Thứ sáu 29/03/2024 09:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trung Quốc triển khai những cỗ máy đe dọa nghề shipper ở nhiều đô thị

14:04 | 27/10/2020

Các phương tiện giao hàng tự động được triển khai tại các thành phố ở Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

trung quoc trien khai nhung co may de doa nghe shipper o nhieu do thi
JD Logistics có kế hoạch tung ra 100 phương tiện giao hàng tự động ở Thường Thục, tỉnh Giang Tô trước cuối năm 2020. Ảnh: Straits Times.

Trong 3 tháng qua, robot đã thực hiện việc giao hàng ở Thường Thục, Trung Quốc.

Những phương tiện giao hàng tự động chạy quanh thành phố có hình dạng xe tải nhỏ màu đỏ hoặc tủ giao hàng có bánh xe, được trang bị một loạt cảm biến và camera.

Công ty thương mại điện tử JD Logistics đã tung ra các robot giao hàng này, có kế hoạch tung ra 100 phương tiện ở Thường Thục trước cuối năm nay.

Tương tự JD, 2 công ty khác của Trung Quốc là Meituan và Cainiao cũng đang chạy đua để đưa các phương tiện giao hàng tự động vào hoạt động.

Đại dịch COVID-19 đã tạo động lực để việc này triển khai nhanh hơn, theo Straits Times.

Vào thời kỳ đỉnh dịch COVID-19 hồi đầu năm nay, robot vận chuyển dạng này đã được triển khai tại tâm dịch Vũ Hán.

Các phương tiện giao hàng tự động chuyển các bưu kiện tới nhà dân cũng như tới bệnh viện trong bối cảnh lo ngại lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.

Thành công của đợt triển khai này đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc triển khai các tuyến đường công cộng ở Thường Thục cũng như những nơi khác.

Phát biểu hồi tháng 2 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập tới các phương tiện giao hàng tự động như một ngành mới nổi được COVID-19 mang lại cơ hội lớn.

Tuyên bố này từ nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước đã thúc đẩy các chính quyền địa phương nắm lấy công nghệ này, nhà khoa học trưởng của JD Logistics Kong Qi nói.

Ông Kong cho biết, công ty đã đẩy nhanh việc triển khai robot trong nửa năm và chọn Thường Thục để thử nghiệm. Nếu việc triển khai ở Thường Thục thành công, các thành phố khác của Trung Quốc cũng sẽ được triển khai công nghệ này.

Hiện tại, các xe tải nhỏ giao hàng tự động xử lý khoảng 70% việc giao hàng tại địa bàn xe hoạt động. Đối với phương tiện giao hàng tự động này, cần có 1 nhân viên giao hàng ở điểm phương tiện nhận hàng. Khi đến đích, hệ thống sẽ thông báo cho người nhận có mặt. Người nhận sẽ nhận hàng bằng cách quét mã QR trên màn hình.

Wang Jie, 27 tuổi, nhân viên giao hàng (shipper) của JD cho biết, 3 xe tự hành tại trạm của anh làm công việc của khoảng 2 nhân viên giao hàng.

Theo báo cáo của McKinsey năm 2016, giao hàng chặng cuối có thể chiếm hơn một nửa chi phí giao hàng của một bưu kiện. Phần lớn chi phí này chi trả cho đội ngũ giao hàng như Wang, những người đang chịu trách nhiệm giao hàng triệu bưu kiện mỗi ngày. Năm ngoái, hơn 60 tỉ bưu kiện đã được giao ở Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng đây chính là lý do các doanh nghiệp muốn tận dụng công nghệ lái tự động. Từ tháng 2, công ty giao thực phẩm Meituan đã bắt đầu thử nghiệm giao hàng không cần tài xế ở các quận ngoại ô ở Bắc Kinh. Chi nhánh logistics Cainiao của Alibaba cho biết sẽ triển khai các phương tiện lái tự động ở Bắc Kinh, Hàng Châu và Thẩm Dương cho lễ hội trực tuyến "Ngày độc thân" 11.11 sắp tới.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Luo Jun - Tổng thư ký của Liên minh Công nghiệp Thiết bị Thông minh và Robot Quốc tế - đã chỉ ra một số rào cản cho áp dụng rộng rãi công nghệ này. Theo ông, công nghệ lái xe không người lái vẫn "chưa hoàn toàn trưởng thành" và Trung Quốc thiếu khung pháp lý để điều chỉnh những phương tiện này trên đường.

Theo HẢI ANH/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load