Thứ sáu 29/03/2024 06:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu từ 1/7

14:12 | 11/06/2022

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022.

Không lùi thời hạn tăng lương sang 2023

Theo tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, các mức lương tối thiểu tháng được xác định theo 4 vùng: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

So với mức lương hiện hành, mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng). Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Tại tờ trình trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu quan điểm bác bỏ một số ý kiến của doanh nghiệp kiến nghị lùi thời gian điều chỉnh lương tối thiểu đến ngày 1/1/2023 để hồi phục sau dịch Covid-19. Bộ LĐ-TB&XH thấy rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu thực hiện từ ngày 1/7/2022 là rất cần thiết. Việc điều chỉnh thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của Nhà nước tới việc chăm lo đời sống của người lao động, nhất là sau hơn 2 năm bị tác động lớn từ đại dịch Covid-19.

Mức điều chỉnh lương tối thiểu không cao (tăng 6%), cũng chỉ bảo đảm bù đắp và có cải thiện hơn một chút so với mức sống tối thiểu của người lao động; đa số các doanh nghiệp hiện đều trả cao hơn mức lương tối thiểu này nên về cơ bản không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Thời gian qua các phương tiện truyền thông đưa nhiều thông tin về thời điểm thực hiện mức lương từ 1/7 và người lao động cũng đang rất mong chờ. Do đó, việc Chính phủ quy định thực hiện từ 1/7 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả đang có xu hương tăng cao và sẽ góp phần tích cực duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.

Hội đồng tiền lương quốc gia (với sự tham gia đại diện của 03 bên gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhất trí với thời điểm này.

Quy đổi tương đương lương tối thiểu giờ

Về mức lương tối thiểu giờ, có ý kiến cho rằng cần xem xét thêm về phương pháp xác định lương tối thiểu giờ dựa trên quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn để bảo vệ quyền lợi của nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian.

Vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, cách tính lương tối thiểu giờ theo cách quy đổi tương đương lấy mức lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn trong tháng theo quy định của pháp lụât là phù hợp. Việc quy đổi tương đương để tránh tạo ra sự xáo trộn đến việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanhnghiệp. Đây cũng là phương pháp mà các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn, nhất là trong lần đầu triển khai quy định về lương tối thiểu giờ.

Tại Việt Nam, hiện pháp lụât quy định thời gian làm việc tiêu chuẩn trong các doanh nghiệp tối đa không quá 48 giờ/tuần (bình quân 26 ngày/tháng), do đó nếu chọn cách quy đổi thấp hơn, lấy lương tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn tính theo số ngày theo lịch thì tiền lương tối thiểu giờ sẽ thấp, không bảo đảm mục tiêu bảo vệ mức sống tối thiểu của người lao động, đặc biệt khi mức lương tối thiểu tháng chưa cao, mới chỉ ở ngưỡng đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Nếu tính theo cách quy đổi cao hơn thì không có căn cứ để xác định hệ số chênh lệch cộng thêm do pháp lụât lao động của Việt Nam không quy định phân biệt chế độ giữa người lao động làm việc trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu tháng) và người lao động làm việc không trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu giờ).

Hơn nữa, nếu tính thêm hệ số chênh lệch để có mức lương tối thiểu giờ cao hơn thì người lao động sẽ chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc trọn thời gian, ổn định sang hưởng lương giờ, tạo ra sự xáo trộn lớn về quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.

Theo Xuân Hinh/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load