Thứ tư 18/09/2024 08:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

“Tư nhân hóa” bờ biển: Đại biểu Quốc hội ý kiến gì?

11:24 | 08/06/2018

“Bức xúc của người dân khi bị mất biển đã tạo nên áp lực để chính quyền thành phố phải tính toán lại. Mặc dù các dự án đó không phải dễ dàng có thể giải quyết ngày một, ngày hai. Nhưng trên cơ sở pháp luật, nhu cầu của người dân và định hướng phát triển lâu dài thì thành phố Đà Nẵng quyết tâm phải làm bằng được”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nói bên lề Quốc hội.


Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng.

Ngày 5-6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai liên quan đối với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có những chia sẻ thêm về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cũng như những quan điểm của đại biểu đối với vấn đề các doanh nghiệp đang "tư nhân hóa" bờ biển và vấn đề quản lý đất đai hiện nay.

Phóng viên: Câu chuyện “tư nhân hóa” bờ biển là một thực tế được nhiều đại biểu chất vấn kỳ này. Thực tế đã xảy ra mà người dân rất bức xúc là hiện trạng các resort mọc lên ven biển, lập rào chắn không cho người dân được xuống biển. Đà Nẵng đang phải giải quyết bài toán này như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Chúng ta có luật nhưng có lẽ thời gian ra đời các dự án và sự ra đời của luật là khác nhau. Điều này Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu trong phần trả lời của mình. Tuy nhiên, câu chuyện ở Đà Nẵng khác các địa phương khác. Câu chuyện của Đà Nẵng xuất phát từ yêu cầu của người dân. Đà Nẵng là thành phố biển du lịch và bức xúc của người dân khi bị mất biển của mình đã tạo nên áp lực để chính quyền thành phố phải tính toán lại. Mặc dù các dự án đó không phải dễ dàng gì có thể giải quyết ngày một, ngày hai. Nhưng trên cơ sở pháp luật, nhu cầu của người dân và định hướng phát triển lâu dài thì thành phố quyết tâm phải làm bằng được.

Với những gì TP Đà Nẵng đã trải qua, các địa phương khác cũng sẽ gặp áp lực tương tự như Đà Nẵng gặp phải và họ sẽ phải đối diện với công việc như Đà Nẵng đang phải làm.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, ở góc độ xây dựng luật pháp, chúng ta cần sự điều chỉnh nào về luật để giải quyết vấn đề này, và để địa phương cũng dễ làm hơn?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Kể từ khi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 ra đời đến giờ, chúng ta nhìn vào số lượng các địa phương triển khai làm việc này chiếm tỷ lệ ít. Vì thế, Bộ trưởng TNMT và Chính phủ cần phải được quan tâm đến việc này nhiều hơn.

Phóng viên: Theo đại biểu, sai phạm thời gian qua ở một số địa phương cho thấy trách nhiệm của địa phương. bên cạnh đó liệu có liên quan trách nhiệm của Bộ không?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Nhìn kỹ vào vấn đề phân cấp, phân quyền ở nhiều nơi, thì liệu thật sự các địa phương đã phân cấp, phân quyền như trong quy định của pháp luật hay không? Dường như đó là nguyên nhân dẫn đến những bất cập nảy sinh vừa rồi và chúng ta đang phải xắn tay giải quyết. Bộ đang phải đồng hành cùng các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng để giải quyết.

Phóng viên: Vấn đề đất đai là vấn đề nóng được cử tri quan tâm, biểu hiện qua khiếu nại đến 75%. Đại biểu có kiến nghị gì về vấn đề này để giải quyết những vi phạm, giảm bớt sự căng thẳng của người dân liên quan đến đất đai?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Trước hết, việc giải quyết ban đầu phải được công khai, minh bạch. Thí dụ trong quyết định giao đất, tính minh bạch phải thể hiện rõ ở những điều khoản. Nhìn vào quyết định giao đất, nhiều khi chúng ta đọc còn khó hiểu chứ không nói tới người dân. Thêm nữa, việc giải quyết những nảy sinh vừa rồi cũng phải công khai, minh bạch và thật sự công bằng. Có thực tế, có cấp cơ sở hoặc trên cấp cơ sở cũng có phần sợ trách nhiệm của mình trước đây giải quyết chưa đúng đắn nên sợ bị xử lý, tìm cách né tránh. Tôi nghĩ, chúng ta phải làm cho người dân hiểu rằng, việc đó quy định của pháp luật là đúng và để người dân hiểu, hướng dẫn người dân thực hiện. Tất cả mọi việc phải đến từ hai phía trong mối quan hệ này chứ không riêng một chủ thể nào cả.

