Thứ sáu 17/01/2025 18:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tướng Đồng Sĩ Nguyên để đời nhiều công trình xây dựng quý giá

09:49 | 09/04/2019

(Xây dựng) - Hay tin, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ra đi vào hồi 11h42’, ngày 4/4/2019, những người lính từng công tác chiến đấu với ông tại Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng thương tiếc. Khoảnh khắc chia ly bao kỷ niệm dội về, có những kỷ niệm tưởng đã chìm sâu trong lịch sử.


Ảnh Cựu chiến binh cung cấp.

Tháng 3/1973, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy đoàn 559 Đặng Tính, đưa Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị và hệ thống đường ống tải xăng dầu nằm sâu dưới lòng đất từ Bắc vượt Trường Sơn đến chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Đại tá Đồng Sỹ Nguyên về làm tư lệnh Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn (còn có tên gọi khác là Binh đoàn 12) từ năm 1967, khi mà quân Mỹ đổ quân ổ ạt vào miền Nam. Chiến trường vô cùng ác liệt, Tây Trường Sơn quân Mỹ không kích ngày đêm. Máy bay B52 ném bom rải thảm; B57, AD6, F4H cường kích; pháo hạm từ Cửa Việt bắn lên. Còn những chiếc OV10 rải chất độc hóa học diệt cây, giết người. Trong rừng, những toán thám báo, biệt kích Mỹ Ngụy, lính Pactrunghy dã chiến lùng sục đánh nén binh trạm nhỏ lẻ của ta.

Địch họa còn thiên tai, mưa Trường Sơn dữ tợn, chia cắt núi rừng. Nhiều khi đơn vị bị lũ rừng cô lập, giao thông cách trở hàng tháng. Cán bộ chiến sĩ phải chia nhau thỏi lương khô P701 cầm hơi. Vị Tư lệnh binh đoàn Đồng Sỹ Nguyên không bao giờ nhận phần hơn, cho dù ông là sĩ quan cấp tá có chế độ riêng, nhưng vẫn đồng cam cộng khổ với binh sĩ.

Đoàn 559, nhiệm vụ chính làm công tác hậu cần (quân tiếp vụ) quân lương, quân nhu, cầu đường, công binh xưởng... phục vụ chiến đấu. Đơn vị là nòng cốt xây dựng tuyến đường Trường Sơn vĩ đại với những đoàn xe “không kính” tay lái nữ cảm động đi vào lịch sử. Nhưng có một công trình quốc phòng cực lớn xây dựng ngầm dưới lòng đất, còn ít người biết.

Nhận công tác chỉ huy Binh đoàn, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên nhiều lần thực tế chiến trường, ông rơi nước mắt trước tổn thất quá lớn của đơn vị trong vận tải xăng dầu phục vụ chiến đấu. Khi cao điểm, cứ 10 chiếc xe téc chở xăng dầu vào đến Tây Nguyên thì mất 9, phần vì rủi ro đường sá reo leo, phần vì bom đạn địch. Ngày 15/8/1969, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên kiến nghị Quân ủy Trung ương cho được tổ chức lực lượng khảo sát, thi công, xây dựng một tuyến đường ống từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đề xuất của Đoàn 559 xây dựng tuyến đường ống vượt Trường Sơn đến miền Đông Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km muôn vàn khó khăn, không ngờ được Quân ủy Trung ương biểu dương và đồng ý cho triển khai xây dựng ngay trong mùa khô năm ấy.

