Bến Nhà Rồng vốn là trụ sở Cty Tàu biển Năm Sao của Pháp (còn gọi là Cty Vận tải Hoàng Gia) được xây dựng từ năm 1863 nằm trên ngã ba sông Sài Gòn, đầu đường Nguyễn Tất Thành ngày nay. Sở dĩ dân ta gọi tên là Bến Nhà Rồng bởi, trên nóc tòa nhà này có gắn một đôi rồng lớn bằng đất nung, trám men xanh quay ra hai bên. Giữa đôi rồng là chiếc phù điêu mang hình “đầu ngựa và chiếc mỏ neo”. Đây là biểu tượng của Cty vận tải. Kiến trúc này là sự tiếp biến giữa kiến trúc truyền thống phương Đông và văn hóa phương Tây.
Sau khi ở đây xây thêm cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu để tàu thuyền ra vào dễ dàng thì Nhà Rồng còn được gọi là Sở Canh tân tàu biển. Đến cuối năm 1899, bến tàu mới được xây cất. Năm 1911, khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước chân đến Bến Nhà Rồng để lên tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp thì bến này mới chỉ được lót bằng ván dầy đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Từ bờ ra đến bến có cầu rộng 10m. Mãi đến năm 1930 Cty mới hoàn thành bê tông hóa bến cảng. Con đường sát bến cảng gọi là bến Khánh Hội.
Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Họ đã cho tu bổ lại mái ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng khác với tư thế quay đầu ra. Năm 1965, ngôi Nhà Rồng do quân đội Mỹ sử dụng làm trụ sở của Cơ quan Tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Nhà Rồng - biểu tượng của cảng Sài Gòn - thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý. Toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng hầu như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Bến Nhà Rồng đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử như các cuộc bãi công của công nhân hãng tàu, các cuộc tấn công của bộ đội Việt Nam vào vùng Khánh Hội hay như sự kiện đốt cháy tàu Alee của Pháp vừa cập bến Nhà Rồng vào đêm 15/10/1945. Để ghi nhớ sự kiện ngày 05/6/1911, Bác Hồ đã xuống tàu từ bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, sau ngày giải phóng, Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích Lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 02/9/1979 - nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người - nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về "Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)". Đến ngày 20/9/1982, UBND TP.HCM ra Quyết định số 236/QĐUB thành lập "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh". Từ đó đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng đã đón tiếp hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước vào tham quan. Ngoài ra, tại đây thường tổ chức những cuộc vui lớn, biểu diễn nghệ thuật, nghe kể chuyện truyền thống, tổ chức lễ kết nạp Đảng, Đoàn...
Tất thảy những ai đến đây đều thấy tự hào, kính yêu, ngưỡng vọng Hồ Chí Minh. Trong những dòng nhật ký còn lưu lại, chúng tôi đã đọc được rất nhiều những cảm xúc thiêng liêng. “Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam mà của cả chúng tôi nữa!”. Đó là lời của đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong một lần đến thăm bảo tàng. Suốt hành trình bôn ba nơi xứ người tìm đường giải phóng dân tộc, cuộc đời Bác là sự hy sinh vô bờ bến. Nhân cách vĩ đại của Người khiến hàng triệu trái tim bạn bè thế giới nghiêng mình kính phục. Nói như lời ông Richard Dixon (người Anh) thì “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Những thành tựu Người thực hiện là có một không hai. Muốn hiểu rõ nước Việt Nam hiện nay ra sao, nhất thiết phải nghiên cứu cuộc đời Hồ Chí Minh”. Và như một người Pháp đã viết “Nhân dân Việt Nam phải rất tự hào vì đã có Người!”
Bạn Nguyễn An Trung cùng đoàn Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Nhật trong những ngày về thăm quê cũng đã tranh thủ đến đây viếng Bác. Anh ghi lại những dòng như thế này: “Dù làm gì, ở đâu tôi cũng không được quên mình là người Việt Nam, là con cháu Bác Hồ. Tôi sẽ cùng bạn bè đem kiến thức góp phần xây dựng quê hương”. Trong khi đó, đến viếng và dâng hương tưởng niệm Người tại Bến Nhà Rồng, 48 thành viên Hội Người cao tuổi P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM cùng chung suy nghĩ: “Chúng tôi chưa từng gặp Bác nhưng tất cả nguyện theo gương Bác, chung sức xây dựng nước non này”. Trong lần đến bảo tàng, hình ảnh “viên gạch sưởi ấm” rất đỗi đời thường đã gợi cho bạn Trần Thị Tú Lan thật nhiều cảm xúc: “Viên gạch mà Bác để lại đã dạy tôi bài học về sự cần kiệm, sáng tạo từ cái nhỏ bé nhất và không bao giờ được xem thường cái gì vì nó có thể thay đổi cuộc đời mình. Hình ảnh viên gạch còn giúp tôi hiểu rằng phải sống trọn vẹn với từng ngày, từng tháng mình đang có và tự hào hơn về dân tộc Việt Nam”.
Học tập Người, rất nhiều người đã nguyện sống xứng đáng, phấn đấu không ngừng, học tập theo tấm gương đạo đức của Bác. Sau buổi học ngoại khoá tại bảo tàng, bạn Nguyễn Thị Minh, sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, bày tỏ: “Được nghe giới thiệu, được nhìn tận mắt những tư liệu, hiện vật vô giá của Người, chúng tôi như đang đi ngược chuyến tàu thời gian, như được tiếp thêm động lực học tập, phấn đấu để xứng đáng là con cháu của Bác”. Trước ngày lên đường cùng đội “Trí thức trẻ tình nguyện” về phục vụ ở Cà Mau, bạn Nguyễn Tý, cựu SV ĐH KHXH-NV TP.HCM đã cùng mẹ đến viếng Bác. Anh tâm niệm: “Những người trẻ chúng con hôm nay sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, Bác ơi!”.
Nguyên Bình (st)
Theo baoxaydung.com.vn