Thứ bảy 14/09/2024 23:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Trục lợi nhà ở xã hội: Mua để bán lại thu lời, chủ đầu tư còn tiếp tay?

09:21 | 08/04/2021

Thực trạng thi công chậm tiến độ, chất lượng công trình không đảm bảo, trục lợi chính sách... đang khiến chủ trương đúng đắn về việc phát triển nhà ở xã hội của Nhà nước dần đi vào bế tắc. Trong khi đó, hành vi trục lợi lại được phía chủ đầu tư hậu thuẫn, giúp người mua nhà thực hiện giao dịch sai luật.

truc loi nha o xa hoi mua de ban lai thu loi chu dau tu con tiep tay
Nhu cầu nhà ở xã hội tại các thành phố lớn còn rất lớn. Ảnh: Phan Anh

Nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn

Ngay trong đại dịch COVID-19, khi cả nền kinh tế chịu tác động tiêu cực, mức độ tìm kiếm bất động sản nói chung, nhà ở nói riêng vẫn đang tăng lên chóng mặt trước "cơn khát" nhà ở. Theo con số được ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ tại buổi công bố báo cáo Nghiên cứu thị trường quý I/2021, mức độ quan tâm tới bất động sản đang tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 37% so với cùng kì năm ngoái.

truc loi nha o xa hoi mua de ban lai thu loi chu dau tu con tiep tay
Dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden tại Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Phan Anh

Từ năm 2020, dù thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên một quy luật đáng chú ý là mức độ quan tâm của thị trường luôn bật dậy mạnh mẽ sau mỗi đợt COVID-19. Sau COVID-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau COVID-19 lần 2 thị trường tăng 62%, sau COVID-19 lần 3, thị trường tăng mạnh 378%.

Mức độ quan tâm đến bất động sản các tỉnh xung quanh Hà Nội cũng tăng mạnh trong quý vừa qua. Trong phạm vi bán kính cách Hà Nội 50km, các tỉnh thành vệ tinh đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, Bắc Giang tăng 37%, Bắc Ninh 28%, Hòa Bình 35%, Hải Dương 19%...

Không chỉ các tỉnh thành vệ tinh, mà khu vực vùng ven quanh bán kính 20km của Hà Nội cũng chứng kiến mức độ quan tâm tăng đáng kể trong quý 1/2021. Cụ thể, Đông Anh (Hà Nội) tăng 36%, Từ Sơn (Bắc Ninh) tăng 67%, Gia Lâm (Hà Nội) tăng 18%, Ba Vì (Hà Nội) tăng 33%, Quốc Oai (Hà Nội) tăng 32%, Văn Giang (Hưng Yên) tăng 13%, Thanh Trì (Hà Nội) tăng 8%...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS được cho là đang lệch pha cung cầu, khi số lượng các dự án BĐS cao cấp chiếm áp đảo so với các phân khúc còn lại, đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội (NƠXH).

Điển hình tại TPHCM, năm 2020 có 31 dự án được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, với tổng số 16.895 căn nhà, giảm 30,4% so với năm 2019. Trong đó, có 7.114 căn nhà thuộc phân khúc nhà ở cao cấp, chiếm tỷ lệ 42,1% và tăng 15,9% so với năm 2019; phân khúc nhà ở trung cấp có 9.618 căn, chiếm tỷ lệ 56,9% và tăng 66,2% so với năm 2019. Trong khi đó, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 1%, giảm đến 98,6% so với năm 2019. Hiện thị trường thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội (NƠXH), văn phòng kết hợp lưu trú…

Theo thông tin từ Phòng Quản lý Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TPHCM, nhu cầu sở hữu căn hộ để ổn định cuộc sống của người dân TP ngày càng lớn và bức thiết. Hồ sơ xin đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung giảm dần.

Còn theo Bộ Xây dựng, tổng thể giai đoạn vừa qua, cơ cấu hàng hóa bất động sản (BĐS) đã được điều chỉnh từng bước, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc BĐS cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá NƠXH.

Người cần không có, người có không cần

Lệch pha cung cầu giữa phân khúc nhà ở giá rẻ và cao cấp là thực trạng chung hiện hữu nhiều năm nay tại Hà Nội. Với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhà ở xã hội là phương án tối ưu đối với nhiều người.

Vợ chồng anh Đinh Trọng Đường và chị Phạm Thị Linh (Thanh Thủy - Phú Thọ) rời quê xuống Hà Nội lập nghiệp đã được 6 năm. Công việc ổn định, với mức thu nhập chung cả hai vợ chồng vào khoảng 18 triệu đồng/tháng, anh Đường cho biết hai vợ chồng cũng từng tính đến việc mua nhà. Tuy nhiên từ ngày sinh con, với hàng loạt chi phí phát sinh, vấn đề mua nhà để an cư nơi đô thị xa hoa bỗng trở thành giấc mơ viển vông của hai vợ chồng.

Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, không phải ai mua nhà ở xã hội cũng là người có thu nhập thấp và cần chỗ ở. Trong vai trò người có nhu cầu tìm kiếm nhà ở, PV đã có một số buổi khảo sát thực tế thị trường nhà ở xã hội quanh Hà Nội. Nổi tiếng trên các mặt báo vì sự ế ẩm khi phải ở bán đến 19 lần trong vòng 5 năm vẫn chưa bán hết hàng, khu nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) do Công ty CP Tập đoàn CEO (CEO Group) làm chủ đầu tư là điểm đến đầu tiên được lựa chọn. Ngay khi PV hỏi thăm về vị trí ban quản lý dự án để mua nhà, một người bán hàng tại đây lập tức khẳng định chủ đầu tư không còn suất và giới thiệu mình có căn hộ mua nhiều năm, không sử dụng nên muốn bán.