Phóng viên: Liên quan đến vấn đề cho thuê đất 99 năm đang được cử tri rất quan tâm trong Luật Đặc khu, đại biểu có ý kiến như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Về vấn đề cho thuê đất 99 năm liên quan đến Luật Đặc khu, tôi đang lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân. Tôi tin nhiều đại biểu cũng đang lắng nghe như tôi. Và tôi tin, các đại biểu sẽ làm tròn trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân. Nhân dân đang đòi hỏi là tại sao phải cho thuê đất 99 năm? Giữa quy định hiện tại của pháp luật với 99 năm có gì hệ lụy xảy ra? Cái gì để ngăn chặn hệ lụy đó xảy ra? Tôi và các đại biểu cũng đã bàn luận về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã trả lời, câu chuyện đặc khu không phải là 99 hay 70 năm. Đó là cơ chế ưu đãi trong khu vực đặt khu. Còn câu chuyện 99 năm hay 70 năm không quyết định với vấn đề có Luật đặc khu hay không.

Phóng viên: Theo đại biểu, các đặc khu có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và tương lai của Việt Nam?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Không ai chối cãi vai trò của đặc khu. Chúng ta đang kỳ vọng một bước đột phá cho sự phát triển nhờ các đặc khu. Đã có rất nhiều thành công nhưng cũng có nhiều thất bại ở những quốc gia khác nhau, buộc chúng ta phải thận trọng. Câu chuyện 99 hay 70 năm cũng là một phần trong câu chuyện đó.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong phiên chất vấn, đại biểu đã đặt ra câu hỏi liên quan đến ba dự án thép tại Đà Nẵng gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu có hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà không?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Bộ trưởng trả lời vấn đề mang tính vĩ mô, còn vấn đề cụ thể thì chưa rõ. Trong câu chuyện của ba nhà khai thác đó, tôi muốn nêu lên vấn đề, sự ô nhiễm môi trường do ba nhà máy thép đó không chỉ giới hạn ở khói bụi mà chính quyền Đà Nẵng có căn cứ xác định ô nhiễm cả nguồn nước dẫn đến quyết định với Đà Nẵng là đóng cửa hai nhà máy.

Sau câu chuyện này, người Đà Nẵng nghĩ đến câu chuyện khác. Liệu có thể có nhà máy thép tương tự đặt ở khu vực tiềm tàng dẫn đến ô nhiễm môi trường hay không và tôi cho rằng, quyền lợi của người dân phải được đặt lên trên hết.

Còn về vấn đề quy hoạch, quy hoạch phải phân ra tầng nấc. Có những nhà máy nằm trong giới hạn của địa phương và quy hoạch đó với địa phương là phù hợp nhưng khi kết nối vào chưa hẳn là hợp. Có những dự án ra đời trước Luật Quy hoạch. Vì thế, chúng ta phải xem xét lại cho phù hợp.

Chúng tôi tin tưởng chúng ta sẽ có công nghệ kiểm soát cái đó. Nhưng có câu hỏi người dân đặt ra là, nếu chúng ta đã áp dụng công nghệ đó rồi nhưng vẫn xảy ra ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống người dân thì sẽ xử lý như thế nào. Với câu trả lời của Bộ trưởng, tôi tương đối hài lòng chứ chưa hẳn đã hài lòng. Vấn đề này nó thuộc về giải pháp kỹ thuật mà với tư cách đại biểu của người dân tôi chưa nhìn thấy, chưa sờ thấy thì không thể bảo tôi hài lòng hoàn toàn.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá thế nào về không khí của phiên chất vấn của kỳ họp thứ 4 lần này?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Trong kỳ họp lần này, chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề. Các Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề, tránh được những câu trả lời chung chung như trước đây. Câu chuyện được các đại biểu đặt ra là thực tế, là những dự án, công việc, những vấn đề nảy sinh cụ thể trong đời sống. Trong phạm vi của mình, Bộ trưởng đã nghe và trả lời tốt.

