(Xây dựng) - Phát triển đô thị phải gắn liền với việc cuộc sống của người dân được cải thiện hơn. Không một quốc gia nào khi đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao mà không phải trải qua quá trình đô thị hóa. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không có một tầm nhìn sâu rộng, dài hạn, chúng ta sẽ phải trả giá đắt.
Người ta đã tính được mỗi năm toàn cầu tiêu thụ tới 40% vật liệu (các loại) khai thác trực tiếp từ tự nhiên để xây dựng các công trình (đường giao thông, nhà máy, nhà cửa, cầu cống…). Các công trình xây dựng ấy lại tiêu thụ từ 36 - 45% nguồn năng lượng của mỗi quốc gia. Chỉ riêng nước cho hoạt động xây dựng trên toàn cầu đã chiếm 1/6 nguồn cung cấp nước sạch.
Trong đó, các TP phát triển quá mức, tiêu thụ một lượng hàng hoá khổng lồ: Năng lượng, lương thực thực phẩm và nước… Rồi các TP lại đưa các loại rác, nước thải, khí ô nhiễm ra bên ngoài TP. Cả hai quá trình này đều phá vỡ sự cân bằng sinh thái - từ khu vực đô thị đến mức độ quốc gia và toàn cầu. Thế nên, người ta chống sự ra đời những TP siêu lớn do nó không đủ khả năng xử lý các loại rác thải làm ô nhiễm dòng chảy nước mặt, nước ngầm, ven biển…
Sự phát triển đó đã “góp phần” làm nhiệt độ trái đất khắc nghiệt hơn - thế là dẫn tới việc phải làm mát hoặc sưởi ấm các TP, như vậy, chi cho năng lượng lại cao hơn - hậu quả lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra.
Tại Việt Nam, hơn 20 năm qua chúng ta có thêm hơn 200 đô thị mới ở các quy mô, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người theo đó cũng giảm, mỗi năm giảm 5m2/người… Thế nhưng, dường như sự gia tăng này chưa có một tỷ lệ tương xứng về chất lượng sống tại các đô thị. Tất cả đô thị từ loại IV trở lên đều có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt nhưng quy hoạch chi tiết chưa phủ kín được các đô thị. Tỷ lệ trung bình trong cả nước mới có quy hoạch chi tiết khoảng 45%, không đồng đều giữa các đô thị và vùng, miền nên ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực phát triển, khai thác nguồn lực đất đai chưa hiệu quả.
Thêm nữa, do nguồn lực có hạn, nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị không theo kịp, mất cân đối với các yêu cầu của sự phát triển đô thị. Nước sạch thất thoát lớn, úng ngập, nhiều đô thị lớn không được bảo vệ với triều cường, với mưa lũ. Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng gây lãng phí và phiền hà nhiều cho người cần lưu thông trong đô thị.
Không những thế, sự tăng trưởng xây dựng đang huỷ hoại nguồn tài nguyên. Đến năm 2020 chúng ta sẽ tiêu thụ khoảng 405 triệu tấn vật liệu xây dựng các loại. Hàng vạn héc-ta đất trồng lúa đang bị khai thác không thương tiếc để sản xuất gạch ngói, đất sét nung. Rất nhiều núi đã bị khai thác nham nhở.
Rõ ràng, tương lai của TP dựa trên những hành động của chúng ta hôm nay, để TP phát triển bền vững cần phải kiểm soát phát triển phù hợp với điều kiện bản thân và hài hòa với khu vực lân cận, phát huy nội lực thành phố với việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tạo ra những bước chân sinh thái nhỏ nhất, giảm thiểu lượng ô nhiễm môi trường thấp nhất, sử dụng hiệu quả đất, thận trọng trong việc sử dụng vật liệu xây dựng, tái sử dụng vật liệu hoặc chuyển hóa chất thải thành năng lượng tái tạo.
Sự tiêu dùng vô độ không chỉ sẽ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, mà sự tiêu thụ ấy còn gây ô nhiễm môi trường sống. Sự thái quá này, nói hình ảnh, con người “càng xài sang càng tự đầu độc mình”.
Ngọc Lý
Theo