Thứ bảy 20/04/2024 01:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trách nhiệm công dân đô thị

09:02 | 02/04/2020

(Xây dựng) - Đại dịch toàn cầu Covid -19 đang chỉ ra những nguy cơ đối với cư dân đô thị, đặc biệt là ở những đô thị lớn.

trach nhiem cong dan do thi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Nhìn lại diễn biến của hơn 3 tháng qua sống trong mối đe dọa bởi dịch bệnh, dễ nhận thấy những điểm yếu của các đô thị lớn trong ứng phó với các sự cố ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt khi các loại dịch bệnh với nguy cơ lây nhiễm cao và nhanh như dịch bệnh Covid-19.

Ở Việt Nam, diễn tiến phức tạp của dịch bệnh cũng chỉ ra rằng, nếu kéo dài, sẽ gây ra áp lực lớn, khó khăn trong việc bảo đảm tính liên tục các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, thiếu nhân lực điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, việc tổ chức cách ly và xử lý môi trường với số lượng lớn, thời gian ngắn. Nghiêm trọng hơn là xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo virus Sars-Cov-2.

Cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong cả nước nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng.

Các thành phố trực thuộc Trung ương là địa bàn tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế - xã hội, mật độ giao lưu lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Kết quả phòng, chống dịch tại các thành phố này có ý nghĩa quyết định đến thành quả chung của cả nước.

Do đó, UBND các thành phố phải có phương án, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp đặc thù của địa phương mình, tập trung và ưu tiên đối với các khu vực, địa bàn nhiều nguy cơ như chung cư, cao ốc, văn phòng, chợ dân sinh, bệnh viện, đầu mối giao thông; bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động tại các thành phố.

Hà Nội, TP.HCM rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố; đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống; xử lý nghiêm đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.

Trong trung hạn và dài hạn, các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi và đây là dự báo của hầu hết các quốc gia có dịch bệnh Covid-19. Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ DN và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Nhìn trước các khó khăn như thế để chúng ta cùng đồng lòng, chung sức vượt qua giai đoạn đầy cam go này.

Từ đại dịch Covid-19 đang hoành hành, các đô thị lớn phải có thêm nhiều phương án để đương đầu với nguy cơ về sức khỏe con người càng đa dạng so với việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Trên thế giới, ngoài cơ chế và giám sát bệnh dịch, thuộc thẩm quyền của Nhà nước, chính quyền nhiều thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối với nhóm dân cư dễ bị tác động bởi các nguy cơ.

Bệnh tật - không ai muốn nó đến. Song với mỗi con người, điều này là khó tránh khỏi. Và trong môi trường đô thị Việt Nam, nguy cơ về các bệnh do đô thị gây ra là tiềm tàng. Các dịch vụ y tế trong các đô thị Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ. Và ngay với mỗi người dân đô thị, việc nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cũng cần có một sự thay đổi toàn diện. Bởi, những gì đang diễn ra cho thấy, khi ý thức, trách nhiệm công dân không được đặt đúng tầm sẽ gây ra những hậu quả không đo đếm được - Mà bài học từ việc khai báo y tế thiếu trung thực vừa xảy ra là một minh chứng.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load