Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc không có đường sắt cao tốc, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, nước này đã có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Tàu cao tốc Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Gần 38.000km đường sắt cao tốc
Trước đây, những chuyến tàu chậm chạp và bất tiện trên khắp đất nước rộng lớn này, với tốc độ trung bình thấp, khiến các hành trình như Thượng Hải - Bắc Kinh trở thành một phép thử về khả năng chịu đựng đi lại.
Nhưng hôm nay là một bức tranh hoàn toàn khác. Theo CNN, quốc gia đông dân nhất thế giới có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Không dưới 37.900km đường sắt cao tốc trải khắp đất nước, nối tất cả cụm thành phố lớn và tất cả đều đã được hoàn thành kể từ năm 2008.
Một nửa trong tổng số đó đã được hoàn thành chỉ trong 5 năm qua, với 3.700km nữa sẽ được mở trong những tháng tới của năm 2021.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi chiều dài một lần nữa, lên 70.000km, vào năm 2035.
Hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Với tốc độ tối đa 350km/h trên nhiều tuyến, du lịch liên tỉnh đã được chuyển đổi và sự thống trị của các hãng hàng không đã bị phá vỡ trên các tuyến đường nhộn nhịp nhất.
Đến năm 2020, 75% thành phố của Trung Quốc với dân số 500.000 người trở lên có đường sắt cao tốc.
Tây Ban Nha - quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất Châu Âu và chiếm vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng toàn cầu - cũng chỉ có hơn 3.200km được xây dựng để hoạt động với tốc độ hơn 250km/h.
Anh hiện chỉ có 107km trong khi Mỹ chỉ có một tuyến đường sắt (gần như) đủ tiêu chuẩn đường sắt cao tốc - Hành lang Đông Bắc của Amtrak - nơi các chuyến tàu Acela hiện đạt vận tốc 240km/h trên các đoạn được xây dựng lại với chi phí đắt đỏ của tuyến hiện có dùng chung với tàu khách và tàu hàng.
Trung Quốc là nước có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP/Getty |
Biểu tượng của sức mạnh kinh tế
Tham vọng của Trung Quốc là biến đường sắt cao tốc trở thành phương thức được lựa chọn cho các chuyến du lịch đường dài trong nước, nhưng những tuyến đường sắt mới này có ý nghĩa lớn hơn nhiều.
Giống như Shinkansen của Nhật Bản vào những năm 1960, chúng là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, sự hiện đại hóa nhanh chóng, sức mạnh công nghệ đang phát triển và sự thịnh vượng ngày càng tăng.
Theo CNN, đường sắt cao tốc Trung Quốc cũng là một công cụ mạnh mẽ để gắn kết xã hội, ảnh hưởng chính trị và hội nhập các khu vực khác nhau với các nền văn hóa riêng biệt vào dòng chính.
Tiến sĩ Olivia Cheung - thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) của Đại học London - cho rằng, việc xây dựng những tuyến đường sắt mới này là một phần trong kế hoạch lớn của Trung Quốc về việc tích hợp thị trường quốc gia rộng lớn.
Kế hoạch này vĩ đại ở chỗ nó không chỉ đơn giản là kết nối các thành phố hiện có, mà còn kết nối các thành phố với các siêu đô thị mới đang được xây dựng từ đầu. Một ví dụ nổi tiếng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất tự hào là Khu mới Tây An ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 100km về phía tây nam.
Nhà sản xuất xe lửa Trung Quốc CRRC Tangshan Railway Co., Ltd. tung ra một loại tàu cao tốc mới có thể giúp việc đi lại bằng đường sắt xuyên biên giới trở nên thuận tiện hơn. Tàu chạy được trên nhiều đường ray, êm hơn và nhanh hơn, với tốc độ 400km/h, trong điều kiện thời tiết từ -25 độ C đến 50 độ C. Video: Xinhua
Theo nghĩa đó, có thể lập luận rằng, Trung Quốc đang lặp lại lịch sử đường sắt thế giới. Nhiều tuyến đường sắt sơ khai ở Bắc Mỹ, Châu Âu và thuộc địa của các đế quốc Châu Âu đã được xây dựng với những mục tiêu tương tự.
Sự phát triển của mạng lưới đường sắt ở Nga - đáng chú ý nhất là đường sắt xuyên Siberia - Phổ, Pháp, Italia và đế quốc Anh, cùng những nước khác, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhu cầu chính trị và quân sự cũng như phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, những gì các nước đã mất nhiều thập kỷ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để đạt được thì Trung Quốc chỉ cần vài năm.
"Người Trung Quốc đã tạo ra toàn bộ mạng lưới đường sắt cao tốc trên quy mô chưa từng có - thường nhanh hơn và chắc chắn đáng tin cậy hơn các chuyến bay nội địa của Trung Quốc" - chuyên gia du lịch đường sắt Mark Smith, được biết đến với biệt danh "Người đàn ông ở ghế 61", nói.
"Thật khó để không bị ấn tượng bởi quy mô choáng ngợp của một số nhà ga mới, hiệu quả của việc đặt chỗ trước và ngày càng không cần vé giấy, chỉ cần quét thẻ căn cước hoặc hộ chiếu tại cửa soát vé" - Smith cho hay.
Trung Quốc ban đầu dựa vào công nghệ tốc độ cao nhập khẩu từ Châu Âu và Nhật Bản để thiết lập mạng lưới của mình. Những gã khổng lồ về kỹ thuật đường sắt toàn cầu như Bombardier, Alstom và Mitsubishi đều rất muốn hợp tác, do quy mô tiềm năng của thị trường mới và các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, chính các công ty trong nước đã phát triển thành những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật tàu cao tốc nhờ vào sự mở rộng đáng kinh ngạc của mạng lưới nội địa của họ.
Ảnh: AFP/Getty |
Tàu đệm từ với vận tốc chưa từng có
Mặc dù các đoàn tàu của nước này hiện thuộc hàng nhanh nhất thế giới, Trung Quốc cũng đang chi hàng tỉ USD cho công nghệ đệm từ (maglev), cho phép vận hành dịch vụ hành khách với vận tốc lên đến 620km/h - vượt xa giới hạn hiện tại của tàu bánh thép chạy trên đường ray thép.
Hai tuyến tàu đệm từ đang được xây dựng với tổng chiều dài khoảng 273km là Thượng Hải - Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang và một tuyến đường ngầm dài 110km nối Quảng Châu và Thâm Quyến, hai thành phố lớn nhất trong khu dân cư đông đúc vùng đồng bằng sông Châu Giang. Dự kiến, sau này, cuối cùng tuyến đường tàu đệm từ sẽ mở rộng đến Kowloon ở Hong Kong.
Vào tháng Giêng, Trung Quốc tiết lộ nguyên mẫu tàu đệm từ mới có khả năng đạt tốc độ 620km/h. Ảnh: AFP |
Các dự án này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của tuyến tàu đệm từ sân bay Thượng Hải do Đức hỗ trợ, khai trương vào năm 2003 và hiện là tuyến duy nhất của loại hình này đang hoạt động.
Thực hiện cách tiếp cận thực dụng điển hình để tăng tốc độ vận chuyển đường bộ, Trung Quốc coi tàu đệm từ là một lựa chọn tốt hơn so với tàu siêu tốc Hyperloop - vốn được thổi phồng nhiều nhưng chưa được chứng minh để thu hẹp khoảng cách giữa đường sắt cao tốc và đường hàng không trên các tuyến đường dài.
Theo Song Minh/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-than-toc-xay-duong-sat-cao-toc-lon-nhat-the-gioi-911754.ldo