Thứ năm 25/04/2024 20:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới

20:40 | 06/12/2022

(Xây dựng) - Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá (CNH, HĐH). Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 6/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nhân dịp này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trả lời phỏng vấn báo chí.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Lần đầu tiên ban hành nghị quyết chuyên đề của Đảng về CNH, HĐH

PV: Xin ông cho biết cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”?

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: CNH, HĐH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là phương thức, động lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Vấn đề CNH, HĐH đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) yêu cầu: "Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội XIII nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Đã có khoảng 20 Nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng rẽ của CNH, HĐH, tuy nhiên cho đến trước khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề CNH, HĐH.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đã có thế và lực mới, chúng ta cũng đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Thêm vào đó, xu thế phát triển của thế giới, nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới, có tính chất phức tạp, không chỉ là những vấn đề của riêng Việt Nam mà còn gắn với những tác động, ảnh hưởng có tính toàn cầu…

Từ yêu cầu thực tiễn cần phải ban hành một Nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề đang cản trở quá trình thực hiện CNH, HĐH, từ đó đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, trong bối cảnh mới.

Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai mạnh mẽ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới
Phát triển hạ tầng kết nối liên vùng là một trong những giải pháp thực hiện CNH, HĐH đất nước.

Các quan điểm, mục tiêu CNH, HĐH đất nước

PV: Thưa ông, quan điểm, mục tiêu của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được thể hiện trong Nghị quyết mới ban hành như thế nào?

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra hệ thống 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, với một số nội dung cốt lõi.

Quan điểm thứ nhất, làm rõ nội hàm/nhận thức về CNH, HĐH là “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNH, HĐH với sự phát triển kinh tế - xã hội, coi “là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”. Việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước là tất yếu khách quan trong tình hình mới.

Quan điểm thứ hai, nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng luôn lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cho đẩy mạnh CNH, HĐH: “Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể”.

Luôn đặt CNH, HĐH trong tổng thế chiến lược phát triển đất nước để có cách tiếp cận toàn diện. Gắn CNH, HĐH với phát triển bền vững và chú trọng giải quyết hài hoà các mối quan hệ lớn: “Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”.

Quan điểm thứ ba, xác định rõ nội dung và yêu cầu then chốt trong thực hiện CNH, HĐH đất nước: “CNH, HĐH phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, chế biến, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH; CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.

Quan điểm thứ tư, nhấn mạnh lộ trình, bước đi trong thực hiện CNH, HĐH đất nước và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện.

Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định: “Thực hiện CNH, HĐH cần có lộ trình và bước đi cụ thể có trọng tâm, trọng điểm; Ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát trển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng”.

Quan điểm thứ năm, nhấn mạnh yêu cầu trong thực hiện CNH, HĐH đất nước: "Phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa cả truyền thống và hiện đại, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và giai cấp công nhân hiện đại; vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ tri thức và doanh nhân Việt Nam".

Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng cao; xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ và có khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến; các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao rõ rệt, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao”.

Nghị quyết cũng đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045: “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á”.

Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Nghị quyết đã đề ra 4 nhóm chỉ tiêu chính đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đạt các tiêu chí của nước công nghiệp.

Theo đó, nhóm chỉ tiêu tổng hợp gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân; GDP bình quân đầu người; GNI bình quân đầu người; Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu;

Nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế, ngành, lĩnh vực gồm: Năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP); Tỷ trọng công nghiệp chiếm trong GDP; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trong GDP; Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người; Tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm trong GDP; Tỷ trọng kinh tế số chiếm trong GDP; Tỷ lệ đô thị hoá. Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; Xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại…

Nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội gồm: Chỉ số phát triển con người (HDI); Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; Tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân.

Nhóm chỉ tiêu về bảo vệ môi trường gồm: Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI); Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN.

Các nhóm chỉ tiêu cụ thể này là sự cụ thể hoá các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã được Ban Kinh tế Trung ương thảo luận, thống nhất với các cơ quan liên quan, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới
Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH

PV: Đâu là nội dung trọng tâm, có tính đột phá để thúc đẩy CNH, HĐH trong giai đoạn tới, thưa ông?

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện CNH, HĐH thời gian qua. Trong đó, một số nội dung trọng tâm, đột phá cần thực hiện ngay để thúc đẩy CNH, HĐH trong giai đoạn tới như:

Một là, Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo 2 giai đoạn. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân; cụ thể hoá các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước với luật pháp, chính sách, hệ thống quy hoạch quốc gia và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan, tiến tới đẩy nhanh thể chế hoá các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến CNH, HĐH để hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH…

Hai là, Nghị quyết xác định các nhiệm vụ và giải pháp tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh góp phần thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực thông qua việc phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó tập trung xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030…

Nghị quyết đã chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trà.

Ba là, Nghị quyết xác định rõ hơn về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH. Trong đó, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn bằng các biện pháp cụ thể như về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thúc đẩy cơ giới hoá đồng bộ, hiện đại hoá trong toàn bộ chuỗi cung ứng; ưu tiên khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn hướng tới nông thôn mới thông minh…

Định hướng phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, nhất là các nhành có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, logistic, ngân hàng – tài chính…

Bốn là, tập trung nhấn mạnh phát triển hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là đường bộ cao tốc với mục tiêu đến năm 2030 có 5000 km; tiếp đến là hạ tầng năng lượng và hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng.

Có các giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, có tính kết nối theo mạng lưới cao và gắn kết chặt chẽ với quá trình CNH, HĐH.

Năm là, cụ thể hóa quan điểm gắn kết CNH, HĐH với quá trình phát triển bền vững, bao trùm và đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với các giải pháp đột phá nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ tri thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH, HĐH đất nước, bảo đảm tốt an sinh xã hội với quan điểm xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển và thúc đẩy CNH, HĐH.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hằng (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load