Thứ năm 18/04/2024 12:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tránh rủi ro khi mua bán nhà đất, người dân cần lưu ý những gì?

14:23 | 01/08/2022

(Xây dựng) – Nhằm tránh rủi ro cùng những hệ lụy không mong muốn phát sinh sau khi mua bán nhà đất, người dân cần tìm hiểu và nắm rõ các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý.

tranh rui ro khi mua ban nha dat nguoi dan can luu y nhung gi
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN).

Theo các chuyên gia pháp lý, để quá trình mua bán, chuyển nhượng nhà đất đảm bảo độ an toàn, trước hết, người dân cần nắm rõ những quy định về pháp luật, như Luật Xây dựng 2014, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung, Luật Đất đai 2013, Luật Công chứng 2014 cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra đầy đủ các thông tin về quy hoạch. Nắm rõ nguyên tắc: không được chuyển nhượng, mua bán nếu nhà, đất nằm trong quy hoạch. Cụ thể, tìm hiểu ngôi nhà, thử đất định mua có nằm trong quy hoạch dự án nào hay không. Bên mua có thể mang bản photo “sổ đỏ” đến bộ phận một cửa của UBND quận, huyện nơi có nhà, đất để tìm hiểu, tra cứu và hỏi thông tin.

Ngoài thông tin về quy hoạch, cần thiết nắm được thông tin về thực trạng sổ đỏ và nhà đất, vị trí thửa đất, sự trùng khớp giữa sổ đỏ và thực trạng đo đạc thửa đất.

Thông tin về tranh chấp cũng cần được lưu ý đối với người mua. Người mua có thể tìm hiểu về các tranh chấp lớn bằng cách tìm kiếm tin tức trên mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình hay trên cơ sở dữ liệu đã được lưu tại văn phòng công chứng. Đối với tranh chấp nhỏ, có thể tìm hiểu thông tin từ những người dân xung quanh hoặc UBND phường, xã.

Về thông tin vay nợ thế chấp cần tìm hiểu rõ để tránh những rắc rối phát sinh sau này. Đối với thông tin này, người mua có thể nhận biết bằng cách xem ở bìa 4 (hoặc bìa 3) của sổ đỏ, hoặc một tờ giấy riêng đính kèm ghi thông tin thế chấp được đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai.

Ngoài ra, khách hàng còn có thể tra cứu thông tin về thế chấp ngân hàng thông qua bản photo sổ đỏ tại các văn phòng công chứng miễn phí. Tuy nhiên, sẽ gặp khó khăn khi truy cứu nguồn gốc nhà đất nếu sổ đỏ đó được thế chấp cho các nhân hoặc các tổ chức cầm đồ.

Ngoài nắm bắt các thông tin liên quan đến nhà đất, khách hàng cũng cần đặc biệt lưu tâm đến thông tin của người bán, người mua để đảm bảo tính an toàn trong quá trình mua bán nhà đất. Cần xác định chính chủ mua, bán. Trường hợp mua bán nhà đất qua hợp đồng ủy quyền, người mua nên liên hệ với các cơ quan công chứng, nơi ban hành hợp đồng ủy quyền, để xác định hợp đồng ủy quyền đó có hợp pháp không. Ngoài ra, cần kiểm tra các giấy tờ liên quan như CMND, căn cước công dân, hộ khẩu…

Cần nhớ rằng bên môi giới chỉ là bên trung gian, nếu họ không được bên bán ủy quyền hợp lệ để bán nhà đất. Các chuyên gia cũng lưu ý, nhà đất không chỉ là tài sản có giá trị lớn mà còn mang nhiều ý nghĩa với chủ sở hữu. Vì vậy, bước đặt cọc sẽ góp phần đảm bảo người mua nhận được nhà theo đúng cam kết, thời hạn, đồng thời hạn chế tình trạng người bán từ chối giao dịch.

Biên bản đặt cọc cần chứa đầy đủ thông tin pháp lý của 2 bên tham gia mua bán, thông tin mô tả về tài sản giao dịch, giá trị thành tiền đã thỏa thuận của nhà đất, số tiền và thời gian đặt cọc theo cam kết...

Trong quá trình đặt cọc, người mua và người bán có thể mời người làm chứng cùng ký vào giấy biên bản đặt cọc nhằm củng cố sự an tâm trong quá trình giao dịch hoặc ghi hình lại quá trình ký kết để làm bằng chứng trong trường hợp phải xét xử trước pháp luật do phát sinh mâu thuẫn.

Quy trình công chứng mua bán nhà đất được tiến hành gần như cùng lúc với thời điểm bên mua thanh toán nốt số tiền còn lại cho bên bán và nhận bàn giao các giấy tờ pháp lý liên quan đến nhà đất từ theo yêu cầu của văn phòng công chứng. Khi ký kết hợp đồng mua bán tại cơ quan công quyền, hai bên sẽ được xác nhận đã hoàn tất thủ tục thanh toán đầy đủ, sau đó, công chứng viên mới giao hợp đồng đã được công chứng.

Các thông tin cần đặc biệt chú ý khi ký hợp đồng mua, bán chuyển nhượng nhà đất: Thông tin người bán, người mua; Giá trị hợp đồng: Thông tin trên sổ đỏ; Vị trí nhà đất; Phương thức thanh toán và giao giấy tờ… Điều khoản về đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng cần xem xét kỹ lưỡng để tránh bất lợi.

Đồng thời, khi bên mua và bên bán đã ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng được công chứng thì về nguyên tắc, giao dịch đã có hiệu lực. Các bên cần thận trọng khi giao nhận hợp đồng công chứng tại thời điểm khi bên mua chưa giao tiền, còn bên bán chưa giao giấy tờ kèm theo sổ đỏ gốc.

Các bên có thể nhờ công chứng viên giữ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất cho đến khi giao tiền, giao giấy tờ gốc, các chuyên gia cho biết.

Về thủ tục sang tên sổ đỏ, sau khi các bên đã thanh toán và bàn giao hồ sơ cùng sổ đỏ gốc thì cần hoàn tất giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất. Người mua và bán có thể nhờ Văn phòng phòng công chứng hoặc Công ty luật thực hiện thủ tục này để đỡ mất thời gian, giảm chi phí, lại phòng ngừa được rủi ro, các chuyên gia nhận định.

Khôi Nguyên (T/h)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load