Nhằm tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, khắc phục tình trạng xuống cấp nhanh chóng của các tuyến đường do vấn nạn xe quá tải hoành hành, từ năm 2013 Tổng cục Đường bộ (Bộ GT-VT) đã triển khai đề án trang bị xe cân lưu động cho các địa phương trên toàn quốc. Quảng Ninh là tỉnh nhận xe đợt 2, đầu năm 2014. Để phát huy hiệu quả thiết bị trang bị, tỉnh đã ban hành quyết định (số 705/QĐ-UBND ngày 14-4-2014) thành lập Trạm Kiểm tra tải trọng (Trạm KTTT) xe lưu động đặt tại TX Đông Triều. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, Trạm đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng do các lực lượng phối hợp rút khỏi Trạm.
Thanh tra viên Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động ra hiệu dừng xe kiểm tra, song lái xe vẫn cho xe chạy thẳng. Ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 13-12-2016.
Trạm có biên chế 17 người (CSGT 7 người, Thanh tra giao thông - TTGT 7 người, kiểm soát quân sự 3 người), thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm tải trọng trong 3 ca trực, hoạt động liên tục 24 giờ/ngày. Để thống nhất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng, tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp (theo Quyết định số 715/QĐ-UBND ngày 14-4-2014). Theo đó, lực lượng CSGT sẽ ra tín hiệu, hiệu lệnh dừng xe, tiến hành kiểm tra, buộc xe vi phạm tải trọng, khổ giới vào vị trí kiểm tra theo đúng quy định; lực lượng TTGT tiếp nhận kết quả kiểm tra tải trọng, khổ giới xe, lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ lưu hành phương tiện; lực lượng quân sự thực hiện kiểm tra, kiểm soát xe mang biển số quân sự...
Từ khi đưa Trạm KTTT vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, tình trạng xe chở quá tải trên Quốc lộ 18 khu vực miền Tây của tỉnh đã giảm đáng kể: Năm 2014, số lượng phương tiện vi phạm về chở hàng quá khổ, quá tải, kích thước thành thùng chiếm khoảng 10-12%, các lỗi vi phạm chủ yếu ở mức cao (từ 50% tải trọng thiết kế, tải trọng cầu đường trở lên); đến nay số lượng phương tiện vi phạm giảm chỉ còn 5-7% và chủ yếu là vi phạm quá tải với mức độ thấp (từ 10-20% trọng tải thiết kế, tải trọng cầu, đường). Cùng với đó, ý thức của người lái xe đã được nâng lên, đại đa số lái xe, chủ phương tiện và các đầu mối xếp hàng đã chấp hành, nâng cao nhận thức khi thực hiện xếp hàng và vận chuyển hàng hoá bằng xe ô tô...
Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Sở GT-VT, đến nay Trạm KTTT đang gặp khó khăn do lực lượng CSGT đã tạm thời rút khỏi Trạm và chỉ bố trí 1 cán bộ trực để hỗ trợ khi cần thiết. Như vậy, hiện không có lực lượng làm nhiệm vụ dừng xe có dấu hiệu vi phạm tại Trạm KTTT theo quy chế phối hợp. Trước yêu cầu cấp bách tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, nhất là dịp cuối năm, tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm, Thanh tra Sở GT-VT đã tạm thời tăng cường lực lượng là các đội TTGT trên địa bàn, bố trí thanh tra viên thực hiện dừng xe kiểm tra thông qua nhận định bằng mắt thường các dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở các loại vật liệu có tỷ trọng cao... trong cả 3 ca trực, hoạt động liên tục 24 giờ/ngày/tuần.
Theo ông Bùi Minh Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở GT-VT, Trạm trưởng Trạm KTTT: Do thẩm quyền của thanh tra viên hạn chế, lực lượng mỏng, chỉ những xe có dấu hiệu vi phạm mới được phép mời vào kiểm tra theo tinh thần Thông tư 02/2014/TT-BGTVT của Bộ GT-VT; vì thế, công tác dừng xe để kiểm tra tại Trạm đang gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã bố trí 2 thanh tra viên thường trực tại 2 đầu Trạm, song hiệu quả không cao do lái xe không chấp hành hiệu lệnh. Bên cạnh đó, yêu cầu bắt buộc các phương tiện vi phạm tải trọng phải hạ tải là cần thiết, tuy nhiên đến nay không có bãi, phương tiện, con người để làm công tác hạ tải. Vì thế, quá trình thực hiện nhiệm vụ còn xảy ra nhiều tình huống vướng mắc trong xử lý các phương tiện vi phạm.
Có mặt tại Trạm KTTT, theo quan sát của chúng tôi, dù thanh tra viên đã ra hiệu dừng xe kiểm tra, song thấy rất ít phương tiện chấp hành. Điều này khiến mỗi ngày Trạm chỉ có thể kiểm tra 1-2 phương tiện, thay vì trung bình 20 xe/ngày như trước đây. Từ ngày 1-10-2016 đến nay, Trạm chỉ thực hiện kiểm tra được 114 phương tiện. Trạm đang hoạt động hết sức cầm chừng, hiệu quả thiết bị trang bị chưa được phát huy.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Trạm KTTT rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bên có liên quan. Cụ thể, cần tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của Trạm để tiếp tục triển khai quy chế phối hợp giữa các lực lượng thực thi công vụ; tăng cường phối hợp các tổ công tác tuần tra lưu động, nhằm xử lý đối với các phương tiện cố tình không hợp tác, bỏ chạy khỏi Trạm. Bên cạnh đó là xem xét lại vị trí đặt Trạm, phát huy tính lưu động của thiết bị, thông qua việc thường xuyên di chuyển giữa các điểm kiểm tra, không nên để trạm lưu động nhưng lại hoạt động cố định như hiện nay.
PV
Theo