Thứ sáu 19/04/2024 22:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tuần 17-21/1: Thị trường kỳ vọng hồi phục trước khi nghỉ Tết

13:58 | 22/01/2022

Với việc đánh mất ngưỡng 1.500 điểm, xu hướng của VN-Index đã bị suy yếu. Song, việc chỉ số đóng cửa trên vùng hỗ trợ 1.480-1.495 điểm có thể kỳ vọng vào sự hồi phục trong tuần tới.

tuan 17 211 thi truong ky vong hoi phuc truoc khi nghi tet
(Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnam+)

Tuần qua, VN-Index điều chỉnh xuống trong bốn phiên và chỉ duy nhất có một phiên hồi phục. Theo đó, chỉ số giảm 32,46 điểm (-2,1%), về mức 1.496,02 điểm và lần lượt chạm mức cao nhất 1.536,45 điểm, mức thấp nhất 1.464,49 điểm.

Cùng trong xu hướng, HNX-Index cũng giảm khá mạnh trong tuần, khi để tuột 26,98 điểm (-5,5%) và xuống 466,86 điểm

Nhóm ngân hàng trợ lực thị trường

Trước đó, VN-Index tăng điểm trong hai tuần liên tiếp để tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.530-1.550 điểm, song cuối cùng thị trường đã “buông tay” và điều chỉnh giảm trở lại trong tuần. Thanh khoản giao dịch trên hai sàn đã gia tăng so với tuần trước đó, đạt trung bình 37.500 tỷ đồng/phiên trên cả hai sàn.

Trên thị trường, mã TIP là có mức tăng giá mạnh nhất 20%/tuần (từ 50.200 đồng lên 60.300 đồng/cổ phiếu), tiếp theo là cổ phiếu TSC với mức tăng 19% (từ 17.450 đồng lên 20.850 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu ROS (thuộc họ nhà FLC) tiếp tục lao dốc mạnh nhất sàn với mức giảm 30% (từ 16.000 đồng xuống 11.250 đồng/cổ phiếu).

Diễn biến chung, cổ phiếu bất động sản trở thành nhóm ngành “tiêu cực” nhất trong tuần, trong đó DIG (-17,5%), CEO (-23,1%), LDG (-19,8%), ITA (-15%), SCR (-9,8%), HQC (-17,7%), DXG (-11,7%), IDC (-9,2%), NLG (-13,2%), DRH (-14,5%), HAR (-28,5%), FLC (-28,6%), ROS (-29,7%)...

Kéo theo, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bị ảnh hưởng đáng kể, các mã SSI (-5,6%), HCM (-7%), VCI (-13,9%), VND (-10%), SHS (-7,8%), MBS (-7,7%), FTS (-8,8%)...

Top 5 mã cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn HoSE:

tuan 17 211 thi truong ky vong hoi phuc truoc khi nghi tet
(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã có sự hồi phục tích cực, trở thành trụ cột của thị trường đồng thời giúp VN-Index không bị giảm mạnh, có thể kể đến các đại diện như VCB (+4,5%), BID (+12,9%), CTG (+6,8%), MBB (+3,7%), TPB (+2,2%), SHB (+1,8%)...

Khối ngoại mua ròng

Trái với xu thế bán ra của các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng với giá trị 707 tỷ đồng trên HoSE, tương ứng với khối lượng trên 6 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã DXG được khối ngoại tích lũy ròng lớn nhất với 5,4 triệu cổ phiếu, tiếp theo là STB với 4 triệu cổ phiếu. Song, họ bán ròng nhiều nhất tại mã VRE lên đến 7,2 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mua ròng 110 tỷ đồng trên sàn HNX, tương ứng với khối lượng gần 4 triệu cổ phiếu.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm trong tuần qua với những tin tức tiêu cực liên quan đến nhóm ngành bất động sản.

"Điều này đã gây ra áp lực bán mạnh trên nhóm này khiến nhiều mã rơi vào trạng thái giảm sàn và một số mã còn bị mất thanh khoản. Áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường cho thấy có thể hoạt động call margin (lệnh dừng ký quỹ) đã xuất hiện. Trên thị trường, bên bán đã chiếm ưu thế nhưng lực cầu bắt đáy cũng tương đối tốt, nhờ đó VN-Index đã không giảm sâu,” ông Thắng trao đổi.

Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng hơn 800 tỷ đồng cũng được các nhà phân tích đánh giá là một điểm tích cực.

Nhận định về xu thế thị trường, nhóm phân tích tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) duy trì quan điểm thận trọng và cho rằng lực bán có thể xuất hiện sớm trở lại khi VN-Index được vực dậy trên mức 1.500 điểm.

Theo VCBS, tâm lý chung trên thị trường đang trong trạng thái dè dặt đối với nhóm cổ phiếu trụ cột, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á có diễn biến tiêu cực trong tuần. Mặt khác, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Trong ngắn hạn, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng lượng tiền mặt đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến của đại dịch COVID-19 để lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục cho cả năm 2022.

Về kỹ thuật, ông Thắng cho rằng với việc VN-Index mất ngưỡng 1.500 điểm cho thấy xu hướng suy yếu. Nhưng việc chỉ số đóng cửa trên vùng hỗ trợ 1.480-1.495 điểm vẫn có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo (ngày 17-21/1). Tuy nhiên, thanh khoản trong tuần tới có thể thấp hơn do một số nhà đầu tư có xu hướng tâm lý nghỉ Tết như những năm trước đây.

“Các nhà đầu tư đã gia tăng tỷ trọng lên mức cao khi tham gia bắt đáy trong phiên ngày 12/1 có thể tiếp tục nắm giữ và đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường,” ông Thắng khuyến nghị./.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load