Dường như người dân ở Trung Quốc đã quá quen thuộc với tai nạn sập cầu. Theo South China Morning Post, từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã có ít nhất 18 cây cầu bị sập khiến 135 người bị chết và gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Hôm 24/8 vừa rồi, bốn xe tải đang đi trên cây cầu Dương Minh Than, bắc qua sông Tùng Hoa tại Cáp Nhĩ Tân, một thành phố lớn ở phía đông bắc Trung Quốc thì mặt cầu đột nhiên bị nghiêng và đổ sập, khiến cho những chiếc xe tải này bị rơi tự do từ độ cao hơn 30m xuống dưới chân cầu.
Ba người bị thiệt mạng và 5 người bị thương. Hình ảnh của vụ tai nạn cho thấy những chiếc xe tải gặp tai nạn này chở hàng hóa nặng, bao gồm cả đá, và có khả năng bị quá tải. Tuy nhiên, theo tư liệu của các nhà báo và các bức ảnh thu thập được từ hiện trường cũng đã cho thấy bản thân cây cầu này có những vấn đề rất nghiêm trọng: các thành phần cấu trúc quan trọng đã được nhồi bằng các thanh gỗ, đá cuội và túi đựng những nguyên liệu không xác định.
Cầu Dương Minh Than bị sập sau chưa đầy một năm mở cửa lưu thông. Ảnh: Internet
Sự cố quen thuộc với những cây cầu lớn, đắt tiền
Dường như người dân ở Trung Quốc đã quá quen thuộc với những sự cố kiểu như vậy. Theo South China Morning Post, một tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Hồng Kông, từ năm 2007, Trung Quốc đã có ít nhất 18 cây cầu bị sập khiến 135 người bị chết và gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Những cây cầu bị sập thường rất lớn và đắt tiền. Ví dụ như phần cầu hơn 100m bị đổ sập chỉ là một phần của cây cầu Dương Minh Than có độ dài hơn 9 dặm (khoảng hơn 15 km) có giá trị gần 300 triệu USD, kết nối giữa hai ngân hàng tại Cáp Nhĩ Tân, một thành phố với 10 triệu dân.
`
Nguyên nhân gây ra “dịch bệnh” sập cầu này là gì? Tại Cáp Nhĩ Tân, một số cơ quan chức năng đã nhanh chóng đổ lỗi cho các xe quá tải và sau đó tuyên bố rằng họ không thể xác định được vị trí chịu trách nhiệm của các nhà thầu đối với cây cầu đó.
Cư dân mạng Trung Quốc dường như chẳng bao giờ tin vào những lời giải thích kiểu như vậy của chính quyền địa phương. Thay vào đó, họ đã tự lý giải cho tất cả những sai lầm diễn ra tại Trung Quốc ngày nay là do tham nhũng.
Li Chengpeng, một blogger nổi tiếng đã viết: "Mỗi lần tôi đi ra đường và nhìn thấy một dự án mới được khởi công, tôi biết rằng lại sắp có thêm một số tỷ phú mới”.
Đối với nhiều cư dân mạng Trung Quốc, việc cây cầu ở Cáp Nhĩ Tân được hoàn thành chỉ trong 18 tháng, nhanh hơn nhiều so với dự kiến 36 tháng đã cho thấy chắc chắn sẽ có một số khoản ngân sách dành cho cây cầu biến mất vào túi của ai đó. Việc chính quyền địa phương cho biết không thể tìm thấy các nhà thầu chịu trách nhiệm với một công trình được xây dựng nhanh như vậy, chỉ làm gia tăng thêm nghi ngờ.
"Phép lạ Trung Quốc"
Han Zhiguo, một nhà kinh tế học hiện có 2,5 triệu người theo dõi trên tiểu blog hàng đầu của Trung Quốc, Sina Weibo đã gọi toàn bộ vấn đề này là một "phép lạ Trung Quốc: “
1. Cây cầu được dự kiến sẽ được xây dựng trong ba năm nhưng đã thực sự hoàn thành trong 18 tháng. Tiến bộ như vậy có thể được gọi là một "phép lạ Trung Quốc".
