Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng chục tỷ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ùn ùn đổ vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực thép. Các địa phương đua nhau “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư nước ngoài, với nhiều ưu đãi đặc biệt. Nhưng sau những ‘cơn say’ tỷ đô, nhiều nơi đã đối mặt với thực tế đáng buồn.
Những “bánh vẽ” tỷ đô
Tháng 9/2008, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp phép cho dự án Khu liên hiệp thép Cà Ná với tổng vốn đầu tư lên đến 9,8 tỷ USD. Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng Tập đoàn Lion (Malaysia).
Dự án được khởi công từ tháng 11/2008, với mục tiêu xây dựng tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng một năm. Song hơn 2 năm sau, vào tháng 2/2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phải thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư do chủ đầu tư không có năng lực tài chính, thiếu năng lực và kinh nghiệm sản xuất trong lĩnh vực thép, thiếu quyết tâm trong triển khai dự án.
“Siêu” dự án thép Cà Ná chỉ là một trong số những dự án có số phận hẩm hiu được cấp phép năm 2008. Đây cũng được coi là thời kì "hoàng kim" thu hút FDI vào Việt Nam, với 11 dự án "tỷ đô" được cấp phép, tổng số vốn đạt mức kỷ lục hơn 64 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm 2007, đến giờ vẫn chưa bị vượt qua.
Dự án tỷ đô thép Guang Lian ở Quảng Ngãi nằm phơi nắng khoảng hơn 10 năm cấp phép. Ảnh: Nguyên Huân
11 dự án tỷ đô ấy, cho đến nay, nhiều trong số đó đã bị rút giấy phép. Cùng chung số phận với thép Cà Ná, còn có dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; dự án Khu công viên văn hóa thế giới kì diệu của Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam 1,3 tỷ USD,...
Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City do Tập đoàn New City (Brunei) đầu tư 4,3 tỷ USD tại Phú Yên vào năm 2008 cũng đang trong tình trạng “rùa bò”. Sau 6 năm cấp phép, đến nay, dự án đã phải điều chỉnh vốn xuống còn 1 tỷ USD.
Đến năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã gây xôn xao khi công bố bản kế hoạch đầu tư dự án lọc dầu Nhơn Hội ở Bình Định với vốn đầu tư đề xuất lên tới 28-30 tỷ USD, sau đó rút xuống còn 22 tỷ USD. Nhưng đầu tháng 7/2016, PTT cho biết phải tạm hoãn kế hoạch triển khai dự án vì một đối tác là Saudi Aramco rút khỏi dự án.
Vậy là hơn 4 năm đã qua, dự án này cũng vẫn chỉ dừng lại ở bản kế hoạch trên giấy. Trong khi trước đó, các lãnh đạo tỉnh Bình Định đã cấp tập triển khai các phần việc liên quan đến mặt bằng để đón nhà máy lọc dầu của PTT, kể cả việc đàm phán với các DN trong khu kinh tế Nhơn Hội “nhường đất” cho dự án lọc dầu.
Làn sóng tỷ đô la năm 2008 còn tiếp tục lan sang năm 2009 với 3 siêu dự án được cấp phép là dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển rồng tại Quảng Nam (4,15 tỷ USD), dự án Công ty TNHH thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại Đồng Nai (2 tỷ USD) và dự án Công ty TNHH một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam (1,68 tỷ USD). Thế nhưng, đến nay, cả ba dự án đều bị “khai tử”.
Nghiên cứu của các chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam về luồng vốn FDI 30 năm sau đổi mới đã chỉ ra rằng ngoài việc phục vụ cho các lợi ích trước mắt như tạo thu ngân sách, việc làm cho địa phương.... thì một trong những động cơ chi phối việc thu hút, thậm chí thu hút bằng mọi giá, luồng vốn FDI là chủ nghĩa thành tích, nhất là đối với địa phương trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu và thu hút FDI,...
Quyền từ chối
Sau thời kỳ thu hút FDI bằng mọi giá của năm 2008-2009 mà đến giờ “học phí” phải trả quá đắt, nước ta đã chuyển hướng FDI theo hướng chọn lọc hơn, đón đầu các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Những đại gia công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, LG,... đã chọn Việt Nam là điểm đến và liên tục mở rộng đầu tư cơ sở sản xuất hàng điện tử ngang tầm thế giới. Làn sóng “tỷ đô” trong lĩnh vực công nghệ cao này đang được hoan nghênh và đóng góp nhiều cho đất nước.
Thế nhưng, những dự án ô nhiễm môi trường đang có nguy cơ quay trở lại Việt Nam khi nước ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Để đón đầu cơ hội, hàng tỷ đô la từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và cả Hàn Quốc,... đã đổ vào Việt Nam để đặt các nhà máy dệt nhuộm quy mô lớn, thậm chí hình thành các khu công nghiệp dệt nhuộm.
Phong trào rầm rộ đến mức Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn cấp phát đi công văn yêu cầu các địa phương thận trọng trong việc cấp phép cho các dự án dệt nhuộm do đây là ngành có nguy cơ ô nhiễm lớn.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, cho rằng: Câu chuyện ô nhiễm môi trường vừa qua là bài học cho các địa phương khác trong việc lựa chọn công nghệ, dự án FDI các lĩnh vực dệt, nhuộm. Họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn để các dự án đầu tư FDI vừa phát huy hiệu quả, vừa chất lượng nhưng không gây ra các thảm họa đáng tiếc về môi trường sau này.
Nhìn rộng ra, GS Nguyễn Mại chia sẻ, vấn đề của thu hút đầu tư FDI hiện nay là quyền lựa chọn. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn quốc gia đầu tư hay một tỉnh nào đó để thực hiện dự án. Còn Việt Nam có quyền lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển hoặc từ chối nhà đầu tư FDI nếu họ không đáp ứng đầu đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn và chỉ dẫn đã đề ra.
“Cho nên không cần phải xây dựng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường cho các dự án FDI mà cần thực hiện tốt quyền lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet.vn
Theo