Xin cảm ơn đại biểu Nguyễn Bá Sơn!

Đại biểu Trần Văn Mão, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An:

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà có những nội dung quan trọng, những vấn đề nóng mà được cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội chuẩn bị chu đáo câu hỏi, câu hỏi ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri, dư luận quan tâm.

Về phía Bộ trưởng, tôi cho rằng, Bộ trưởng đã nắm được vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của bộ mình. Trên cơ sở đó, với trách nhiệm của tư lệnh ngành, Bộ trưởng trả lời tương đối thỏa đáng các câu hỏi chất vấn. Những vấn đề bức xúc của cử tri cả nước, Bộ trưởng đã làm rõ trách nhiệm của bộ mình, các cơ quan tổ chức liên quan. Từ đó, Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, làm thế nào thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của Bộ TNMT. Đồng thời, nêu giải pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan, làm việc với các cấp để triển khai giải pháp căn cơ nhất để giải quyết các vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực TNMT, nhất là lĩnh vực quản lý hiện nay khá nhạy cảm, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước thời kỳ mới. Với giải pháp Bộ trưởng đưa ra, tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới đây, hoạt động quản lý đất đai của chúng ta sẽ đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm.


Đại biểu Trần Văn Mão, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, một số câu hỏi chưa đi thẳng vào vấn đề và phía trả lời của Bộ trưởng còn chung chung, cần rút kinh nghiệm. Cần phải có sự chuẩn bị và sự tương tác từ hai phía mới bảo đảm được yêu cầu trong câu hỏi đặt ra và người trả lời nắm bắt được vấn đề cử tri đang quan tâm, để giải trình các vấn đề đặt ra.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Bộ trưởng Bộ TNMT đã trả lời khá gọn, rõ, đúng nội dung câu hỏi của đại biểu. Với phương thức đại biểu hỏi trong một phút, Bộ trưởng trả lời trong ba phút và theo nhóm ba đại biểu một lần thì cho phép Bộ trưởng có những vấn đề có thể trả lời chung một chút nhưng cơ bản Bộ trưởng cũng cơ bản trả lời vào trọng tâm câu hỏi.

Với cố gắng của Bộ trưởng Bộ TNMT khi trả lời chất vấn thì tôi khá hài lòng. Cách trả lời đã khá tập trung vào câu hỏi của đại biểu. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TNMT ít có tranh luận, chứng tỏ các đại biểu cũng hài lòng nên ít tranh luận. Với câu hỏi của tôi, Bộ trưởng cũng trả lời đúng nội dung chính. Nhưng câu hỏi của tôi chú trọng về giải pháp thì các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra thì chưa thật cụ thể, có thể là do dung lượng thời gian có hạn. Vì thế, tôi hy vọng sau khi có Nghị quyết chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng sẽ phải quyết liệt triển khai, tập trung các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai cũng như bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An:

Chính sách về đất đai cần tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh thì mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đưa giá trị đất đúng với yêu cầu của phát triển, sát với thị trường hiện nay. Còn hiện nay, bảng giá đất nhà nước đưa ra quá vênh so với giá thị trường, đó là lý do mà các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm 75%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai..

Tôi cũng quan tâm đến vấn đề môi trường. Lâu nay chúng ta có nhiều vấn đề quanh lĩnh vực này, ô nhiễm bắt đầu từ nguồn nước, từ các dự án có liên quan đến môi trường thì chúng ta chưa quản lý tốt trong đầu vào. Liên quan quy hoạch nông thôn, xử lý rác thải ra sao là những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, nên phải có phương pháp tốt để quản lý.

