(Xây dựng) - Sáng 21/4, tại Hà Nội, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (ĐHKTHN) đã khai mạc Triển lãm Kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Tham dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Bungari tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Italia tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cùng đại diện Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và các thế hệ thầy trò nhà trường.
Sự kiện này là một trong nhiều hoạt động của ĐHKTHN nhằm kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 và hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập (17/9/1969-17/9/2014), cũng là 45 năm nhà trường đồng hành cùng Hội KTS Việt Nam trong sự nghiệp đào tạo kiến trúc.
Triển lãm đã trưng bày những mô hình thu nhỏ từ các mảnh ghép, hiện vật kiến trúc còn sót lại của các triều đại phong kiến, những di sản kiến trúc truyền thống cũng như kiến trúc dân gian trên mọi vùng miền của Việt Nam, nhằm góp phần khẳng định những giá trị của truyền thống Việt Nam đến các sinh viên kiến trúc, các KTS Việt Nam cũng như quốc tế.
Các hiện vật tại triển lãm khá phong phú như Lân thành bậc (chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh), Tượng hổ đá thời Trần, ngói ống thời Lý, tượng nữ thần thời Lý, các mô hình chùa Giác Viên, tháp Mỹ Sơn, nhà Rông dân tộc Ba Na, nhà rường Huế, phố cổ Hội An, nhà thờ Phát Diệm, Văn miếu Quốc tử giám, gác chuông chùa Keo…
Tại buổi lễ, PGS.TS Vương Ngọc Lưu, Hiệu trưởng trường ĐHKTHN khẳng định: Những di sản văn hóa, di sản kiến trúc của quá khứ như một nguồn tài nguyên quý giá cần được trân trọng và phát huy thành nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Việc tổ chức ngay tại Trường một phòng triển lãm trưng bày thường xuyên về kiến trúc truyền thống Việt Nam là cơ hội để các sinh viên của Trường được tiếp cận sớm hơn với những di sản quý giá và đa dạng của cha ông để lại, không chỉ qua sách vở mà bằng cả những hình ảnh cụ thể và mô hình không gian ở tỷ lệ lớn.
PGS.TS Vương Ngọc Lưu bày tỏ tin tưởng triển lãm Kiến trúc truyền thống Việt Nam sẽ đóng góp thiết thực cho sự nghiệp đào tạo của trường ĐHKTHN, giúp cho các thế hệ KTS tương lai sớm xác định cho mình hướng đi “bản địa hóa kiến trúc quốc tế” hay là “quốc tế hóa kiến trúc bản địa”, để “hòa nhập mà không bị hòa tan” trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế kỷ XXI.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn chúc mừng nỗ lực của Trường ĐHKTHN khi đã tổ chức triển lãm với những mô hình, hiện vật quý báu. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, kho tàng lịch sử kiến trúc Việt Nam còn rất nhiều nhưng chúng ta chưa mô hình hóa đầy đủ, nhiều đề tài nghiên cứu còn đang dang dở…
Thực tế hiện nay, các sản phẩm, ấn phẩm lịch sử kiến trúc Việt Nam còn rất hạn chế. Chính bởi vậy, Thứ trưởng mong muốn phòng trưng bày giới thiệu kiến trúc truyền thống Việt Nam này sẽ là nơi đào tạo các sinh viên học tập, thực hành để hiểu hơn về kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Thứ trưởng yêu cầu Trường ĐHKTHN cần đổi mới công tác đào tạo, trong đó có môn lịch sử kiến trúc. “Bộ Xây dựng sẽ đầu tư cho 2 nhà trường ĐHKTHN và ĐHKT TP HCM những mô hình kiến trúc Việt Nam và các bản vẽ… để các sinh viên dễ dàng tiếp cận được trong học tập và thực hành”, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Triển lãm:
Ngọc Hà
Theo