Kể từ sau khi có em bé thứ hai, Nguyên Thành (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) nói rằng căn hộ của gia đình anh không bao giờ có thể gọn gàng quá một ngày.
Buổi sáng sau khi gửi các con đến trường, Thành và vợ, những người làm công việc 8 tiếng/ngày, cũng phải đến văn phòng. Tan làm vào cuối giờ chiều, cặp vợ chồng chia ra người đón các con, người đi chợ, nấu cơm tối.
Những công việc như tắm rửa, ăn uống, hướng dẫn con học bài... có thể kéo dài đến 21-22h. Chỉ khi hai con lên giường đi ngủ, cặp đôi mới có thời gian nhìn lại đống quần áo, chén bát bẩn và cả căn nhà toàn đồ chơi cùng những thứ linh tinh khác.
"Đó là thời điểm năng lượng đã chạm đáy, không ai còn muốn đụng tay vào bất kỳ công việc gì", Thành nói với Zing.
Giống như nhiều cặp vợ chồng khác, gia đình Thành cảm thấy công việc dọn dẹp mệt mỏi hơn rất nhiều, sau khi sinh con thứ hai. |
Nhiều cặp vợ chồng, nhất là những người đã có 1-2 con, không thể phủ nhận rằng trẻ em và sự lộn xộn thường đi đôi với nhau.
Đồ chơi vứt lung tung khắp căn phòng, dấu vân tay dính đầy trên đồ nội thất, những đôi tất nhét vội mỗi chiếc một nơi sau ghế sofa... Mọi trò chơi sáng tạo của trẻ nhỏ đều có thể khiến căn nhà trở thành "bãi chiến trường".
Các bậc cha mẹ gần như chỉ có hai sự lựa chọn: tiếp tục gây áp lực cho chính mình và bạn đời để giữ cho ngôi nhà luôn sạch sẽ, hoặc thay đổi kỳ vọng về những gì họ từng cho là "ngăn nắp".
Đồ trẻ con ở khắp nơi
Từ khi sinh con trai đầu lòng, phòng ngủ của vợ chồng Kim Oanh (25 tuổi, ngụ ở Quốc Oai, Hà Nội) lỉnh kỉnh nhiều đồ dùng của trẻ sơ sinh. Để tiện chăm sóc con nhỏ, những thứ như bỉm, sữa, quần áo lúc nào cũng phải có sẵn và được Oanh đặt ở những vị trí dễ thấy, dễ lấy nhất.
“Có thể nói, đồ đạc của bố mẹ bị gạt sang một bên, nhường chỗ cho đồ của con”, Oanh kể.
Có kinh nghiệm chăm cháu từ trước, bà mẹ 25 tuổi đã chuẩn bị sẵn tâm lý đồ đạc của con là chủ yếu.
Kim Oanh luôn để bỉm, sữa, quần cho con ở các vị trí dễ lấy nhất để không mất công tìm. |
“Chồng mình trước kia không có thói quen cất đồ đạc gọn gàng, trong khi mình là người khó tính trong việc dọn dẹp. Từ khi về sống chung, anh dần thay đổi sau khi mình góp ý nhiều lần. Đến lúc con chào đời, cả hai tự ý thức với nhau phải giữ sạch sẽ, cất mọi thứ đúng chỗ, tránh mất thời gian tìm kiếm”, cô cho biết.
Hai vợ chồng ở riêng, các phần việc được chia cho mỗi người. Trong lúc vợ chơi với con, chồng sẽ là người dọn dẹp hoặc ngược lại.
“Có những lúc không dọn được luôn, mình để gọn bỉm, rác ở góc giường. Điều quan trọng là không vứt lung tung, cứ xong đến đâu là phải dọn luôn đến đấy”. Trung bình, người mẹ mất 1-2 lần dọn dẹp mỗi ngày, vào sáng sớm và vào buổi tối, sau khi con chơi xong.
Sau khi con tròn một tuổi, Oanh quyết định chuyển bớt đồ ra ngoài phòng khách, để có chỗ cho em bé thoải mái đi, chơi trong phòng ngủ mà không động vào đồ đạc.
Ngoài ra, Oanh cho hay tâm lý của mẹ bỉm sữa là thấy có đồ chơi gì hay là lại muốn mua thêm cho con, do đó nhà cửa càng dễ có nhiều đồ linh tinh hơn. Song, với cô, đây không phải là vấn đề bởi người mẹ nào cũng sẵn sàng sắm sửa cho bé những thứ tốt nhất.
Nghiên cứu do Home Renaissance Foundation thực hiện cùng Đại học Bath và Đại học Internacional de Catalunya cho thấy các cặp vợ chồng càng có thái độ tích cực với công việc nhà thì có mức độ hài lòng cuộc sống, công việc càng cao.