Tôi đồng ý với những giải pháp bảo vệ môi trường mà Bộ trưởng Bộ TNMT đưa ra trong phần trả lời chất vấn. Nhưng tôi cũng cho rằng, cần tập trung rà soát lại tất cả các hiện trạng liên quan đến môi trường, từ đó có biện pháp khoanh vùng để xử lý. Cùng với đó phải kiểm soát tốt trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Chúng ta rất cần các dự án đầu tư nhưng phải lựa chọn những dự án có công nghệ tốt, tránh tình trạng đưa về các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, như vậy là phát triển không bền vững, mà Formosa là bài học xương máu.

Tôi cũng cho rằng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Cần có các phương tiện, công cụ để chúng ta kiểm soát môi trường, đặc biệt là thái độ của các cơ quan quản lý. Đó là vấn đề lâu nay nhân dân rất bức xúc. Nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đến rồi đi, không phát hiện thấy sai phạm.

 

Theo Nhóm Phóng viên/Nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Quyết tâm đạt tăng trưởng 7% dù thách thức hơn do siêu bão

    Các kịch bản tăng trưởng cao, nhiều khả năng đạt, thậm chí vượt ngưỡng trên của mục tiêu GDP năm 2024 tăng từ 6-6,5% được các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước dự đoán. Những mất mát, thiệt hại do siêu bão Yagi là một tham số cần phải tính đến, song Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm khoảng 7%.

    14:22 | 17/09/2024
  • Bài 1: Hoàn thiện “thể chế xanh”

    (Xây dựng) - Sau khi Việt Nam phê duyệt Chiến lược phát triển xanh và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết “Net Zero” tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP 26), Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để cụ thể hóa lộ trình xanh.

    10:53 | 17/09/2024
  • Tìm hướng đi cho ngành sản xuất mía đường

    (Xây dựng) – Gần 200 đại biểu đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Cộng hòa Fiji, Philipipines, Mỹ, Việt Nam đã hội tụ về Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn (Bình Định) tham dự "Hội nghị ngành đường quốc tế IAPSIT lần thứ 8 và Sugarcon 2024" diễn ra từ ngày 16 – 19/9.

    10:10 | 17/09/2024
  • Phú Yên ưu tiên phát triển các ngành Công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển

    (Xây dựng) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    09:29 | 17/09/2024
  • Bến Tre: Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển

    (Xây dựng) - Bến Tre đã có những bước tiến nổi bật trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, nhờ vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh theo hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Các lĩnh vực như nuôi tôm, chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo và du lịch đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong những tháng đầu năm 2024.

    09:05 | 17/09/2024
  • Đề xuất tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ

    (Xây dựng) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

    08:56 | 17/09/2024
  • Yên Thế (Bắc Giang): Tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

    (Xây dựng) – UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) vừa ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; quyết toán dự án hoàn thành.

    22:41 | 16/09/2024
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký Quyết định số 3797/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, có hiệu lực từ ngày 13/9/2024.

    16:25 | 16/09/2024
  • Áp lực của các thương hiệu lớn khi giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng cao

    (Xây dựng) - Theo báo cáo mới được công bố của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ ước đạt 3.199,7 nghìn tỷ VNĐ, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng nổi bật được ghi nhận tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

    14:31 | 16/09/2024
  • Vĩnh Phúc cần làm gì để lấy lại “vị thế” là tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp?

    (Xây dựng) - Vĩnh Phúc từng được biết đến là “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nhiều lợi thế trong giai đoạn trước đây của Vĩnh Phúc hiện bị thu hẹp trong bối cảnh các địa phương trong vùng và lân cận có điều kiện phát triển tương đồng vươn lên mạnh mẽ, từ đó đặt ra những thách thức mới cho tỉnh. Vì vậy, Vĩnh Phúc cần có chính sách, giải pháp cụ thể để phát triển bền vững các khu công nghiệp (KCN) trong giai đoạn mới.

    14:27 | 16/09/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load