Các Cty tư vấn xây dựng hàng đầu của Nhật Bản như Nippon Koei, Pacific Consultants, CTI Engineering, Oriental Consultants, Chodai, Pasco đã tham gia trong cuộc triển lãm World Congress Tokyo 2013 tại Tokyo vào tháng 10 vừa qua. Từ những nội dung của triển lãm cho thấy ngành công nghiệp tư vấn xây dựng của Nhật Bản đã dấy lên phong trào ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin mới (ICT) trong các hoạt động của mình. Đó là việc mở rộng công việc hiện tại gồm lập quy hoạch, điều tra và thiết kế xây dựng vào nhiều lĩnh vực mới như phát triển công nghệ bảo trì đường bộ và phân tích dữ liệu với quy mô lớn. Các lãnh đạo đứng đầu hiện đang tập trung vào các thị trường ở các nước đang phát triển cũng như tăng tốc cải tiến các doanh nghiệp của mình trong cả hai lĩnh vực nhân sự và chuyên môn.
Cty Nippon Koei đã thể hiện những kinh nghiệm quý báu của mình trong các dự án quốc tế đã thực hiện ở Việt Nam. Cty CTI Engineering giới thiệu các dự án và công nghệ phân tích dữ liệu như phương pháp tiết kiệm năng lượng bằng điện thoại thông minh và phân tích dữ liệu thiên tai. Trong khi đó, Cty Oriental Consultants cung cấp dịch vụ về an toàn giao thông còn Pasco lại nhắm vào mục đích phát triển giao thông sử dụng trong công nghệ lái tự động. Cty Chodai tích hợp kiến thức của mình trong lĩnh vực đường bộ với ứng dụng ICT giám sát sự an toàn cho lĩnh vực cầu đường, v..v. Như vậy, có thể thấy rằng các Cty tư vấn xây dựng của Nhật Bản đã chiếm được lòng tin của thị trường quốc tế và các Cty này vẫn không ngừng phát triển thêm các dịch vụ và các lĩnh vực mới để ngày càng chứng tỏ năng lực đa năng của mình
Thành phố thông minh
Một số dự án “Thành phố thông minh” thuộc tỉnh Kanagawa đã được lên kế hoạch chi tiết và triển khai đồng bộ. Đó sẽ là các TP có hệ thống quang điện, hệ thống quản lý năng lượng thông minh (HEMS) nhằm giảm thiểu sử dụng điện năng và khí thải CO2. Nhóm nghiên cứu của Tập đoàn Panasonic đang triển khai xây dựng một khu đô thị với khoảng 1.000 hộ gia đình tại TP Fujisawa, tỉnh Kanagawa theo dự kiến hoàn thành vào năm tới. Tập đoàn Daiwa House Industry hiện cũng tiến hành quy hoạch phát triển cộng đồng thông minh đầu tiên tại TP Sagamihara theo dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2014. Một số dự án “Thành phố thông minh” khác tại các TP Yokohama, Kawasaki hiện cũng đang được tiến hành xây dựng. Các nhà lãnh đạo và phát triển đô thị tại đây có chủ tâm phát triển năng lượng tái tạo, cam kết tạo thuận lợi cho các dự án năng lượng sạch tại các khu vực này.
Dựa trên các chính sách của Chính phủ, khu vực tư nhân đã bắt đầu vào cuộc và có những chương trình hành động tích cực như dự án "Fujisawa - Đô thị thông minh bền vững". 12 Cty lớn cùng với Panasonic đã phối hợp với chính quyền TP trong việc xây dựng hàng ngàn ngôi nhà sinh thái, khu mua sắm, cơ sở phúc lợi và giáo dục với diện tích 19ha với chi phí là 60 tỷ Yên. Tất cả các ngôi nhà này sẽ được trang bị hệ thống năng lượng mặt trời và hệ thống HEMS. "Đô thị sinh thái Hikarigaoka" tọa lạc tại TP Sagamihara cũng đã bắt đầu xây dựng vào đầu tháng vừa qua.
Tại TP Hiratsuka, Cty Nissan Shatai - một Cty liên kết của Nissan Motor cũng hiện đang chuẩn bị cho dự án "Thành phố thông minh Hiratsuka" với tổng diện tích 19,3ha. Dự kiến sẽ xây dựng khu trung tâm mua sắm quy mô lớn và TP bao gồm nhà ở và chung cư cao tầng. Ngoài ra, các dự án tại Yokohama, Kawasaki, Odawara, Samukawa đã sẵn sàng để thực hiện và triển khai một loạt các TP thông minh trong tương lai gần.
Mở rộng quy mô các sân bay khu vực Thủ đô Tokyo
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đang tiến hành xem xét việc mở rộng sân bay trong khu vực vùng Thủ đô Tokyo nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng gia tăng tại các sân bay trong khu vực. Ban điều hành sẽ thảo luận về các vấn đề kỹ thuật trong xây dựng thêm đường băng ở Haneda, thành lập thêm sân bay mới và hàng không dân dụng tại căn cứ không quân Yokota.
Ông Hitoshi Ieda - Chủ tịch của Ban điều hành cho biết tại cuộc họp báo là việc mở rộng sân bay này nhằm mục tiêu ban đầu là phục vụ Thế vận hội Olympic 2020 được tổ chức tại Tokyo, sau đó sẽ nghiên cứu sâu hơn cho kế hoạch trung hạn năm 2030 - 2040 khi số lượng hành khách sẽ tăng đáng kể. Trong kế hoạch dài hạn, nghiên cứu sẽ tiếp tục tập trung cho tầm nhìn đến năm 2050. Các biện pháp phòng chống thiên tai tại sân bay như các công nghệ điều khiển giao thông tiên tiến nhất sẽ được nghiên cứu ứng dụng nhằm chống lại biến cố thiên tai bao gồm động đất và bão lũ.
Bắc Thái
Theo