(Xây dựng) - Cách đây chưa lâu, vào dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, cầu Nhật Tân được khánh thành, nối con đường từ trung tâm Hà Nội, qua đại lộ Võ Nguyên Giáp, tới nhà ga T2 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trở thành một sự kiện lớn trong năm của đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô khi ấy. Trong khi các nhà thiết kế và những người thi công thì tự hào công bố rằng đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam, cũng là một trong số 3 cây cầu có 5 nhịp dây văng liên tục trên thế giới; còn các nhà quy hoạch và chuyên gia kinh tế thì đánh giá cầu Nhật Tân, cùng với cụm công trình giao thông liên hoàn này, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, khi mà từ nay thời gian đi từ trung tâm Hà Nội đến Sân bay Nội Bài giảm chỉ còn gần một nửa so với trước kia…; thì lại cũng có người trầm ngâm đứng trên cây cầu ấy nhìn về quá khứ với những hồi ức xa xăm, lòng văng vẳng một tứ thơ: “Qua sông thì phải lụy… cầu/ Yêu nhau cũng phải lụy nhau em à!…”. Chẳng biết từ khi nào mà cái câu thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” có từ thời manh nha của văn chương kia lại biến thành “Qua sông thì phải lụy cầu” nhỉ? Có lẽ là từ khi người ta nhận thấy sức vươn của người, của đời được nhân lên rất nhanh, rất nhiều từ những cây cầu…
***
“…Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…”. Câu hát ầu ơ ấy xuất xứ từ Nam bộ, nhưng hình như cho đến giờ nhiều người Việt nói chung đều cảm nhận được cái âm hưởng da diết thân thương của nó qua những kỷ niệm đã ăn sâu vào ký ức. Ấy là những cây cầu khỉ mong manh run rẩy đã trở thành đặc trưng thân thuộc trong đời sống của người dân vùng sông nước Cửu Long, là những nhịp cầu tre mềm mại như một cánh tay cong vút, vươn dài nối những bờ mương, con lạch của vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ, hay những thân cổ thụ ngả mình thành chiếc cầu độc mộc vắt giữa hai bờ suối cồn cào mùa lũ vùng cao, mà qua bao tháng năm, rễ vẫn bám chặt vào lòng đất, chồi vẫn bật lên sau mỗi bước chân… Thậm chí có khi chỉ là đôi sợi dây mây bện vào nhau đung đưa trong gió, nửa như mời gọi, nửa lại như thách thức… Nhưng dẫu có là gì đi chăng nữa, thì chiếc cầu, dù là mảnh mai lắc lẻo, dù là dầu dãi gió sương, hay chỉ thảng thốt theo mùa theo tháng, thì cũng là cái sinh ra để làm trọn sứ mệnh nhân ái nối lại đôi bờ, nối lại con đường, nối lại lòng người… Để rồi đến một ngày cây cầu bỗng nhiên trở thành niềm ký thác thay cho những con đò côi cút, trở thành niềm thân thiết, thành máu thịt của tâm hồn.