Giá chủ căn hộ đưa ra là 700 triệu đồng, không có nội thất. Đáng nói, với mức giá nhiều lần chủ đầu tư mở bán đã bao gồm VAT+ 2% phí bảo trì chỉ trong khoảng 9.960.000 đồng/m2, giá căng hộ 50m2 cũng chưa đến 500 triệu đồng. Tức, nếu giao dịch thành công, người mua nhà ở xã hội có thể thu về khoản lãi trên 200 triệu đồng. Khi PV bày tỏ sự lưỡng lự vì nhà ở xã hội chưa đủ điều kiện giao dịch, người này lập tức trấn an: "Hiện tôi đang cho thuê, nếu anh mua thì có thể làm công chứng. 5 năm sau sẽ sang tên".

Đến Ban dịch vụ quản lý dự án (CEO Hospitality) để tìm hiểu, nhân viên tại đây cho biết đã hết phòng mở bán. Tuy nhiên, người này gợi ý PV để lại số điện thoại, nếu có người muốn bán sẽ giới thiệu. Phía Ban dịch vụ quản lý dự án cho biết, việc giao dịch hiện tại, có những phòng đội giá từ dưới 500 triệu lên đến cả tỉ đồng do có nhiều người có nhu cầu muốn mua. Trao đổi về thủ tục khi mua nhà ở xã hội từ một người khác, H. - một nhân viên tại đây thừa nhận việc làm này không đúng luật. Tuy nhiên người này cho biết, hai bên mua - bán có thể mang giấy tờ đi công chứng.

Một người nộp phí dịch vụ tại đây thấy vậy cười lớn, nói với Ban dịch vụ quản lý dự án: "Có ai mua giới thiệu cho chị nhé, sẽ có quà. Chiều nay họ (người có nhu cầu mua nhà - PV) đến, căn của chị bán 750 triệu được giá chưa các em? Mua mấy căn chung cư trên phố, bán thì chỉ có lỗ, thế mà về đây mua lại lãi". Tiếp lời người này, phía Ban dịch vụ quản lý dự án đưa ra lời khuyên: "750 triệu cô bán được rồi. Cô cứ về đi có ai cần mua tôi sẽ giới thiệu".

Dấu hỏi về chất lượng và tiến độ công trình

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội từng đặt mục tiêu xây dựng khoảng 6,2 triệu m2 sàn NƠXH, đến thời điểm này đã triển khai được khoảng 4,04 triệu m2 sàn. Theo Kế hoạch phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu xây mới khoảng 5 triệu m2 sàn NƠXH. Như vậy, đến năm 2025, thành phố cần đầu tư xây dựng mới khoảng 7,22 triệu m2 sàn NƠXH (trong đó có 2,2 triệu m2 tồn đọng từ giai đoạn 2016 - 2020).

Tuy việc phát triển, xây dựng NƠXH là việc làm vô cùng đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên việc phân bổ NƠXH không đúng đối tượng, trục lợi chính sách, chất lượng không đảm bảo và chậm tiến độ là một bài toán cần được các nhà quản lý quan tâm, giải quyết.

Theo người dân tại dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden, dù mức giá sau khi được bán trao tay ở mức khá cao, tuy nhiên ngoài việc chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì và một số vấn đề nhỏ, dự án này vẫn chưa phải quá tệ về chất lượng. Ngược về hướng trung tâm Thủ đô khoảng 14km theo Quốc lộ 32, dự án AZ Thăng Long tại xã Kim Chung (Hoài Ðức - Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư khiến nhiều người có cái nhìn vô cùng tiêu cực về chất lượng dự án nhà ở xã hội.

"Vỡ tiến độ", chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã lùa dân vào ở, rơi thang máy hay mới ở được một thời gian đã bị dột, nứt tường... chỉ là một trong số ít những phản ánh của cư dân tại đây với PV Báo Lao Động.

Tại TPHCM, tình trạng dự án chậm tiến độ, chất lượng công trình thấp khiến những người lao động vốn đã có thu nhập thấp, lại rơi vào cảnh cùng cực. Những người mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội ở Vĩnh Lộc A (Hương Lộ 80, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM ), do Công ty CP đầu tư và phát triển An Nhân (Công ty An Nhân) làm chủ đầu tư cho biết, họ đang rơi vào cảnh cơ cực, “dài cổ” chờ nhận nhà ở xã hội. Sau nhiều lần hứa hẹn bàn giao và khẳng định nỗ lực, đơn vị này tiếp tục thất hứa.

Cũng rơi vào trường hợp mệt mỏi như vậy là các khách hàng mua nhà ở xã hội tại dự án Nhà ở tái định cư kết hợp kinh doanh tại phân khu số 11B Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM (tên thương mại là Park Vista) do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) làm chủ đầu tư. Mở bán từ cuối năm 2016 và dự kiến bàn giao nhà vào đầu năm 2019, thế nhưng hiện dự án vẫn là công trình xây dựng ngổn ngang.

Theo Phương Duy/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load