Thứ năm 23/01/2025 11:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - người có tầm nhìn chiến lược xa

10:40 | 09/04/2019

(Xây dựng) - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau một thời gian lâm bệnh đã từ trần hồi 11h42 ngày 04/4/2019, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi.


 
Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên biểu dương cán bộ công nhân lao động trên công trường.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Bộ trưởng thứ 3 của Bộ Xây dựng (giai đoạn 1977 - 1982), sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, với tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, vào Đảng năm 1939, huyện ủy viên năm 1942, chủ nhiệm Việt Minh tỉnh năm 1945, là đại biểu Quốc hội khóa 1 với tên Nguyễn Văn Đồng, sau đổi thành Đồng Sỹ Nguyên - tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho.

Đi qua cả 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Tướng Đồng Sỹ Nguyên nổi tiếng ở mặt trận Bình Trị Thiên và Lào và gắn bó với binh đoàn Trường Sơn - lực lượng đã làm nên con đường mòn huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh - huyết mạch của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã chỉ huy đội quân bất chấp sắt thép và bom đạn hủy diệt của kẻ thù. Vị Tướng tài ba luôn chọn những nơi ác liệt nhất đặt đại bản doanh để bám sát mặt trận, chỉ huy tấn công và phòng thủ bảo toàn lực lượng.

Tên tuổi của ông luôn đi cùng với những kỳ tích như người tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn, hệ thống "trận đồ bát quái" ở Trường Sơn... Ông cũng là người đề xuất xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào năm 1974, khi chiến tranh còn chưa kết thúc.

Chiến tranh, hoàn cảnh đất nước tôi luyện ông thành vị tướng tài ba và quả cảm, nhưng đất nước may mắn có được một người xây dựng có tư chất chói sáng để rồi hòa bình lập lại, ông đã tham gia làm tư lệnh của 2 ngành kinh tế quan trọng của đất nước: Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ GTVT; Phó Thủ tướng phụ trách khối Xây dựng cơ bản.

Nét thiên tư độc đáo của vị tướng quả cảm

Là một quân nhân nhưng cuộc đời ông lại gắn bó và cống hiến lớn lao với sự nghiệp xây dựng từ bước ngoặt năm 1966, khi đang là Chính uỷ và Tư lệnh bộ đội tình nguyện Trung Hạ Lào. Do bị thương ông phải về địa phương điều trị và đảm trách Tư lệnh bộ đội Trường Sơn.

Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông chuyển ngành sang làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng rồi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dưng từ tháng 11/1977. Chặng đường vẻ vang ấy đã kịp dựng nên hàng loạt những công trình xây dựng trọng điểm của đất nước mang đậm dấu ấn của ông: Thủy điện Sông Đà; cầu Thăng Long; các nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch; Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An, Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Bến Thủy, cảng Cái Lân, cảng Cửa Lò, cầu cảng Hàm Rồng...

Chính ông là người quyết đoán trong việc ký quyết định mở rộng đường các cửa ô Thủ đô Hà Nội khi mà trong tay ông nhận không biết bao nhiêu đơn khiếu kiện của các hộ gia đình trong diện đền bù, giải tỏa để mở đường. Lại cũng chính ông quyết định xây dựng cầu Chương Dương (sau cầu Thăng Long) - một hành động mà thời điểm đó nhiều người cho là phiêu lưu, bất khả thi. Cây cầu có giá trị sử dụng hữu ích cho đến tận hôm nay, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông kinh niên của các tuyến đường bộ phía Bắc nối với Thủ đô Hà Nội - nét son của sự nghiệp xây dựng kiến thiết Thủ đô của Tướng Đồng Sỹ Nguyên là minh chứng cho sự quả cảm, táo bạo, dám nghĩ dám làm và hết mình vì sự nghiệp cách mạng của ông.

Nhiều thế hệ người xây dựng vẫn còn nhớ như in sự tài giỏi và trí tuệ của vị Tư lệnh ngành Xây dựng khi quyết định cho những giải pháp để khắc phục sự cố kỹ thuật ở Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Cả hai công trình xây trên nền móng của núi đá vôi nhiều hang động ngầm trong các vỉa đá vôi và túi bùn. Sau khi tham khảo tư vấn của các chuyên gia kỹ thuật, ông đã lựa chọn phương án bảo đảm an toàn cho công trình và tiết kiệm chi phí đầu tư. Những công trình còn giá trị hoạt động đến tận hôm nay đã ghi đậm dấu ấn của ông với Tổ quốc.

Đặc biệt, gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết ông hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc… Sau này, chính ông là người cương quyết đề xuất với Đảng, Nhà nước mở đường Hồ Chí Minh, bắt đầu từ Bắc Bó, Cao Bằng vào đến đất mũi Cà Mau, vừa mang tính chất quốc phòng rất lớn nhưng đồng thời cũng là vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, dù đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường. Và thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của con đường bộ xuyên Việt thứ hai này.

Người lãnh đạo vì nước vì dân

Nói về dấu ấn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm nhận định: “Đồng chí có một tầm nhìn chiến lược rất xa, khi lập và hoạch định những đề án, những quy hoạch về định hướng phát triển ngành trong điều kiện đất nước đang có nhiều khối lượng công việc ngổn ngang và khả năng kinh tế kỹ thuật cũng chưa thật đầy đủ để đáp ứng như mong muốn. Ông có tầm nhìn, vận dụng và chỉ đạo chúng tôi thực hiện theo định hướng chỉ đạo rất cụ thể, thiết thực”.

Khi ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành tâm sức giải quyết ngay một số vấn đề khó của đất nước thời bấy giờ. Đó là các vấn đề về giá, tiền, lương, xuất nhập khẩu lương thực…

Ông cũng là người xây dựng điều lệ xây dựng cơ bản được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Điều lệ đã đưa ra được những quy định cơ bản về khoán gọn, khoán sản phẩm, là động lực động viên người lao động hoạt động hiệu quả.

Tướng Nguyên luôn nhắc nhở: “Làm người quản lý, lãnh đạo, phải luôn đặt lợi ích đất nước lên trên, phải biết sáng tạo, đổi mới. Mỗi ngày trôi qua, không có gì mới sẽ lạc hậu ngay”.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên là một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, xứng đáng được mệnh danh là con đại bàng của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ông ra đi để lại cho đời niềm tiếc thương vô hạn và danh thơm của một vị tướng tài ba vẫn còn lưu mãi cùng non sông đất nước.

Tổ chức Lễ tang đồng chí Đồng Sỹ Nguyên theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Ban Lễ tang Nhà nước gồm 23 đồng chí; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Linh cữu đồng chí Đồng Sỹ Nguyên quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.

Lễ viếng từ 7h30 phút đến 12h30 phút, thứ Tư, ngày 10/4/2019.

Lễ truy điệu từ 12h30 phút, Lễ di quan từ 13h15 phút cùng ngày.

Lễ an táng hồi 17h cùng ngày, tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, TP Hà Nội.

Huệ Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load