Tuy vậy, đánh giá mức độ thú vị của công việc nhà trên thang điểm từ 1 đến 10, đàn ông cho điểm cao nhất (5,81) khi họ ở độ tuổi 36-50. Còn với phụ nữ, sau 36 tuổi, sự hứng thú bắt đầu giảm dần.
Những quan niệm sai lầm về bản năng làm mẹ đặt hết trách nhiệm liên quan đến con cái, việc nhà lên người phụ nữ. Do đó, nữ giới cũng phải chịu áp lực lớn hơn trong việc giữ gìn nhà cửa gọn gàng.
Trong cuốn sách Invisible Women: Data Bias in a World Designed for Men (Phụ nữ vô hình: Bất bình đẳng từ khoảng trống dữ liệu), tác giả Caroline Criado-Perez chỉ ra rằng trên thế giới, 75% công việc không được trả lương vẫn do phụ nữ đảm nhận. Nữ giới dành 3-6 tiếng/ngày cho công việc nhà, so với 30 phút đến 2 tiếng/ngày của nam giới.
Nhà trị liệu KC Davis, tác giả cuốn How To Keep House While Drowning, nói: “Mọi phụ nữ mà tôi biết đều nhận thức sâu sắc rằng nếu ai đó định phán xét về căn nhà của bạn, đối tượng đầu tiên bị đổ lỗi là người mẹ, bất kể sự hiện diện của người cha hay những đứa con trưởng thành trong ngôi nhà đó”.
Thói quen đảo lộn
Vợ chồng Thanh Tâm (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đã chuyển từ căn hộ 58 m2 sang ngôi nhà 70 m2 kể từ khi sinh con thứ 2.
Tuy nhiên, diện tích nhà ở lớn cũng đồng nghĩa với việc phải dành nhiều thời gian dọn dẹp hơn. "Tôi cảm giác nhà rộng, con có nhiều không gian chạy nhảy, chơi đùa và càng bày bừa đồ chơi hơn", Thanh Tâm chia sẻ.
Vì đi làm 5-6 ngày/tuần, cặp vợ chồng không có quá nhiều thời gian sắp xếp lại nhà cửa. Khoảng một năm trở lại đây, gia đình này đã phải thuê người dọn dẹp mỗi tháng một lần.
"Dù từng là một người xem chuyện rửa bát, quét nhà, gấp quần áo... là cách xả stress, khi đồ bẩn cứ chất đống lên, tôi không còn xem việc dọn dẹp là chuyện vui vẻ nữa, mà chỉ thấy áp lực", Tâm nói.
Công việc dọn dẹp nhà cửa vào mỗi tối khiến vợ chồng Tâm mệt mỏi. |
Gia đình 3 người của Khánh Vũ (25 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sinh hoạt chủ yếu trong phòng ngủ rộng khoảng 25 m2. Khi còn ở một mình, Vũ thấy diện tích này vẫn còn rộng rãi, phù hợp cho mọi nhu cầu sinh hoạt lẫn sắp xếp đồ đạc. Bản thân anh sống khá tối giản, phòng chủ yếu là những đồ nội thất cơ bản.
Đến khi kết hôn, không gian sống chia sẻ thêm với một người, cặp vợ chồng vẫn có thể sắp xếp tốt mà không thấy quá chật chội. Nhưng từ lúc em bé chào đời, anh dọn dẹp lại đồ đạc cá nhân để tăng chỗ để đồ cho con.
Cũi nằm, máy tiệt trùng, phích nước, bình sữa, giá để bỉm, thuốc, máy lọc không khí chiếm đáng kể không gian phòng. Khu vực nấu đồ ăn dặm cho con ở cùng tầng cũng ngổn ngang đồ ăn, nồi nấu cháo, máy xay.
Vốn là người ưa sạch sẽ, Khánh cho hay việc chăm con nhỏ làm đảo lộn hoàn toàn thói quen giữ phòng ốc ngăn nắp của mình. Việc cất, lấy đồ đạc của vợ chồng trở nên bất tiện hơn.
“Nếu trước kia, ai dùng đồ gì không để lại vào chỗ cũ là dễ khiến mình bực bội rồi, thì từ khi có con, mình buộc phải nới giới hạn chịu đựng ra. Đôi khi, vợ chồng dễ cãi nhau vì đi làm về ai nấy đều mệt, nhìn nhà cửa bừa rất khó chịu.
Giờ, mình quyết định cố dọn được thì dọn, chủ yếu là hút bụi, cất đồ vào đúng chỗ của nó, còn không ‘khuất mắt trông coi’ vì riêng việc trông con đã tốn hết thời gian và bản thân cũng không còn sức”.
