Thứ hai 13/01/2025 10:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tự tin trước tương lai

07:10 | 29/01/2014

Vĩnh Phúc từ tỉnh thuần nông thành một trong những địa chỉ dẫn đầu cả nước về chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang mô hình phát triển công nghiệp - dịch vụ - du lịch là chính. Trong phát triển ấy có sự đóng góp vô cùng quan trọng của công tác quy hoạch phát triển vùng trọng tâm của ngành Xây dựng Vĩnh Phúc. Bộ Xây dựng và tỉnh Vĩnh Phúc luôn đánh giá Sở Xây dựng là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với KTS Phạm Hoàng Anh - Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc - một trong những gương mặt giám đốc trẻ nhất của Ngành về nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị và vượt lên thách thức, tiếp tục khẳng định vai trò tạo dựng đòn bẩy phát triển kinh tế - chính trị - xã hội ở Vĩnh Phúc.


KTS Phạm Hoàng Anh

Thưa KTS, đây là mùa Xuân đầu tiên ông đảm trách vị trí đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Xây dựng ở tỉnh phát triển năng động nhất của đất nước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố tác động, song năm 2013 ngành Xây dựng Vĩnh Phúc vẫn đạp bằng trở ngại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đề nghị KTS cho biết tổng thể về những kết quả này?

- Đúng vậy. Năm 2013 thực sự là một năm quá nhiều thách thức cho ngành Xây dựng Việt Nam nói chung cũng như ngành Xây dựng Vĩnh Phúc nói riêng. Tuy nhiên do được kế thừa bề dày truyền thống đoàn kết và tâm huyết công tác mà những bậc lãnh đạo và các cán bộ đi trước của Ngành nên chúng tôi cũng gặp nhiều thuận lợi. Thêm nữa, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng; đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện tốt Chương trình công tác của Tỉnh ủy, Chương trình hành động của UBND tỉnh, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung, tích cực triển khai cụ thể hóa các chính sách mới của ngành Xây dựng, cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường công tác quản lý ĐTXD công trình; quản lý và đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; Giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh về hạ tầng kỹ thuật đô thị… góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 7,89% so với năm 2012 (kế hoạch tăng 5,5 - 6%). Riêng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,34%. Đó có thể coi là một kết quả đáng phấn khởi trong tình hình kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay.

Hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng luôn gặp những khó khăn do điều kiện phát triển chưa đồng bộ kể cả về hệ thống luật pháp cũng như bất cập với những ngành liên quan, nhưng với Vĩnh Phúc thì khó khăn ấy dường như không phải là chính yếu mà là sự phát triển quá năng động mới là những khó khăn. Vậy theo KTS, đâu là nét nổi bật nhất của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc,  để bắp kịp với hiện thực đời sống?

- Đương nhiên hoạt động quản lý nhà nước là cả một chuỗi những hoạt động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của hoạt động xây dựng trên địa bàn. Trước hết chúng tôi chú trọng đến việc đào tạo chuyên môn và bồi dưỡng đạo đức cán bộ trong toàn hệ thống. Và điều này luôn được duy trì không ngơi nghỉ, thường xuyên cập nhật trình độ chuyên môn với ý thức, có giỏi chuyên môn thì mới có thể làm một người cán bộ tốt và công chức tốt. Mới sẵn sàng phục vụ tốt đòi hỏi mọi nhiệm vụ chính trị và phục vụ phát triển kinh tế. Vì vậy, năm 2013 chúng tôi đã triển khai thực hiện tốt tất cả các mặt công tác chính, gồm: Công tác xây dựng, hướng dẫn và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; lập quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý hạ tầng kỹ thuật; quản lý kinh tế, hoạt động xây dựng; quản lý nhà, phát triển đô thị và kinh doanh bất động sản; quản lý chất lượng xây dựng và phát triển vật liệu xây dựng; thanh tra, kiểm tra; quản lý xây dựng ở cấp huyện; sản xuất kinh doanh của đơn vị trực thuộc và quản lý dự án.

Trong các hoạt động trên, hoạt động được các nhà đầu tư và hoạch định chính sách quan tâm nhất là rà soát, tham mưu xây dựng trình HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực Ngành quản lý như: Quy định quản lý cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh; Ban hành quy trình thẩm tra thiết kế xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh; Quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Phê duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Quy định hỗ trợ dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020; Quy định phân công, phân cấp quản lý sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị tăng cường quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Tuy nhiều công việc, nhưng với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, được trui rèn, thử thách trong nhiều năm liên tục với cường độ và tần suất cao, áp lực lớn giúp chúng tôi sớm trưởng thành, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu: Phải quan tâm đến phát triển nhân sự một cách toàn diện thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ toàn diện… Tốc độ phát triển của Vĩnh Phúc chóng mặt, không cho phép những công bộc của dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nghiêng ngả… Nếu chỉ một chút lơ là mất thăng bằng là chúng tôi đã tự triệt tiêu đi lợi thế…

Hoạt động triển khai công tác lập và quản lý quy hoạch sau khi phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc từ trước đến nay luôn được đánh giá là khoa học và thiết thực. Vậy ông tiếp nhận thì quá trình ấy có gì thay đổi và được diễn biến như thế nào?

