Thứ hai 14/10/2024 10:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Trách nhiệm của Bộ trưởng KH&ĐT còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo

22:25 | 15/06/2017

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, có 37 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi và có 19 ĐBQH tham gia tranh luận tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tranh luận sôi nổi, còn Bộ trưởng đã nghiêm túc làm rõ trách nhiệm và những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách.


Các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về các lĩnh vực của ngành kế hoạch và đầu tư. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã tham gia giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực KH&ĐT là rất rộng, liên quan tới nhiều bộ, ngành và địa phương. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tranh luận sôi nổi để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn một năm nhưng đã cố gắng nắm tình hình, thực trạng và những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng đã nghiêm túc làm rõ trách nhiệm và những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách.

Tuy nhiên, về trả lời còn có một số nội dung chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của ĐBQH, nên có nhiều ĐBQH tham gia tranh luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã tích cực triển khai Luật Đầu tư công. Việc lập phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm chặt chẽ; triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số dự án, số vốn đăng ký và số vốn giải ngân. Đồng thời tăng tổng đầu tư vốn toàn xã hội, thay đổi cơ cấu vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, qua ý kiến của ĐBQH chất vấn và tranh luận cho thấy, trách nhiệm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo, như: Việc phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm, vốn đã thấp so với nhu cầu, nhưng tiến độ giải ngân vốn còn chậm, có tiền chưa chi được. Nhiều quy định, thủ tục đầu tư còn bất cập, chậm nghiên cứu, sửa đổi. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, chưa sát với thực tế, gây lãng phí, kém hiệu quả đã tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.


Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó tập trung vào thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Rà soát các quy định về đầu tư công để kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư công theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm các cấp trong quản lý đầu tư công.

Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung bố trí đủ vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, thất thoát và lãng phí.

Đồng thời, trong năm 2017 ban hành các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Xây dựng kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng kinh tế khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu và ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công.

Tiếp tục thực hiện mở rộng các hình thức đầu tư để huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia. Hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường vốn, hoạt động mua bán nợ với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đánh giá toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài để vừa huy động được nguồn vốn, vừa khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu những mặt trái của việc đầu tư nước ngoài tác động đến kinh tế-xã hội của đất nước.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin-cho trong đầu tư công. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương trong việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Thực hiện tốt việc điều hòa tổng nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi không giải ngân được. Có cơ chế xử lý cắt giảm vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chậm tiến độ, hiệu quả thấp để chuyển sang công trình hoặc các dự án ở địa phương thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đầu tư công. Trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án.

Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Nguyễn Hoàng/BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load