(Xây dựng) - Chiều ngày 28/9, tại Không gian văn hóa Hanoia số 9, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã chia sẻ những câu chuyện về “Trung thu truyền thống trong kí ức người Việt”.
Không gian di sản Hanoia (nguồn: Internet )
Tết Trung thu là lễ tiết quan trọng trong phong tục và đời sống tinh thần người Việt. Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên – được người xưa xem là dịp lễ quan trọng để các thế hệ đoàn tụ, làm mâm cỗ cúng gia tiên, ngắm trăng, cùng món đồ chơi như mặt nạ, đèn kéo quân… bên mâm ngũ quả, bánh dẻo bánh nướng. Đối với người Việt, Trung Thu là cả một nghi lễ thiêng liêng, chứa chan tình cảm.
Mâm hoa quả cùng kẹo lạc, kẹo dồi là những thức quà quen thuộc với người Hà Nội.
Được mời tới không gian văn hóa Hanoia để chia sẻ những hiểu biết, những ký ức về một Hà Nội xưa cũ là nhà văn Nguyễn Việt Hà. Nhà văn Nguyễn Việt Hà là “giai phố Cổ” chính gốc, và Hà Nội luôn là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của anh. Từ tản văn, tiểu thuyết đến truyện ngắn, Hà Nội hiện lên qua những trang sách của anh luôn đầy cá tính, độc đáo và khác lạ.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà với trang phục giản dị đến với Hanoia, 38 Hàng Đào.
Anh có chia sẻ: “Hà Nội bây giờ giàu vật chất nhưng nghèo tinh thần quá”, và “Phong vị Trung thu truyền thống đang nhạt dần”. Bàn về bánh Trung thu, nhà văn có kể: “Trước đây thời bao cấp, bánh Trung thu được bán bằng tem phiếu, phải nhà nào có điều kiện mới mua bánh Trung thu tại tiệm của người Hoa trên phố Hàng Buồm” hay “Phố Hàng Đường không chỉ có ô mai mà còn có tiệm bánh Trung thu rất ngon”, thế nhưng lâu dần, các hãng bánh Trung thu công nghiệp đã thay thế bánh thủ công.
Những vị khách mời cũng hào hứng kể lại những ký ức xưa cũ của mình về Trung thu như tự làm đồ chơi bằng giấy bìa, giấy bồi… Một khách mời lớn tuổi có chia sẻ: “Trung thu xưa rất vui vẻ, náo nhiệt, nó là khoảng thời gian mà tình làng nghĩa xóm đoàn kết hơn, các nhà góp nhau quả bưởi, miếng bánh để bày mâm cỗ Trung thu”. Thế nhưng phong vị ngày xưa dần dần mai một, Trung thu nay, mọi người tất tả với công việc bận rộn, chỉ tạt qua chợ mua vài loại hoa quả làm mâm ngũ quả, đưa trẻ em đi lên phố Hàng Mã mua đồ chơi để rồi mai kia, món đồ chơi ấy bị vứt xó. “Một Trung thu long trọng, một lễ tiết quan trọng ngày càng nhạt nhòa, không còn cái gì đó rưng rưng, nghẹn ngào. Ngày nay Trung thu dễ trôi tuột đi, không đọng lại gì trong lòng mỗi người”.
Khách mời trong buổi trò chuyện thân mật tại Hanoia.
Nhà văn vẫn còn nhớ “một mâm cỗ Trung thu, cá chép trông trăng được nặn hình bằng bột nếp cầu kì, cầu kì hơn những chú chó bông làm bằng quả bưởi bây giờ”. Không chỉ vậy, trên phố Hàng Gai có nhà ông Bát Thiện, có 2 cô con gái nổi tiếng bày mâm cỗ Trung thu đẹp nức tiếng.Vì vậy, “Trung thu trên phố cổ còn là dịp để các cô gái tìm kiếm ý trung nhân, những chàng trai thì thưởng thức tay nghề và sự khéo léo của những cô gái phố hàng”.
Đèn ông sao, một góc nhỏ các vật phẩm truyền thống Hà Nội.
Mỗi góc tại Hanoia đều in đậm dấu ấn của một Hà Nội xưa cũ.
Các quà tặng lưu niệm tại Hanoia rất được khách nước ngoài yêu thích.
Ngày nay, du khách vẫn được chiêm ngưỡng dấu ấn thời gian với cánh cửa in dòng chữ “Đồng Lạc quyến yếm thị” (nguồn: Internet)
Buổi trò chuyện được diễn ra trong không khí ấm áp tại ngôi nhà di sản nổi tiếng bậc nhất Thủ đô, nép mình tại địa chỉ 38 Hàng Đào, nơi vẫn lưu giữ nét đẹp bình dị, đơn sơ mà kiêu bạc của một Hà Nội thế kỉ XVIII.
Diệu Anh
Theo