Thứ sáu 26/04/2024 05:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tái hiện diện mạo gốm Việt

15:39 | 19/11/2021

Triển lãm giới thiệu 80 hiện vật gốm men đặc sắc, được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

trung bay tai bao tang lich su quoc gia tai hien dien mao gom viet
Triển lãm không quá nhiều hiện vật nhưng phản ánh đầy đủ diện mạo gốm Việt qua các thời kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 19/11, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức lễ khai mạc trưng bày "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt-Nhìn từ sưu tập An Biên."

Triển lãm giới thiệu 80 hiện vật gốm men đặc sắc, được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật mang tên An Biên (tên cũ của Hải Phòng) của nhà sưu tập Trần Đình Thăng và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay đây là hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị mỹ thuật cao trải dài trên 2.000 năm phát triển của đồ gốm Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

“Các hiện vật tại trưng bày có niên đại không dài nhưng lại rất độc đáo, hiếm có trong đó có đồ gốm Bát Tràng được đặt làm vô cùng tinh xảo, có đồ ngự dụng và đồ minh khí được tìm thấy trong các ngôi mộ gạch,” tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Ông Đoàn khẳng định trưng bày không nhằm mục đích giới thiệu cổ vật đắt tiền, gây kinh ngạc mà tập trung làm sáng tỏ diện mạo gốm Việt kể từ thời kỳ đầu Công nguyên đến thế kỷ 19. Cụ thể, các nhóm hiện vật được chia theo niên đại, làm nổi bật phong cách đồ gốm thời đó như cách tráng men, đổ khuôn, nung…

Theo đó, khu vực trưng bày gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên bao gồm hiện vật được chế tác trên nền tảng truyền thống gốm Đông Sơn, có tiếp thu kỹ thuật làm gốm men tiên tiến đương thời của Trung Quốc (làm khuôn, gắn chắp các thành phần sau đổ khuôn, tráng men và nung với nhiệt độ cao trong lò).

Người thợ thời đó tạo ra dòng gốm mang sắc thái riêng và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục. Đây là những cơ sở, nền tảng để hình thành nên các dòng gốm men phát triển ở các thời kỳ sau đó, đặc biệt là từ thời Lý-Trần.

Giới thiệu trưng bày:

Sang thế kỷ 11-14, gốm Việt phát triển độc lập, có những đề tài trang trí mang đậm tính bản địa của người Việt, tạo nên một trong những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Nam với loại hình phổ biến là liễn, ấm, đài sen, âu, bát, đĩa…. được sản xuất phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng từ cung đình đến dân gian. Đặc biệt, thời kỳ này đã hình thành và phát triển các dòng gốm men phong phú, đa dạng như gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục, gốm men nâu, gốm hoa nâu và cuối thế kỷ 14 xuất hiện gốm hoa lam.

Thế kỷ 15-17 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được sản xuất nhiều chủng loại có trình độ kỹ thuật cao với các loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ (bát, đĩa, ấm, ang, hộp lư hương, tượng nghê, chân đèn…), dòng men tiêu biểu là hoa lam, nhiều màu, lam xám, với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, mây, nghê... Một số trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng thời kỳ này: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)...

Gốm Bát Tràng thế kỷ 18-19 được phác họa qua hiện vật đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ trang trí mang sắc màu của men rạn, men lam...

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mọi cổ vật đều quý giá, song có những nhóm hiện vật rất điển hình chẳng hạn như bộ sưu tập đồ gốm men trắng thời Lý có họa tiết hoa sen đơn giản, biểu trưng cho xu hướng sùng đạo Phật trong xã hội thời đó.

Trưng bày kéo dài đến hết năm 2021 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội./.

Theo Minh Thu (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load