Thứ tư 24/04/2024 03:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Từ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Cảnh báo mất an toàn tại các chung cư, tập thể cũ

14:22 | 27/02/2023

(Xây dựng) – Tại Hà Nội, tất cả các công trình chung cư, khu nhà ở đều phải được thiết kế kháng chấn, chống chịu động đất. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, nếu có động đất xảy ra, nguy cơ mất an toàn có thể xảy đến với hệ thống nhà chung cư, khu tập thể cũ.

Từ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Cảnh báo mất an toàn tại các chung cư, tập thể cũ
Hiện nhiều chung cư cũ đã quá niên hạn sử dụng, xuống cấp nên khi xảy ra động đất nguy cơ thiếu an toàn rất cao.

Tại Thành phố Hà Nội, ghi nhận nhiều tòa nhà chung cư, khu tập thể cũ, trong đó có nhiều chung cư cũ được xây dựng trong giai đoạn từ thập kỷ 60, thậm chí có một số khu nhà xây từ năm 1955. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều chung cư, khu tập thể cũ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có đến 1.579 chung cư cũ, trong đó nhiều chung cư đã xuống cấp trầm trọng. Đáng chú ý, có 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D - phải phá dỡ để xây dựng lại như: Nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ; G6A Khu tập thể Thành Công; Khu tập thể Bộ Tư pháp (Kim Mã Thượng, Ba Đình)…

Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ cũng đã đẩy mạnh, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, thẩm định, đánh giá, phân loại nhà chung cư… Tuy vậy, vì nhiều lý do, các dự án cải tạo, xây mới nhà chung cư, khu tập thể đều có tiến độ ỳ ạch.

Theo các chuyên gia nhận định, Việt Nam không phải là quốc gia hứng chịu nhiều tác động từ những trận động đất như Nhật Bản, Indonesia, tuy nhiên, tại Hà Nội, cũng đã từng ghi nhận sự rung lắc bởi dư chấn từ các trận động đất ở Điện Biên, Lào, Trung Quốc… Vì thế, người dân Thủ đô, đặc biệt là người dân sống tại các khu chung cư, tập thể cũ xuống cấp không khỏi hoang mang, lo lắng về vấn đề an toàn sinh mạng khi có động đất xảy ra.

Tìm hiểu được biết, trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam có các hệ thống đứt gãy hoạt động và được gọi theo tên các con sông lớn như sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, sông Đà, sông Cả. Cũng theo nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285.

Về vấn đề này, TS. Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Viện chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng - Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng IBST (Bộ Xây dựng) cho biết: Từ rất sớm, Bộ Xây dựng đã quan tâm đến tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình chịu động đất. Cụ thể, lần đầu tiên những số liệu về động đất của Viện Vật lý địa cầu được Bộ Xây dựng đưa vào QCXDVN:1997, sau đó là TCXDVN 375:2006, QCVN 02:2009/BXD Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, và TCVN 9386:2012 thiết kế công trình chịu động đất. Mới đây, QCVN 02:2022/BXD về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng cũng đã được ban hành trên cơ sở soát xét QCVN 02:2009/BXD. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định số liệu điều kiện tự nhiên áp dụng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam. Khi thiết kế công trình chịu động đất, đỉnh gia tốc nền tham chiếu tại địa điểm xây dựng được xác định bằng một trong hai cách sau: Theo bảng phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu theo địa danh hành chính hoặc khi cần chính xác hơn theo Bản đồ phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 (được lưu trữ tại Viện Vật lý địa cầu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Cũng theo tiêu chuẩn TCVN 9386:2012 thì các công trình chung cư tại Hà Nội bắt buộc phải được thiết kế chống chịu động đất. Về mặt luật pháp, đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định.

Đối với những công trình được xây dựng mới hiện nay thì có thể yên tâm về khả năng chống chịu động đất, nhưng lo lắng lớn nhất là các tòa nhà thấp tầng, các khu chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Do đó, nếu động đất xảy ra, nhiều người dân lo sợ liệu có hay không khả năng sụp đổ hàng loạt chung cư cũ.

Từ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Cảnh báo mất an toàn tại các chung cư, tập thể cũ
Hầu hết các chung cư này đều đã có tuổi thọ lâu đời, phần lớn quá trình sử dụng có qua nhiều đời chủ sở hữu nên rơi vào cảnh cơi nới chuồng cọp, lấn chiếm không gian, diện tích sử dụng chung…

Thực tế quan sát, tìm hiểu tại chung cư, khu tập thể cũ ở Hà Nội nhận thấy, hầu hết các công trình này đều được xây dựng từ những năm 1970, 1980 với kết cấu lắp ghép tấm lớn, chiều cao trung bình 4-5 tầng. Sau 30, 40 năm sử dụng, hầu hết đều đã xuống cấp, hư hỏng, có tình trạng sụt lún, nứt tường, các đơn nguyên bị tách ra (như ở Khu tập thể Thành Công). Trong quá trình sử dụng, người dân còn chất tải thêm bình dữ trự nước 1-2m3, cơi nới chuồng cọp…hoặc cải tạo, thay đổi so với thiết kế ban đầu, phá bỏ tường ngăn tầng một để kinh doanh. Do đó, nguy cơ sập, đổ là rất cao nếu có xảy ra động đất hoặc tác động của gió bão cấp nguy hiểm. Ngoài động đất, mưa, bão, ngập úng nền đất, đất ngâm nước lâu ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến địa chất đất nền, gây lún, lệch cũng có thể dẫn đến sụp đổ. Vì vậy, rủi ro an toàn công trình là có, nhưng ở mỗi chung cư, khu tập thể cũ sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, cần được khảo sát và nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng.

Cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương cần khẩn trương kiểm định, đánh giá chất lượng các công trình, sớm có phương án di dời (đối với những khu tập thể, chung cư ở mức độ nguy hiểm), đẩy nhanh công tác cải tạo, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Nỗ lực thu gom rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long

    (Xây dựng) – Do nhiều nguyên nhân, từ năm 2023 đến nay, tình trạng rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan khu vực vịnh di sản và trải nghiệm cảm xúc của du khách. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng này, đến thời điểm hiện tại, lượng rác thải trên vịnh Hạ Long cơ bản đã được thu gom, xử lý.

  • Hà Nội: Tổ chức 6 điểm bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Cụ thể, Thành phố sẽ triển khai tại 6 điểm với 7 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Chấm dứt hợp đồng với Thuận An nếu tiếp tục chậm trễ 2 gói thầu

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An), liên danh nhà thầu tư vấn giám sát tại gói thầu XL-05, XL-06 thuộc dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

  • Đắk Lắk: Nỗi “ám ảnh” đường vào Cư San

    (Xây dựng) - Tuyến đường liên xã Ea Trang - Cư San, (huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk), đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, mất an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho người dân và các phương tiện.

  • Đắk Lắk: Thiếu vốn, chủ đầu tư xin tạm dừng thi công Tỉnh lộ ngàn tỷ

    (Xây dựng) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng thi công dự án Cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky thành phố Buôn Ma Thuột đến Km49+00 cho đến khi dự án được bố trí vốn.

  • Quảng Nam: Bí thư Thành ủy Tam Kỳ giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh

    (Xây dựng) – Ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy thành phố Tam Kỳ được HĐND tỉnh Quảng Nam bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load