Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã về Hưng Yên dự lễ công bố di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và đền thờ Triệu Việt Vương.
Các vị lãnh đạo gắn biển công trình Đền thờ Triệu Việt Vương chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN) |
Ngày 17/10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã về Hưng Yên dự lễ công bố di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và đền thờ Triệu Việt Vương.
Đây cũng là 2 công trình được tỉnh Hưng Yên gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo văn bia lưu tại Đình Cả, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được khởi dựng từ thế kỷ 18 tại vùng đất Xích Đằng, nay thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.
Vào năm 1740, khi chúa Trịnh Doanh cầm quân đi dẹp loạn qua khu vực Phố Hiến đã được Đức Lạc Long Quân thờ tại miếu Xích Đằng âm phù giúp đánh thắng giặc.
Nhớ ơn công đức của ngài, khi thắng trận trở về, chúa Trịnh đã tâu lên vua Lê xin trùng tu, xây dựng lại ngôi đền thờ khang trang, to đẹp hơn.
Tiếng tăm đền thiêng vang truyền khắp chốn, khách muôn nơi nô nức tới thăm, nhân dân vui hưởng thái bình.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự biến động của thời gian, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân chỉ còn dấu tích kiến trúc của ngôi đền cổ đó là phần cột hiên và một góc bức tường.
Nhân dân địa phương đã chuyển hiện vật, đồ thờ về đình Cả cùng thôn để lưu giữ.
Hiện nay, tại di tích vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật, đồ thờ có giá trị về lịch sử-văn hóa.
Các đại biểu cắt băng khánh thành di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN) |
Đền thờ Lạc Long Quân hiện nay được phục dựng trên nền móng của ngôi đền cũ, với khuôn viên đất rộng hơn 2.500m2 gồm các hạng mục công trình: Tam quan, Tả vu, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và hệ thống sân vườn.
Các hạng mục, cấu kiện được làm bằng gỗ lim vững chắc, mang đậm dấu ấn vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hiện ngôi đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự có giá trị về lịch sử-văn hóa.
Tại huyện Khoái Châu, đền thờ Triệu Việt Vương thờ vị anh hùng có tên thật là Triệu Quang Phục quê ở huyện Chu Diên (nay thuộc huyện Khoái Châu), theo phò vua Lý Nam Đế.
Khi quân Lương trở lại xâm lược, cuối năm 546 Triệu Quang Phục được vua Lý Nam Đế giao quyền chỉ huy cuộc kháng chiến.
Triệu Quang Phục đã chọn Dạ Trạch làm căn cứ. Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng vương tiếp tục tổ chức cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Triệu Quang Phục sau này xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương, đã trị vì nước Vạn Xuân từ năm 548 đến năm 571.
Các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Triệu Việt Vương. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN) |
Tài năng và nghệ thuật quân sự của Triệu Việt Vương là những bài học lịch sử có ý nghĩa sâu sắc trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Để tưởng nhớ công ơn ông, nhân dân đã lập đền thờ tại vùng đất Dạ Trạch, nơi cắn cứ địa của Triệu Quang Phục trong cuộc kháng chiến chống quân Lương.
Trong kháng chiến chống Pháp, đền thờ Triệu Việt Vương bị tàn phá. Năm 2017, tỉnh Hưng Yên đã quyết định phục dựng ngôi đền này trên nền đất cũ, có diện tích gần 14.000 m2 thuộc xã Dạ Trạch, gồm các hạng mục xây dựng mới, bao gồm: Nghi môn, Bình Phong, Nhà Tả vu-Hữu vu, đền chính, nhà thủ từ, am hóa vàng và các hạng mục phụ trợ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng nhấn mạnh Hưng Yên là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, thời nào cũng có các anh hùng hào kiệt, có nhiều đóng góp trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Trên địa bàn có khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến và nhiều khu di tích văn hóa di tích lịch sử có giá trị, in đậm những dấu tích xưa của vùng quê một thời vang bóng.
Việc tu bổ, tôn tạo Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và đền Triệu Việt Vương có ý nghĩa quan trọng, thể hiện đạo lý hướng về nguồn cội và sự biết ơn sâu sắc các vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước.
Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân là địa chỉ đỏ trong quần thể di tích Phố Hiến sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh có ý nghĩa hướng về nguồn cội. Đền thờ Triệu Việt Vương nhằm phục dựng lễ hội truyền thống liên quan đến danh nhân Triệu Quang Phục và căn cứ Dạ Trạch.
Đây cũng là những nơi lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo Mai Ngoan (TTXVN/Vietnam+)