- Với chúng tôi hiện tại để duy trì phong độ những tháng năm trước của Ngành cũng không đơn giản. Nhưng năm 2013 hay bất cứ những năm tiếp theo thì Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cũng luôn trong tâm thế tích cực tham mưu cho UBND tỉnh nhằm hoàn thiện hơn về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; lấy ý kiến tham gia của các ngành, địa phương về quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị Vĩnh Phúc, xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 02/01/2014, quyết định đầu tiên mở đầu một mùa Xuân mới của cơ quan công quyền cấp cao nhất tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước, Sở đã cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và chương trình phát triển đô thị, triển khai lập quy hoạch 10 đô thị loại V, trong đó có 5 đô thị thuộc lõi đô thị Vĩnh Phúc (đến nay đã hoàn thành 8 đồ án). Tiếp tục triển khai 3 quy hoạch xây dựng vùng chức năng đô thị phía Bắc, phía Nam, phía Tây đô thị Vĩnh Phúc theo QHXD vùng tỉnh làm cơ sở triển khai quy hoạch chi tiết (QHCT) các khu chức năng đô thị, đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ thiết kế. Bàn giao cho BQL các KCN đồ án QHCT KCN Tam Dương II giai đoạn 1 để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng; tiếp tục thực hiện lập QHCT khu vực II giai đoạn 2 khu vực 1 và khu vực 2; thực hiện lập, trình duyệt các đồ án QHCT KCN Lập Thạch I, Lập Thạch II, KCN Sông Lô để các địa phương thu hút đầu tư. Thẩm định và trình UBND tỉnh 68 nhiệm vụ khảo sát, quy hoạch với quy mô khoảng 26.995ha; 44 đồ án QHXD với quy mô 8.013ha. Thỏa thuận gửi các địa phương 24 nhiệm vụ quy hoạch (với quy mô 36,5ha) và 35 đồ án QHXD, tổng mặt bằng công trình (với quy mô 91,71ha).

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo Viện Quy hoạch, Trung tâm Giám sát & Kiểm định chất lượng xây dựng thực hiện lập và trình UBND tỉnh phê duyệt 115 địa điểm với tổng diện tích 514,19 ha; Thỏa thuận 23 địa điểm gửi UBND các huyện phê duyệt với tổng diện tích 22,27ha.

Mùa  Xuân 2014 cũng là mùa Xuân dự báo nhiều thách thức của một năm bản lề trước thềm đại hội Đảng. Là người chịu trách nhiệm chính của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại Vĩnh Phúc, ông có thông điệp gì để ngành hoạt động quản lý ngày càng hiệu quả hơn?

- Nói đến lĩnh vực xây dựng trong năm 2014 thì có quá nhiều điều cần tỏ bày trước mùa Xuân mới tràn đầy hy vọng cũng như thách thức. Với một cuộc trao đổi ngắn gọn như thế này, tôi e rằng không thể chuyển tải hết tham vọng của chúng tôi trong công cuộc phụng sự phát triển của Ngành và mảnh đất Vĩnh Phúc thấm đẫm ân nghĩa và tình người này. Tôi nghĩ rằng mọi hành động cụ thể dù lớn dù nhỏ của mỗi cá nhân cũng như tập thể Ngành phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc mới là những thông điệp có ý nghĩa. Năm tới chúng tôi sẽ quan tâm những điều cốt tử nhất mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quán triệt chỉ đạo: Tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch vùng, quy hoạch chung trên phạm vi toàn tỉnh. Đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn. Tiếp tục triển khai sâu rộng thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng, tăng cường công tác thẩm tra thiết kế xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Nghị định 11/2013/NĐ-CP. Tăng cường quản lý quản soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch. Nghị định 188/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội…

Trong quá trình triển khai các hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương chúng tôi thấy rằng cần có một số sự điều chỉnh mang tính vĩ mô, về việc giao chủ đầu tư, thẩm tra thiết kế công trình: Phần lớn chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đều hạn chế về năng lực quản lý đầu tư xây dựng công trình (nhất là cấp xã), chưa cập được với yêu cầu của Luật Xây dựng, Nghị định 112/CP nên chưa phát huy được tính chủ động và quyền quyết định của chủ đầu tư theo quy định. Nguyên nhân do kiến thức về pháp luật xây dựng và bộ máy giúp việc cho chủ đầu tư để quản lý dự án chưa đầy đủ mặc dù theo quy định của luật được phép thuê tư vấn nhưng do số lượng các đơn vị tư vấn làm tư vấn quản lý dự án trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu nên không đáp ứng được nhu cầu. Đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi các quy định hiện hành; lựa chọn các cơ quan chuyên môn có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Người quyết định đầu tư thành lập các ban quản lý chuyên trách theo cấp để tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng dự án do mình quyết định đầu tư để nâng cao tính hệ thống, chuyên nghiệp trong công tác quản lý đầu tư. Ban hành quy định xếp loại năng lực các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng để Sở xếp loại công khai làm cơ sở cho các chủ đầu tư tự tin lựa chọn đúng các đơn vị có đủ năng lực tham gia trong quá trình triển khai dự án xây dựng của mình.

Đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Quốc hội thông qua ban hành Luật Xây dựng; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi là cơ sở gốc để tiếp tục thay đổi toàn diện các chính sách pháp luật về xây dựng; các nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực quản lý nhà ở và thị trường BĐS, quản lý phát triển đô thị phải có sự thống nhất với nhau. Đề nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu đưa ra những cơ chế, chính sách để ổn định và tháo gỡ cho thị trường sản xuất kinh doanh nói chung và thị trường BĐS nói riêng; cơ chế hỗ trợ thêm cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân; giúp đẩy nhanh gói kích cầu 30 nghìn tỷ để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng.

Xin cảm ơn ông! Chúc ông và ngành Xây dựng Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống, tự tin vượt lên tương lai thách thức!

PV (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load