Sau khi UNESCO công nhận di sản thế giới, trang Bluewin của Thụy Sĩ giới thiệu Tràng An là một trong 10 điểm đến mới. Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc BQL Quần thể danh thắng Tràng An chia sẻ thêm về hành trình thành di sản thế giới, và hứa hẹn điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới.
Du khách quốc tế ngày càng biết đến Tràng An hơn. Ảnh: Minh Đức
* Có mặt trong đoàn Việt Nam sang Qatar dự phiên họp của UNESCO, ông nhìn lại hành trình của di sản thế giới Tràng An ra sao?
- Các chuyên gia UNESCO xếp Tràng An ở mức D, tức là hoãn lại hai năm xem xét để nghiên cứu, bổ sung thông tin. Để vượt qua khó khăn này, chúng tôi nỗ lực cùng với chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, xây dựng bộ câu trả lời cả về lí lẽ và bằng chứng khoa học để tranh luận, phản biện và thuyết phục các đoàn chuyên gia của các nước thành viên Ủy ban Di sản (UBDS) thế giới. Ban đầu, có ý kiến khuyên bỏ tiêu chí văn hóa, chỉ bảo vệ tiêu chí thiên nhiên.
Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình đã họp và xin ý kiến chuyên gia, thì họ đều khẳng định Tràng An là sự kết hợp không thể tách rời giữa giá trị văn hóa, thiên nhiên.
Ngay từ khi đặt chân đến Doha, đoàn chia thành các nhóm, tiếp xúc và giải thích với các chuyên gia của UBDS thế giới.
Sau gần 10 ngày, chúng tôi đã thuyết phục hầu hết chuyên gia các nước thành viên UBDS thế giới. Một điều bất ngờ là các nước Tây Âu như Bồ Đào Nha, Phần Lan, Đức và Croatia vốn rất tin vào các cơ quan tư vấn UNESCO gồm IUCN, ICOMOS, nhưng tại phiên họp khi chuyên gia báo cáo thẩm định hồ sơ Tràng An, họ đồng loạt giơ biển đăng ký phát biểu. Đại biểu Phần Lan nói khá thẳng: Lúc đầu họ chỉ định ủng hộ từ việc hoãn hồ sơ trong hai năm lên thành một năm (tức là từ mức D lên R). Nhưng sau khi nghe phía ta giải thích, họ thấy nhiều luận điểm đánh giá, khuyến nghị của cơ quan tư vấn UNESCO thiếu chính xác, chưa khách quan, nên họ ủng hộ Tràng An.
Do đó vào phiên họp sáng 23/6, chúng ta nhận được sự ủng hộ của cả 20 thành viên UBDS thế giới.
* Gần một tháng sau khi Tràng An thành di sản thế giới, khách du lịch đến đây có gì đột biến?
- Hiện nay là mùa thấp điểm, nên lượng khách chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, trong kế hoạch quản lí trình UNESCO, chúng tôi dự báo lượng khách tăng lên đáng kể thời gian tới. Nhiều phương án đón tiếp khách chu đáo: Phân luồng tuyến, điểm du lịch cũng như mở một số tuyến điểm mới như tuyến du lịch Hang Chùa-hang Ghé-hang Bụt, thung Chim…
* Lượng người đến Tràng An có thể tăng nhanh, yếu tố du lịch xanh được giải quyết ra sao?
- Ngay từ đầu, hướng phát triển mũi nhọn của du lịch Tràng An là sinh thái, dựa vào cộng đồng, kết hợp văn hóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, lấy dân địa phương làm nòng cốt. Chúng tôi đang thử nghiệm hình thức homestay ở một số khu như cố đô Hoa Lư, xã Ninh Xuân, khu Tam Cốc-Bích Động.
* Nhiều ý kiến trên các diễn đàn du lịch rằng, ở đâu được công nhận di sản thì giá vé, chặt chém gia tăng, thậm chí khuyên người ta nên “né”. Quan điểm của ông?
- Phát triển nóng sẽ tạo ra hiệu ứng làm du lịch chỉ chăm chăm lợi nhuận trước mắt. Một số hộ kinh doanh chặt chém, nâng giá, treo đầu dê bán thịt chó... Hiện tượng đó xảy ra ở nhiều nơi, không riêng Ninh Bình.
Chúng tôi dự đoán điều đó, nên ngay khi Tràng An được công nhận đã tích cực tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ làm du lịch nâng cao hiểu biết, văn hóa kinh doanh, phát triển nền du lịch bền vững, có trách nhiệm với mục tiêu cao nhất là giữ gìn sự toàn vẹn của Tràng An.
* Du khách đến Ninh Bình rất ít chỗ để tiêu tiền, quá lãng phí?
- Lượng khách đến Ninh Bình nói chung Tràng An nói riêng tăng rất mạnh thời gian qua. Tuy nhiên khách đến Ninh Bình chủ yếu tham quan trong ngày, ăn uống nghỉ ngơi lại đi tiếp tới các điểm khác như Hà Nội, Hạ Long….
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao. Thời gian tới, muốn tăng chi tiêu của khách, chúng tôi tiếp tục kêu gọi đầu tư khu vui chơi giải trí, phát triển quà tặng, hàng lưu niệm mang đặc trưng của vùng đất Ninh Bình như hàng thêu, đồ cói, gốm...
Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trong khu di sản cũng nằm trong kế hoạch quản lí di sản của BQL DTDT Tràng An. Trước đây Ninh Bình chỉ có khách sạn 2 sao, nay trên địa bàn khu di sản và thành phố đã có khách sạn 4 sao và một số khu nghỉ dưỡng cao cấp.
* Một số nước trong khu vực tích cực quảng bá hình ảnh trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới. Tràng An thì sao?
- Ngoài việc nâng cao văn hóa ứng xử, giao tiếp của người dân, người làm du lịch, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền hình VTV, TPHCM, Cần Thơ, viết bài quảng bá trên các tạp chí di sản, du lịch bằng tiếng nước ngoài. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch, các công ty lữ hành tổ chức các đoàn khảo sát xây dựng tua tuyến trong khu di sản.
Năm ngoái, Ninh Bình quảng bá clip 30 giây trên kênh CNN trong ba tháng. Tỉnh phối hợp đài SBS tổ chức một số gameshow Hàn Quốc tại đây, thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Tràng An rất lớn. Trước đây khách nước ngoài chủ yếu biết đến Tam Cốc - Bích Động, nay bắt đầu nhắc nhiều tới Tràng An.
Ngoài khám phá hang động, tua chèo thuyền tay kết hợp thăm cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, sắp tới Ninh Bình nghiên cứu phát triển khu chèo thuyền Kayak tại một số điểm du lịch trong khu di sản. “Giá trị khai thác được còn rất nhỏ so với tiềm năng danh thắng Tràng An. Còn rất nhiều di tích khảo cổ học, văn hóa tiềm ẩn được giữ gìn bảo tồn phục vụ nghiên cứu.
Trong tương lai, chúng tôi nghiên cứu đưa vào khai thác, tuân thủ nguyên tắc tối cao của UNESCO– phát triển du lịch bền vững nhưng phải đảm bảo tính toàn vẹn, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản”, ông Mạnh nói.
Theo Tiền Phong
Theo