Để tái cấu trúc đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam, cần xác định phải sửa đổi từ thể chế, bộ máy, luật pháp liên quan.
“Đầu tư công ở Việt Nam được hiểu quá đơn giản!”
Tại Hội thảo "Kiểm toán hiệu quả đầu tư công" do Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh vừa tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện tại "đầu tư công" vẫn được quan niệm một cách khá đơn giản, nó bao gồm tất cả các khoản đầu tư do Chính phủ và các DN thuộc khu vực kinh tế nhà nước tiến hành. Đầu tư công được xét không phải từ góc độ mục đích mà từ góc độ tính sở hữu của nguồn vốn dùng để đầu tư. Đây là cách hiểu phổ biến hơn cả và cũng là đối tượng của chính sách đầu tư của Nhà nước hiện nay.
Theo TS Lê Đăng Doanh, cho đến nay Việt Nam chưa có Luật Đầu tư công, Luật mua sắm công. Thế nên khái niệm, nội hàm, các bộ phận cấu thành của đầu tư công cũng chưa được quy định thống nhất. Điều đáng chú ý là đầu tư công ở Việt Nam lại tập trung vào đầu tư kinh tế rất cao trong khi tỷ lệ đầu tư vào các lĩnh vực xã hội thấp và có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.
TS Lê Đăng Doanh nêu một thực trạng đáng suy nghĩ: Trong giai đoạn 2000 - 2009, đầu tư cho lĩnh
vực kinh tế luôn chiếm trên 73% vốn đầu tư của Nhà nước, đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực xã hội liên quan trực tiếp đến sự phát triển của con người như khoa học, giáo dục và đào tạo, y tế và cứu trợ xã hội, văn hóa, thể thao, phục vụ cá nhân và cộng đồng còn rất khiêm tốn, giảm từ 17,6% năm 2000 xuống còn 15,2% năm 2009.
Điều đáng lo ngại là hiện ở Việt Nam, quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong khi các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội, trách nhiệm thu hồi vốn... chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc pháp lý. Có thể tìm hiểu điều này qua thực trạng sau: Hiện nay, cả nước có 100 cảng biển, trong đó có 20 cảng “quốc tế” nhưng đáng tiếc là thực sự chưa có một cảng biển nước sâu đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đầu tư của khu vực Nhà nước không thể có hiệu quả kinh tế thuần túy cao như đầu tư của khu vực tư nhân vì phải thực hiện một số mục tiêu "phi lợi nhuận" như tạo điều kiện phát triển cho các vùng nghèo, có điều kiện khó khăn, sản xuất và cung ứng các hàng hóa công cộng, các sản phẩm và dịch vụ ít lãi, thậm chí lỗ vốn... Nhưng không phải vì vậy mà có thể biện minh cho việc đầu tư kém hiệu quả kéo dài của khu vực kinh tế nhà nước do những nguyên nhân chủ quan như chiến lược kinh doanh và đầu tư sai lầm, quản lý kém, thiếu trách nhiệm, lãng phí, tham nhũng...
Giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đầu tư công
Điều đáng chú ý là đầu tư công ở Việt Nam lại tập trung vào đầu tư kinh tế rất cao trong khi tỷ lệ đầu tư vào các lĩnh vực xã hội thấp và có xu hướng giảm dần |
Bàn về giải pháp để đầu tư công đạt hiệu quả, hạn chế dàn trải, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần thay đổi quan điểm đầu tư công, nhà nước chỉ đầu tư vào những công trình công cộng mà kinh tế tư nhân không hay chưa đầu tư, không đầu tư vào những lĩnh vực thương mại, chạy theo lợi nhuận (chứng khoán, khách sạn, nhà hàng). Chính phủ cũng cần xúc tiến để sớm ban hành Luật Đầu tư công, Luật mua sắm công, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân cùng đầu tư với nhà nước theo nguyên tắc công tư kết hợp. Thực hiện triệt để nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát độc lập. Quy chế độ trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quá trình đầu tư, thiết kế, thẩm định, thi công, giám sát, quyết toán... Nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong toàn bộ quá trình thực hiện đầu tư công.
Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam: "Tái cơ cấu đầu tư công cần được xác định là trục cơ bản của tái cơ cấu kinh tế", đồng thời đi kèm với nó là 3 đề xuất lớn: Điều chỉnh ưu tiên của đầu tư công; Cải cách triệt để khu vực DNNN; Sửa Luật ngân sách Nhà nước. Theo đó, phải xây dựng quy hoạch phát triển Quốc gia tổng thể với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, phải thiết kế lộ trình đầu tư công theo một trật tự nghiêm ngặt.
Cần phải nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục thực trạng DNNN là lực lượng cơ bản thực hiện đầu tư công, tuy nhiên lại vận hành trong những cơ chế không rõ ràng, minh bạch do lẫn lộn đầu tư công và đầu tư kinh doanh để thu lợi nhuận, dẫn tới nhập nhèm về cơ chế để trục lợi. Cải cách triệt để DNNN là giải phóng bộ phận này ra khỏi những lĩnh vực phi hàng hóa dịch vụ công, trả sân chơi lại cho DN tư nhân. Lập luận này hàm ý rằng cải cách khu vực DNNN chủ yếu là để trả lại cho DNNN và DN tư nhân đúng chức năng vốn có của nó mà hệ thống thị trường quy định.
Đối với kiến nghị sửa Luật Ngân sách Nhà nước, có ba điểm các chuyên gia kinh tế lưu ý cần phải được đặc biệt quan tâm. Đó là thiết lập lại kỷ luật tài khóa; Giảm thâm hụt ngân sách không phải bằng việc tăng thu (hay tận thu) như hiện nay mà là giảm chi trên cơ sở tăng hiệu quả chi tiêu; Các khoản thu vượt dự toán không được dùng để tăng chi tiêu mà phải được dùng để bù thâm hụt ngân sách.
Nên nhớ, một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị TƯ 3, khóa XI đề cập tới là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Trong đó, vấn đề tái cấu trúc đầu tư công luôn được đề cập gắn liền với một loạt mục tiêu cần hướng tới như: Nâng cao hiệu quả đầu tư, kiềm chế lạm phát đi đôi với góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.
Anh Thư
Theo baoxaydung.com.vn