Đoàn 559 gấp rút triển khai khảo sát địa hình và tổ chức thi công công trình chuyển tải xăng dầu ngầm dưới lòng đất. Công trình có tính bảo mật cao, hòng che mắt địch, thống nhất tên gọi chung là “Công trình thủy lợi”. Năm 1970, Bộ Quốc phòng phê duyệt đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn (trước đây là Bộ Tư lệnh 559) thành lập hai trung đoàn đường ống là Trung đoàn 592 do Trung tá Mai Trọng Phước làm Trung đoàn trưởng, Chính ủy là Trung tá Lê Đức và Trung đoàn 532 do Thiếu tá Nguyễn Tuấn là Trung đoàn trưởng; Thiếu tá Trần Ninh Châu là Chính ủy. Một số binh sĩ từng học năm cuối ở các trường đại học: Đại học Xây Dựng, Đại học Kiến Trúc, Đại học Thủy Lợi, Đại học Mỏ địa chất... đang ở các đơn vị chiến đấu, được điều động về làm cán bộ kỹ thuật cho 2 công trình thủy (2 trung đoàn) này.

Ngày 20/1/1975, Đoàn 559 đã xây dựng đường ống xăng dầu vào đến Bu Prăng (nay thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông). Đến tháng 3/1975, đơn vị đã xây dựng được 596km đường ống kéo dài đến Bù Gia Mập (nay thuộc tỉnh Bình Phước), hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn Đông và Tây Trường Sơn. Đồng thời với tuyến ống là hệ thống đồng bộ kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600 - 800m3/ngày đêm trên một hướng.

Về tổng chiều dài đường ống xăng dầu trên đường mòn Hồ Chí Minh, nếu tính từ điểm xuất phát của cả hai nhánh Đông - Tây Trường Sơn tại Bến Quang, Quảng Bình vào tới Bù Gia Mập thì tổng chiều dài là 1.445km. Nếu tính cả hệ thống đường ống dẫn từ Chi Ma (Lạng Sơn), Pò Hèn (Móng Cái), Cảng B12 (Hạ Long) đến Quảng Bình với nhiều nhánh hợp lưu, nhánh phân chia, các đoạn song song, đoạn nối ngang... thì tổng chiều dài của đường ống xăng dầu Bắc Nam là 5.000km, dài hơn chiều dài đất nước; và thời điểm đó là tuyến đường ống xăng dầu dài nhất thế giới.

Trong 7 năm (1968 - 1975), Đại tá Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy Đoàn 559 hệ thống đường ống tải xăng dầu chìm trong lòng đất, chi viện cho quân giải phóng miền Nam 5,5 triệu m3/tấn. Nguồn nhiên liệu đáp ứng kịp thời cho lực lượng xe tăng thiết giáp xuất kích, cho cuộc hành quân cơ giới thần tốc, đã góp phần làm nên đại thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau này đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, địa phương cắt cứ thị trường xăng dầu, bỏ tuyến ống xăng dầu xuyên tỉnh. Giêng Cty xăng dầu B12 ở Quảng Ninh giữ nguyên và còn nâng cấp trạm bơm, đường ống, kho chứa...

Trước đây đường ống chuyển tải xăng dầu chủ yếu là fi100cm bằng hợp kinh nhôm (dã chiến), nay đường ống fi từ 159cm - 406cm, bằng vật liệu mới, lắp đặt cố định vững chắc. Tổng chiều dài tuyến ống trên 700km, đáp ứng nguồn xăng dầu cho TP Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hà Nam với khối lượng 4,2 triệu m3/năm (nếu vận chuyển bằng ô tô, tương đương với một đoàn xe 1.030 chiếc chạy ngược xuôi trên đường).

Cuộc đời binh nghiệp của Tướng Đồng Sĩ Nguyên để lại nhiều công trình xây dựng quý giá. Công trình quốc phòng xây dựng ngầm dưới lòng đất, có giá trị chiến lược, chiến thuật trong chiến đấu, tránh thương vong binh sĩ. Khi tuổi cao về nghỉ ông còn để lại cột mốc văn hóa tỏa sang nơi biên cương vùng Đông Bắc. Tướng Đồng Sĩ Nguyên, người đi rồi tiếng thơm còn để lại cho ngày nay cho muôn đời sau, cựu chiến binh Trường Sơn thành kính ghi sâu tích cũ.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load