Trước nhu cầu nhà ở ngày càng cao, năm 2024, Bộ Xây dựng quyết tâm triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Quyết tâm này cũng đồng nghĩa với việc phải giải quyết hàng loạt khó khăn, vướng mắc để khắc phục cho được tình trạng “nhỏ giọt” nguồn cung như trong thời gian vừa qua.
Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với dự kiến phát triển 5,7 triệu mét vuông sàn xây dựng. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Nguyễn Quang |
Nhận diện nguyên nhân
Ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đến cuối năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết, cả nước đã có 44 dự án với quy mô 36.262 căn đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng. Trong đó, đã hoàn thành 28 dự án với quy mô 13.864 căn; đã cấp phép, khởi công xây dựng 16 dự án với quy mô 22.398 căn.
Lũy kế thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay trên địa bàn cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 402.898 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, mới có 70 dự án, quy mô 35.566 căn hoàn thành; đã khởi công xây dựng 127 dự án, quy mô 107.896 căn; 298 dự án, quy mô 259.439 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Nhận định về kết quả này, Bộ Xây dựng cho rằng, tiến độ triển khai Đề án còn chậm. Trong khi nhu cầu về loại hình nhà ở xã hội hiện rất lớn nhưng nguồn cung trong tình trạng “nhỏ giọt”. Đặc biệt, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025 nhưng số căn hộ hoàn thành thực tế chỉ đạt khoảng 4,5% so với kế hoạch.
Nguyên nhân được chỉ ra là do quá trình triển khai hiện còn nhiều “rào cản”. Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải thông tin, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa nhận được nhiều ưu đãi, thủ tục giao đất kéo dài; hoặc yêu cầu dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khó triển khai vì không phù hợp với điều kiện ở các đô thị lớn với quỹ đất hạn hẹp hay các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm do nhiều địa phương chưa lập danh mục dự án. Một số chủ đầu tư chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định. Lãi suất gói 120.000 tỷ đồng còn cao, thời gian cho vay ngắn hạn nên chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Dự án nhà ở xã hội CT-08 tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh). |
Bám sát tiến độ, đẩy nhanh việc thực hiện
Tại Hà Nội, mặc dù là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội, song nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, năm 2023, thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với dự kiến phát triển 5,7 triệu mét vuông sàn xây dựng. Thành phố cũng đề xuất Chính phủ xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung (3 khu tại các xã Tiên Dương, Đại Mạch, huyện Đông Anh; 2 khu còn lại ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), với kỳ vọng bổ sung khoảng 2,5 triệu mét vuông sàn vào quỹ nhà ở xã hội.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời xử lý dự án không triển khai theo đúng kế hoạch.
Trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành. Thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ đề án, rà soát, phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần vào cuộc, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, kịp thời bảo đảm điều kiện để giải ngân gói tín dụng này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, trong đó có nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để cụ thể hóa các quy định của Luật Nhà ở năm 2023, qua đó tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Bám sát tiến độ triển khai đề án, năm 2024, Bộ Xây dựng cũng sẽ làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc về chính sách pháp luật. Với riêng thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội rà soát lại các dự án đã cấp phép và khởi công để kết quả thực hiện năm 2024 khả thi, tích cực hơn; đồng thời thúc đẩy các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai xây dựng.
Theo Hồng Anh /hanoimoi.vn