Thứ sáu 26/04/2024 03:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Truyền thông chống dịch Covid-19: Xét nghiệm là then chốt, vắc-xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát

21:22 | 22/09/2021

(Xây dựng) – Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Tiểu ban Truyền thông ban hành Kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 từ ngày 23/9 đến ngày 30/9/2021 với thông điệp “Xét nghiệm là then chốt, vắc-xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát”.

truyen thong chong dich covid 19 xet nghiem la then chot vac xin la can co de thich ung an toan co kiem soat
Ảnh minh họa.

Những vấn đề mới, xu hướng mới và các thông điệp cần truyền thông hiệu quả: Truyền đi thông điệp về chính sách phòng, chống dịch liên tục được điều chỉnh đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta; đặc biệt với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sỹ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch; đánh giá đúng nguy cơ dịch tễ để khoanh vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách đến mức nhỏ nhất; chiến lược chống dịch lâu dài có 03 yếu tố: vắc-xin, xét nghiệm và điều trị (phủ nhanh tiêm vắc-xin; xét nghiệm nhanh, hướng đến tự xét nghiệm; điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở); các nỗ lực và giải pháp kiểm soát tốt dịch song song với phương án, kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo an dân, an lòng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Truyền thông ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả của Đà Nẵng, Hà Nội, của quận 7 và huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống dịch.

Đầu tư tăng các bài, chương trình phân tích kỹ, bình luận sâu, ý kiến chuyên gia về các thông điệp chống dịch quan trọng: Biến thể Delta vừa lây lan nhanh, lại vừa kéo dài; chu kỳ ủ bệnh giờ kéo dài hơn, 18 ngày chứ không còn 14 ngày, nồng độ (tải lượng) virus hơn gấp 1.000 lần so với chủng ban đầu; khi mới nhiễm ít có biểu hiện, nhưng nếu chuyển từ nhẹ sang nặng thì lại xấu đi rất nhanh.

Để chống lại con virus với 3 đặc thù mới này thì biện pháp chống dịch phải rất khác trước đây. Vì vậy, xét nghiệm là then chốt để biết dịch. Xét nghiệm thì phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, để cách ly nhanh F0, nhanh chóng phân loại F0 để chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả. Điều trị phải kịp thời, từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, giảm mạnh các ca chuyển biến nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Vắc - xin là “căn cơ”, tỷ lệ tiêm vắc-xin là yếu tố quyết định để “thích ứng an toàn có kiểm soát” trong trạng thái “bình thường mới”.

Truyền đi thông điệp “5K + vắc xin + xét nghiệm + ý thức người dân”. Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, tăng cường giãn cách trong giai đoạn trước, hiện đang từng bước nới lỏng giãn cách, xác định “sống chung với Covid”, cần tăng cường khuyến cáo, nâng cao ý thức của người dân, không nên lơ là, chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch, tránh tâm lý “xả hơi” sau thời gian dài giãn cách để bảo vệ thành quả chống dịch chung. Chống dịch hiệu quả cần hơn hết là ý thức của tất cả người dân, để chiến thắng trước Covid thực sự là chiến thắng của nhân dân.

Bên cạnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo, định hướng trong Kế hoạch số 02/KH-TBTT (với thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”), Kế hoạch số 03/KH-TBTT ngày 02/9/2021, Kế hoạch số 04/KH-TBTT ngày 06/9/2021 (với thông điệp “Thích ứng an toàn để trở lại bình thường mới”), Kế hoạch số 08/KH-TBTT ngày 15/9/2021 (với thông điệp “Phòng dịch tốt, giám sát hiệu quả, công nghệ thống nhất”) và Thông điệp tại Kế hoạch này, đề nghị tập trung thực hiện các nhiệm vụ.

Giảm bớt lượng tin tức phản ánh không có chiều sâu về diễn biến dịch bệnh. Không đưa số liệu mà thiếu phân tích, thiếu kiểm chứng. Không loan tin, giật tít lệch lạc về những vấn đề còn đang được bàn bạc, chưa có kết luận cuối cùng, tránh tạo tâm lý kỳ vọng thái quá hoặc bức xúc thái quá. Khi đưa tin ca nhiễm mới, cố gắng đưa các số liệu đó về với quy mô của các “pháo đài” để phù hợp với chủ trương “khoanh vùng nhỏ nhất có thể”, ví dụ: Thay vì nói “Hà Nội có 3 ca nhiễm mới...” thì nói “Quận X, huyện Y, phường, xã Z phát hiện ca nhiễm mới”.

Thông tin có phân tích nhiều hơn, lý giải kỹ hơn về các ý kiến chỉ đạo, kết luận, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia liên quan đến những điều chỉnh, thay đổi giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; phân tích có sở cứ về sự cần thiết phải triển khai thần tốc xét nghiệm diện rộng, nhanh chóng phát hiện F0 để kịp thời chăm sóc, điều trị, phản biện lại quan điểm, suy nghĩ xuất phát từ những số liệu không chính xác, cho rằng xét nghiệm là tốn kém, không hiệu quả (mà không thấy rằng giãn cách kéo dài mãi không có kết quả mới là thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cho thu ngân sách). Phản ánh, phân tích, lý giải làm rõ vấn đề áp dụng chính sách phòng, chống dịch khác nhau ở một số địa phương, sự không thống nhất trong sử dụng biện pháp y tế và phi y tế giữa các địa phương... để từ đó có điều chỉnh cho nhất quán, đồng bộ, logic.

Tăng cường bài, chương trình truyền thông với chất liệu là số liệu đi kèm với phân tích cái được, cái chưa được, cái còn chưa rõ, có đánh giá, có nhận định... Thông tin có tính tương tác, phù hợp để đảm bảo hiệu quả đối với đối tượng tiếp nhận và đo được hiệu ứng thông tin đưa ra. Đặc biệt cần dùng lời diễn đạt ngắn gọn, có tính khái quát cao. Khung giờ cần linh hoạt để tránh trùng lắp giữa các kênh phát thanh, truyền hình lớn. Chưa tuyên truyền nhiều về vắc-xin cho trẻ em và vắc-xin nhắc lại (booster). Hạn chế nói về “hộ chiếu vắc-xin”, vì trong nhân dân số người chưa được tiêm vẫn còn nhiều.

Truyền thông quản lý tốt “tâm lý kỳ vọng” của người dân và toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong khi chưa đủ vắc xin để phủ nhanh và rộng; ủng hộ tâm thế “bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”.

Thông tin việc triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 có tích hợp tất cả các thông tin thiết yếu về danh tính, tình trạng dịch tễ, chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm, các tiêu chí an toàn khác... để người dân hiểu, đồng thuận và tự nguyện thực hiện.

Tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, tích cực thực hiện các yêu cầu của chính quyền để sớm đạt các tiêu chí trong phòng, chống dịch, như: tiêm vắc-xin, xét nghiệm đầy đủ theo yêu cầu, khai báo y tế thường xuyên và trung thực...

Chủ động, kịp thời phản hồi, giải thích, điều chỉnh các thông tin trên mạng xã hội gây tâm lý bi quan, tiêu cực, tạo tâm lý kỳ vọng không có cơ sở; phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load