Trong đó, việc dọn dẹp sau khi nấu bữa cho con là công đoạn dễ khiến anh oải nhất.
“Do không có thời gian, thường mình phải để đến đêm hay sáng hôm sau mới rửa, khi đó vừa oải vừa mệt. Giờ, mình và vợ điều chỉnh lại thời gian nếu để có thể rửa luôn vào buổi trưa. Cả hai cũng chọn khi nào bận quá, không nấu được thì cho con ăn cháo tươi”, anh kể.
Ngoài ra, để tiết kiệm không gian, những gì đồ đạc không dùng đến một là thanh lý, hai là bỏ đi. “Tính mình không thích tích trữ, để nhà cửa toàn rác. Sắp tới, mình tính mua thêm quây cho con chơi dưới sàn nên chắc chắn phải vứt bớt đồ không cần thiết”.
Dù thừa nhận việc khó giữ nhà cửa sạch sẽ theo ý muốn khiến anh ít nhiều thấy khó chịu, Khánh cho hay khi thích nghi dần dần, tinh thần cũng nhẹ nhõm hơn.
“Chăm sóc con nhỏ vốn vất vả, lại còn mải để ý những thứ lặt vặt khác nữa thì càng áp lực, dễ stress. Hai vợ chồng thống nhất san sẻ mọi thứ, nhưng cái gì bỏ qua được thì bỏ qua, để cuộc sống đơn giản hơn”.
Thay đổi kỳ vọng
Một nghiên cứu vào tháng 5/2019 từ Tạp chí Phương pháp & Nghiên cứu Xã hội học chỉ ra một trong những yếu tố xã hội đánh giá phụ nữ là dựa trên sự sạch sẽ trong không gian sống của họ.
Ngoài ra, những hình ảnh bà mẹ ăn mặc tươm tất, đầu tóc gọn gàng, ngồi ôm ấp con cái trong khung cảnh nhà ấm cúng, yên bình mà người dùng thường thấy trên Instagram, Pinterest càng góp phần củng cố suy nghĩ của số đông. Những yếu tố đó khiến các gia đình mang áp lực cần đảm bảo tốt cả hai nhiệm vụ: trông con và giữ nhà sạch. Họ sợ dễ bị đánh giá khi nhà cửa lộn xộn.
Nhiều bậc cha mẹ phải đấu tranh với quan niệm rằng nhà cửa gọn gàng là biểu hiện của việc nuôi dạy con cái tốt. Nhưng theo Anna Marcolin, nhà trị liệu tâm lý và cá nhân, quan niệm này là sai lầm và không khả thi.
Marie Kondo thừa nhận nhà của cô không thể gọn gàng mọi lúc, sau khi gia đình đón con thứ ba. Ảnh: Denise Crew/Netflix. |
"Nó không còn hiệu quả nữa, vì bạn không thể dành thời gian chăm sóc con cái và đồng thời có một ngôi nhà luôn ngăn nắp. Không thể đặt ra một kỳ vọng không thực tế như vậy", Marcolin chia sẻ.
Trong một bài phỏng vấn mới đây, Marie Kondo, người từng được tung hô là "thánh nữ dọn dẹp" vì dẫn đầu quan điểm về cuộc sống tối giản và phương pháp dọn nhà, cũng đã phải thay đổi sự ưu tiên kể từ khi sinh con thứ 3. Kondo thừa nhận cô không còn quá tập trung vào việc dọn dẹp và học cách chấp nhận căn nhà của mình có thể bừa bộn trong một số thời điểm.
Cuốn sách mới của Kondo, Kurashi at Home: How to Organise Your Space and Achieve Your Ideal Life, tập trung vào khái niệm "kurashi", nghĩa là "cách sống", thay vì thói quen ngăn nắp mọi lúc.
Tương tự, blogger kiêm tác giả Susie Allison, người có trang Instagram Busy Toddler với hơn 1,9 triệu người theo dõi, tin tưởng rằng việc dọn dẹp có thể trở thành một trò chơi vui vẻ, thu hút cả trẻ em cùng tham gia.
"Dù vậy, bạn phải thừa nhận rằng việc giữ nơi ở sạch sẽ hoàn hảo là điều không thể, bất kể bạn có cầu toàn hay chăm chỉ tới đâu. Việc đó đơn giản là sẽ khiến bạn kiệt sức và không còn niềm vui sống", Susie Allison kết luận.
Theo Trà My - Lê Vy/Zingnews.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/tu-bo-su-ngan-nap-sau-khi-co-con-post1407791.html