***
“… Nhĩ Hà, tây chuyển sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này…”
Câu thơ có tính “định vị” cho Hà Nội từ thời xa xưa ấy đã phần nào nói đến cái vị thế “cận giang” của một Thủ đô ngàn tuổi hôm nay. Và trong ký ức của không ít người, vẫn chưa xa một Hà Nội cách đây hơn thế kỷ, khi ấy mới chỉ vẻn vẹn là một thành phố khiêm cung nằm ven sông Hồng với vài vạn dân sinh sống. Khi ấy cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên, và cũng là duy nhất bắc ngang sông, người đi bộ, xe đạp, ôtô, và cả tàu hỏa nữa, cùng đi chung một đường. Vậy mà cũng vẫn đủ, vậy mà cũng vẫn vắng hoe…
Vắt mình qua ba thế kỷ, cho đến hôm nay, cầu Long Biên không chỉ còn là một phương tiện đi lại thong dong thư thái cho những người ưa trầm mặc, cũng không chỉ còn là kỷ niệm ưu tư, da diết của những công dân Thủ đô dù gần hay xa; mà hơn thế nữa, trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, sông Hồng giờ đã nằm gọn trong lòng một Hà Nội lộng lẫy và phương trưởng, và đã có cả thảy 7 cây cầu quy mô lớn bắc qua sông Hồng được xây dựng, sửa chữa, cải tạo tính đến hôm nay: Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân; trong đó Nhật Tân là cây cầu “trẻ” nhất, được coi là biểu tượng mới của Thủ đô, với 5 nhịp tháp cao vút vẽ lên nền trời, tượng trưng cho 5 cửa ô tưng bừng của Hà Nội thuở nào. Đến lúc này, chỉ còn cầu Long Biên là cây cầu thực sự trở thành một chứng nhân bền bỉ và ngạo nghễ của lịch sử. Từ Long Biên đến Nhật Tân, những cây cầu lần lượt nối liền hai bờ sông Hồng, nối liền lịch sử hôm qua và hôm nay, đã tạo ra cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này những dáng vẻ vừa bề thế lại vừa thâm trầm, vừa vững chãi lại vừa đặc sắc, bìu díu lòng người…
***
Một ngày vẫn còn gọi là Đông, có dịp lang thang ven con sông Hồng chảy qua Hà Nội, qua vùng Nhật Tân - Quảng Bá, chợt giật mình trước một sắc đào nhỏ nhoi côi cút chơ vơ giữa chợ hoa vẫn còn đương độ hắt hiu. Cũng như hoa Mai của đất phương Nam, hoa Đào từ bao đời nay vẫn được xem như cánh thiếp báo tin Xuân xứ Bắc. Cái màu hồng thiếp cưới ấy cứ mỗi độ Xuân về lại như đốm lửa xua đi giá rét của một mùa Đông vừa tàn tạ, cũng lại như tiếng chuông hối hả giục lòng người về nhịp bước của thời gian đang cạn dần theo gió. Thế là Tết đã cận kề. Thế là lo toan tất bật. Thế là hội ngộ đoàn viên… Tất cả cứ như khuôn lại trong một tiết giao mùa…
Ấy vậy mà hôm nay nhìn những cánh đào nở sớm kia sao bỗng thấy lòng lạ lắm. Phải chăng là nhịp sống nhẩn nha tự tại ở đất Hà Thành này ngày nào giờ đã đổi thay đến mức có thể dửng dưng với cả một cánh đào? Hình như không phải. Ở cái tuổi này, ký ức vẫn đủ sức để kéo những hối hả quay cuồng của cuộc sống đô thị trở về bâng khuâng dịu nhẹ trước một sắc đào, trong một buổi chiều Quý Đông như thế. Chỉ có điều hoa thì vẫn đó mà bên hoa đã bao nhiêu vật đổi sao dời…
Để rồi lại thấy nhớ năm nào…
Thời ấy, những ngày cuối năm, cũng là hối hả, cũng là tất bật, nhưng xét cho cùng, cũng chỉ là để lo cho mấy bữa ăn ngày Tết thêm tươm tất, đủ đầy… Quất, đào vì vậy mà cũng hóa khiêm nhường. Khiêm nhường đến thành tinh tế. Nhật Tân, Quảng Bá khi ấy vẫn đương là làng. Người ta đem hoa về phố, chứ ít người rời phố tìm hoa…
***
Rồi đến khi cuộc sống đã đủ đầy, bữa cơm không còn là điều lo lắng mỗi ngày trong mỗi gia đình, thì cái tất bật, vội vã của đời sống hình như lại trải đều suốt năm, đặc biệt là những ngày giáp Tết, là lúc người ta bắt đầu gói ghém lại mọi thứ, để rồi Tết đến, chỉ nháo nhào một buổi là đâu vào đấy. Cái Tết bắt đầu mất dần đi sự náo nức mong chờ, thậm chí có người còn thấy ngại, khi nhịp thời gian bỗng thành áp lực. Nhưng lại cũng có những người cảm thấy thiêu thiếu, thấy bâng khuâng trong một niềm hoài cổ mỗi độ Xuân về.
