Thứ hai 13/01/2025 20:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Việc di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô Hà Nội và TP.HCM: Dưới góc nhìn khoa học (Kỳ 2)

Tránh những quyết định cực đoan

10:49 | 19/07/2011

Theo TS Trần Thanh Bình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học (Bộ GD&ĐT): Chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô Hà Nội và TP.HCM là đúng nhưng cần xây dựng bộ tiêu chí khoa học, đạt sự đồng thuận cao và tránh những quyết định mang tính cực đoan.


Ảnh: TL

Thưa ông, vậy bộ tiêu chí khoa học cần phải có những tiêu chí, nhóm tiêu chí nào?

- Theo tôi, có 5 nhóm tiêu chí cơ bản. Tiêu chí đầu tiên phải xác định là trường ĐH có đáp ứng được vấn đề đất đai so với tiêu chuẩn? Cho dù trường ĐH ở nội thành, trong khu vực “nóng”, được “châm chước” hệ số sử dụng đất, tầng cao… nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ cho phép (theo thông lệ quốc tế).

Tiêu chí quan trọng thứ hai là cơ sở vật chất. Nếu trường ĐH ở lại trung tâm thì trường phải có khả năng xây dựng, phát triển đủ cơ sở vật chất để đáp ứng quy mô và yêu cầu của ngành nghề đạo tạo. Trường ĐH không chỉ có dạy và học, nghiên cứu khoa học mà phục vụ đào tạo còn cần có các khu chức năng, phụ trợ như ký túc xá, nhà văn hóa, trung tâm thông tin, thư viện, hội nghị, hội thảo, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm, dịch vụ…

Nhóm tiêu chí thứ ba là vị trí của trường ĐH trong đô thị có mâu thuẫn không? Có những trường ĐH đạt 2 tiêu chí trên nhưng lại ở khu vực có mật độ quá cao hoặc có vị trí không thuận lợi, gây cản trở giao thông.

Nhóm tiêu chí thứ tư thuộc về đặc tính nội tại của mỗi trường. Các trường văn hóa nghệ thuật bao giờ cũng gắn liền với đời sống đô thị. Những trường văn hóa nghệ thuật trên thế giới hầu như bao giờ cũng nằm trong trung tâm, phục vụ đời sống đô thị chứ không đưa ra ngoại vi.

Cùng nhóm này còn có trường ĐH Y. Hoạt động của trường y gắn liền với dân cư, trung tâm y tế, gắn kết với cộng đồng. Tuy nhiên, do trường ĐH Y thường có quy mô lớn nên một phần cơ cấu sẽ dược bố trí ở cơ sở khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trường y là một trong những trường có nhiều cơ sở đào tạo nhất. 

Nhóm tiêu chí thứ năm là giá trị truyền thống, đóng góp, vai trò của trường ĐH trong đời sống văn hóa, xã hội, lịch sử nghệ thuật, kinh tế của đô thị như thế nào? Nếu bản thân cơ sở đào tạo là một địa danh gắn liền với đô thị và phù hợp với công nghệ đào tạo của một số ngành nhất định thì vẫn nên được giữ lại.

Cộng lại các nhóm tiêu chí trên thì sẽ xác định được trường nào sẽ phải di dời, thưa ông?

- Quan điểm của tôi là không thể giải quyết vấn đề một cách cực đoan mà phải căn cứ thấu đáo đồng thời cả 5 nhóm tiêu chí. Nhưng dù tiêu chí gì đi chăng nữa thì mục tiêu đầu tiên phải đảm bảo sự hoạt động của trường ĐH. Nếu trường đáp ứng các nhóm tiêu chí với quy mô, cơ cấu đào tạo nhất định thì cho phép trường được giữ  lại một phần quy mô và cơ cấu tương ứng. Một phần cơ cấu khác của trường thì chuyển đến nơi mới. Nhà nước khống chế các trường bằng quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo tương ứng với cơ sở vật chất và quỹ đất hiện có. Trường ĐH có quyền cân nhắc và tự quyết ra một khu mới để đào tạo, quản lý tập trung hay giữ lại cơ sở trong nội thành đồng thời mở thêm cơ sở ở nơi mới.

Tức là các trường ĐH có thể cân nhắc, quyết định di dời toàn bộ hay một phần trường?

- Đúng vậy. Di dời một phần trường ĐH có 3 cách: Di dời theo khoa, ngành, theo năm (năm thứ nhất, năm thứ hai…) hoặc di dời một số các khu chức năng (như khu thực hành, khu thể dục thể thao, ký túc xá…).

Dư luận đặc biệt quan tâm “đất vàng” của các trường trong nội thành sau khi di dời sẽ được sử dụng như thế nào? Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Nếu cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của nhà nước thì nhà nước sẽ quyết định sử dụng tài nguyên đất như thế nào có lợi với sự tham gia ý kiến trước đó của các trường ĐH công lập.

Còn nếu là trường ĐH dân lập, trường tư thục, trừ khi nhà nước quy hoạch, làm đường phải thì buộc trường phải di dời và hưởng đền bù, nếu không trường hoàn toàn có quyền cân nhắc bài toán kinh tế và quyết định đi hay ở.

Thưa ông, nhưng nếu trường ĐH chấp nhận giảm quy mô đi để được ở lại thì sao?

- Nếu các trường đáp ứng các tiêu chí nói trên thì sẽ được giữ lại. Nhà nước có thể đặt ngưỡng tối thiểu nhóm tiêu chí. Dưới ngưỡng thì không thể bàn cãi, đương nhiên trường ĐH dù công lập hay dân lập đều phải di dời.

Theo tôi, trường thuộc sở hữu của nhà nước thì phải có ngưỡng diện tích tối thiểu của một trường ĐH. Trường hợp 3 trường khác nhau, ở cạnh nhau thì vẫn có thể sáp nhập, giữ một trường ở lại, di chuyển 2 trường kia đi. Nhà nước có quyền quyết định và tất nhiên vẫn phải tham vấn ý kiến các trường…

Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Vũ (thực hiện)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load