Đến nay, tiến độ toàn dự án đạt khoảng 40%, dự kiến cuối năm 2020, tuyến đường sắt số 1 sẽ đưa vào khai thác vận hành.
Gói thầu CP 1a: Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố do nhà thầu liên danh Sumitomo – Cienco4 đang thi công khu vực ga Bến Thành – tường dẫn đạt 98%, tường vây đạt 67%. Dự kiến, ngày 25/7/2017 nhà thầu tiến hành thi công tường vây hầm đào hở trên đường Lê Lợi.
Gói thầu CP 1b: Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát thành phố đến ga Ba Son do liên danh Shimizu – Meada thi công. Đến nay, ga Nhà hát thành phố đã thi công xong sàn mái, sàn tầng B1, B2, đang thi công bê tông cột, sàn B4, lối lên xuống số 2.
Tại điểm ga Ba Son, lần đầu tiên dùng công nghệ robot khoan hầm TBM được sử dụng tại Việt Nam, đến nay, đã hoàn thành thi công giai đoạn đào thử và đang thi công khoan hầm trong giai đoạn chính, hoàn thành lắp đặt 11% vòng hầm cho ống hầm phía Đông. Thi công tường vây đạt 98%, cọc chống chủ Kingpost đạt 98%, sàn B2 đạt 33%, sàn B1 đạt 26%.
Gói thầu số 2 là tuyến đường sắt được xây dựng trên cao và các deport có chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương. Khối lượng tổng thể đạt khoảng 69% (gồm 17 phân đoạn cầu cạn, 5 cầu đặc biệt và 11 nhà ga).
Trong quá trình thi công, công tác đảm bảo an toàn lao động được các nhà thầu kiểm soát chặt chẽ nên đến giờ này chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên, trong quá trình thi công gói thầu 1b đã phát hiện hiện tượng nứt vỏ hầm nguyên nhân có thể do co ngót khô. Tổng thầu SMJO đã tăng cường kiểm tra chất lượng vật liệu, nâng cao quản lý công tác đúc vỏ hầm, đến nay, không xảy ra nứt đối với vỏ hầm.
"Tại gói thầu số 2 cũng đã từng xuất hiện vết nứt tại tường chắn đất tại deport và các vết nứt trên dầm U, nhưng trong quá trình theo dõi các vết nứt đều có chiều rộng nhỏ hơn 0,1mm (nằm trong giới hạn cho phép là 0,2mm) và không bị phát triển thêm sau khi lao dầm", ông Dương Hữu Hòa – Giám đốc quản lý dự án tuyến metro số 1 cho biết.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng đánh giá: Chúng ta cũng cần nhìn nhận tổng thể và tìm nguyên nhân gây nứt là do đâu? Trong Chỉ dẫn kỹ thuật quy định cho phép xử lý hiện tượng nứt như thế nào, khi nào thì phải xử lý, nếu các vết nứt ấy nhỏ hơn quy định và sau này không có phát triển hoặc xuất hiện thêm thì không có vấn đề gì.
Trong dịp này, ông Lê Nguyễn Minh Quang cũng khẩn thiết kiến nghị với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng có thêm ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vốn ODA năm 2017 để có thể tạm ứng trong hạn mức vốn trung hạn 5 năm (2016 – 2020) là 3.303 tỷ đồng. Đồng thời xem xét, có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về việc sớm ban hành tiêu chuẩn quy định về biển báo, biển hiệu đường sắt đô thị để Ban làm cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ.
Bùi Hiền
Theo