Mà bâng khuâng cũng phải. Sự phát triển kinh tế quá “nóng” sau một thời gian dài thiếu thốn đói khổ đã kích thích và dung dưỡng nhu cầu vật chất mà bỏ quên những nhu cầu về đời sống tinh thần của con người. Đời sống vật chất thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại, tiện nghi hơn, nhưng đời sống văn hóa tinh thần thì như bị đẩy lùi vào quá vãng, từ những ứng xử trong gia đình ra xã hội, từ lối sống đến giá trị đạo đức… đã khiến cho cả mùa Xuân như cũng phải gồng mình lên mà làm dịch vụ. Đến độ này, nhiều thú chơi bắt đầu được quan tâm trở lại, trong đó có cả cái thú tao nhã là thưởng hoa. Nói thưởng hoa không phải là mua hoa về ngắm, mà rõ là “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” - (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhật Tân, Quảng Bá trở thành điểm đến nô nức của nhiều người…
Bẵng đi một độ, rồi cũng đến ngày cả một làng hoa nổi tiếng đất Hà Thành khi xưa trở thành hoài niệm. Nơi vườn đào Nhật Tân xưa rồi cũng mọc lên một khu đô thị mới với những ngôi nhà, những khu phố dần từ chen chân đến thay thế hẳn những gốc hoa cổ kính, đưa những khu vườn dịch ra tận bãi sông… Đặc biệt cho đến khi cầu Nhật Tân, cây cầu thế kỷ mọc lên thì dấu tích một thuở đào hoa đã mãi thành quá vãng. Thế nhưng đối với người Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn luôn là nỗi nhớ tràn đầy ký ức mỗi khi Tết đến Xuân về… Nhìn những cánh hoa mỏng tang le lói như một hơi thở dài trong nhàn nhạt nắng, tôi chợt nhớ lại hình ảnh một cụ già tuổi đã ngoại 80, song vẫn cứ nhất quyết bắt đứa cháu đưa lên tận cầu Nhật Tân trong ngày khánh thành, cũng vào dịp những ngày đầu Xuân năm ấy, để được tận mắt ngắm cây cầu vươn mình ngạo nghễ giữa trời mây sông nước như một dải lụa vắt ngang sông Hồng, với những cột trụ như biểu tượng của một sức vóc đang lớn dậy từng ngày vừa vẽ lên những nét lộng lẫy và phóng khoáng giữa trời xanh...
***
Lang thang giữa thành phố đầy những kỷ niệm nhưng lại rất trẻ trung hồ hởi trong một tâm thế vừa lạ vừa quen, như một người vắng xa lâu ngày trở về, để vừa ngạc nhiên lại vừa gần gũi, để vừa thân thuộc lại vừa không khỏi ngỡ ngàng trước bao điều đã biết, bao điều chưa biết cùng bao điều vừa chợt đến... Và rồi chỉ những cánh hoa đào mỏng tang, tinh khiết là mở lòng rạng rỡ đón mình như một người bạn cũ, bền bỉ, thủy chung. Vâng, hoa đào sẽ mãi mãi gắn bó đến tận cùng với đất đai, sông núi, với mùa Xuân trên mảnh đất này, vì theo như cách nói của một người bạn; Đũa cong không ăn được, bụng cong không ở được... Mà lòng hoa thì bao giờ cũng vậy, dẫu muôn đời vẫn thơm thảo, chân thành...
Và đoạn kết của tứ thơ trên cầu Nhật Tân ngày ấy:
“…Bây giờ đâu cũng là đây
Trăm năm phải lụy một ngày đó em”…
Cũng như câu chuyện của tình yêu, chuyện về những cây cầu là chuyện của trăm năm. Chuyện từ ngày xưa, kể lại hôm nay để nhìn tới mai sau. Trước cuộc đời, những cây cầu cứ thế, như những nét vẽ khoáng đạt và cả quyết vào trời mây sông nước, khoáng đạt và cả quyết vào tương lai…
Lương Ngọc An
Theo