Không chỉ khi đi ngoài đường, tiếp xúc với nước hay không khí lạnh, nhiều người cứ đến mùa đông là chân tay lạnh ngắt, dù đeo găng tay, tất hay ủ trong chăn ấm. Một số mẹo nhỏ có thể hạn chế được tình trạng này.
Chứng chân tay bị lạnh trong mùa đông xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do yếu tố ngoại cảnh (nhiệt độ không khí xuống thấp khiến cơ thể người cũng dễ bị mất nhiệt) nhưng cũng có thể do cơ địa thích ứng với thời tiết của từng người. Trong đó nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chân tay lạnh dù đã mặc ấm, đi găng, tất là do khí huyết trong cơ thể không được lưu thông.
Cụ thể là với một số người, khi nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến các thành mạch máu co lại, dồn ứ khí huyết, làm chậm quá trình lưu thông máu trong cơ thể khiến lưu lượng máu chảy đến những vùng “xa xôi” của cơ thể như bàn tay và bàn chân trở nên hạn chế khiến bàn tay, bàn chân thường xuyên lạnh.
Bệnh chân tay lạnh thường gặp ở những người có cơ địa mẫn cảm với mùa lạnh như những người mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, thiếu máu, phụ nữ sau khi sinh nở... Chứng chân tay lạnh trong mùa đông không quá nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt, lao động, vì vậy cũng cần phải lưu ý. Đặc biệt chân tay lạnh cũng gây nên những triệu chứng trầm trọng hơn như “cước” tay, chân khiến chân tay mẩn đỏ, sưng và đau nhức các đầu ngón tay, ngón chân.
Để phòng chứng chân tay lạnh, việc quan trọng đầu tiên là cần giữ ấm cho cơ thể trong mùa đông nhất là việc sử dụng các loại tất chân, tất tay giữ nhiệt. Thường xuyên mát xa tay, chân, nếu mát xa cùng các loại tinh dầu nóng thì càng tốt để tăng nhiệt, giãn nở các mạch máu giúp máu dễ dàng lưu thông.
Với những người chân tay lạnh, theo các chuyên gia đông y, gừng được coi là một bài thuốc hữu hiệu, bởi gừng là vị thuốc mang tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giải cảm rất tốt. Do vậy, người sợ lạnh hoặc hay bị lạnh chân tay có thể uống nước gừng hoặc trà gừng để giúp cơ thể ấm dần lên, kích thích các mạch máu giãn nở. Đồng thời, ngâm chân tay với nước ấm pha chút muối và gừng tươi trước khi đi ngủ cũng là một phương pháp đơn giản giúp điều hòa và lưu thông khí huyết tốt hơn, hạn chế tình trạng chân tay bị lạnh và tê cứng.
Người bị chân tay lạnh cũng cần lưu ý về dinh dưỡng trong mùa động, cần bổ sung đầy đủ các nhóm vitamin và những thực phẩm có nhiều calo, chất béo giúp cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cơ thể. Ngoài ra, tập thể dục buổi sáng cũng là một phương pháp giúp đẩy mạnh tuần hoàn máu và sự trao đổi chất trong cơ thể.
Theo Trâm Anh/ANTĐ
Theo