2. Cây cầu bị sập chỉ 8 tháng sau khi mở cửa lưu thông. Chất lượng xây dựng như vậy có thể được gọi là một "phép lạ Trung Quốc".
Những phép lạ này không còn quá xa lạ với Trung Quốc.
Nhiều cư dân mạng cho rằng: những người xây dựng cầu ngày xưa thường có trách nhiệm hơn, ít tham nhũng hơn những người xây cầu hiện nay. Hôm 27/8 vừa qua, tạp chí New Weekly đã đăng tải hình ảnh một cây cầu cổ xưa trên tài khoản Sina Weibo chính thức của tạp chí này cùng với dòng chú thích:
Hơn 1.407 năm qua, cây cầu này đã trải qua 10 trận lụt, 8 cuộc chiến tranh và nhiều trận động đất, nhưng nó vẫn không bị phá hủy. Nền tảng của nó chỉ có 5 lớp gạch có chiều cao 1,55 mét, được xây dựng bằng đá sa thạch tự nhiên, không có thép hay xi măng, mới được sửa chữa 9 lần trong 1.407 năm qua, nhưng chưa bao giờ bị sập và vẫn còn hình dạng rất tốt cho tới tận ngày hôm này. Cây cầu này tên là An Tế (hay còn gọi là cầu Triệu Châu) bắc qua sông Hào, được xây dựng vào năm 605 ở huyện Triệu, Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc.
Nếu như bức ảnh và chú thích này được đưa lên vào trước khi cầu ở Cáp Nhĩ Tân bị sập thì 5 triệu người theo dõi của New Weekly trên Sina Weibo sẽ không để ý nhiều đến thông tin này. Nhưng sau vụ sập cầu Dương Minh Than, nhiều cư dân mạng không chỉ hiểu được thông điệp của bài đăng này mà còn tức giận phản hồi lại, bày tỏ sự thất vọng về những gì đang diễn ra tại xã hội Trung Quốc hiện đại. Một người bình luận cho biết: "Hiện chúng ta đang sử dụng hàng triệu để xây dựng lên những cây cầu gian lận không xứng đáng với những cây cầu của các tổ tiên chúng ta”.
Cây cầu cổ An Tế (Triệu Châu) của Trung Quốc. Ảnh: Internet
New Weekly không phải là trường hợp duy nhất có “niềm đam mê bất ngờ” với cây cầu cổ An Tế. Kể từ sau vụ sập cầu ở Cáp Nhĩ Tân đó, Sina Weibo đã ghi nhận hàng chục ngàn tweet đề cập đến cây cầu này cùng với những ngụ ý kết nối sự cố sập cầu với sự sụp đổ của Cáp Nhĩ Tân. Arty Eskimo, một người chuyên hỗ trợ trực tuyến cho người dùng Sina Weibo ở tỉnh Quảng Đông, cũng đã tweet trên tiểu blog này hôm 28/8 rằng: "Cầu An Tế thể hiện sự thông minh của những người thợ xưa kia của Trung Quốc, còn cây cầu bị sập ở Cáp Nhĩ Tân thể hiện sự khôn ngoan của các quan chức Trung Quốc hiện đại".
Đáng buồn hơn nữa, những cây cầu và các trường học bị sập không phải là những ví dụ phổ biến nhất cho những thất bại về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong vài tháng qua. Những sự cố đường bị sập gây tai nạn, sụt vỉa hè, vỡ các đường ống dẫn nước ngày càng trở lên phổ biến. Bất kể Đảng Cộng sản Trung Quốc có thành công trong hầu hết các cuộc chống tham nhũng gần đây hay không thì những sự cố này cũng không thể được giải quyết sớm trong thời gian tới.
Cây cầu vừa bị sập của Cáp Nhĩ Tân được tài trợ một phần bởi gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD mà Trung Quốc đã công bố từ năm 2008 tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Phạm Khánh (Infonet)
Theo baoxaydung.com.vn