(Xây dựng) - TP. Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước, với hệ thống hạ tầng, dịch vụ khá tốt. Đây là địa danh đã gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc kể từ khi thực dân Pháp đặt chân đến Việt Nam, đồng thời là nơi ghi dấu hình ảnh Hồ Chủ tịch ra đi tìm đường cứu nước. Những địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử như cảng Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi... đã trở thành điểm đến của rất nhiều người khi tới TP.HCM.
Nơi Người ra đi tìm đường cứu nước
Tại Bến cảng Nhà Rồng, cách đây 105 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã về nước lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên làm cuộc cách mạng và lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bao bọc xung quanh Bến Nhà Rồng là cả 1 hệ thống cây xanh.
Bến Nhà Rồng hiện nay thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh, là một chi nhánh thuộc hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước. Tại đây, ta có thể thưởng thức một không gian xanh, rộng rãi và luồng gió mát được mang đến từ con sông Sài Gòn và ngắm một công trình có lối kiến trúc độc đáo. Tòa nhà được xây dựng từ giữa nǎm 1862 đến cuối nǎm 1863, có kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trǎng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", đây là lý do để nơi đây được đặt tên là “Nhà Rồng” và bến cảng mang tên Bến cảng Nhà Rồng.
Nǎm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Ngôi nhà này được tu sửa lại mái ngói và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng mới với tư thế quay đầu ra ngoài.
Năm 1979, UBND thành phố giao cho Sở Văn hóa Thông tin xây dựng nơi đây thành khu lưu niệm Bác Hồ. Tháng 10/1995, Khu lưu niệm tiếp tục chỉnh lí, nâng cấp thành Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện Bảo tàng có 12 phòng trưng bày khoảng 170 tư liệu, hình ảnh, hiện vật… giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Địa đạo Củ Chi - Căn cứ vững chắc
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km về phía Tây Bắc, địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở, đã đi vào lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Khu di tích này đã được kênh truyền hình Mỹ CNN bình chọn là 1 trong 12 công trình hấp dẫn du khách nhất thế giới.
Địa đạo Củ Chi được chia làm 2 khu vực, đó là địa đạo Bến Dược - căn cứ của Khu ủy, và Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Đây là công trình ngầm với tổng chiều dài hơn 200 km, có lối kiến trúc độc đáo, gồm ba tầng, nhiều ngóc ngách như màng nhện, đầy đủ chức năng để phục vụ chiến đấu, ăn ở, hội họp... Đặc biệt công trình đã được xây dựng bằng những phương tiện thô sơ như cuốc, thuổng... và bằng bàn tay con người vùng đất thép trong 20 năm. Năm 1979, Địa đạo Bến Dược đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia.
Khu vực thứ 2 là Địa đạo Bến Đình - di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2004. Đây là căn cứ lãnh đạo của Huyện ủy Củ Chi, trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi ăn, ở, hội họp và cũng là thế trận độc đáo góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 1975.
Hàng năm, Địa đạo Củ Chi đón tiếp hàng triệu khách tham quan tến từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khi chiến tranh kết thúc, khu di tích lịch sử này đã trở thành một khu du lịch hấp dẫn, thu hút hàng ngàn du khách trong nước và nước ngoài tham quan mỗi ngày. Ngoài việc len lỏi vào các đường hầm để cảm nhận được không khí năm xưa, khách du lịch còn được nghe giới thiệu, được xem lại những đoạn phim tư liệu về thời chiến đấu oanh liệt của du kích Củ Chi.
Du khách khám phá nắp hầm bí mật.
Không chỉ được tham quan tìm hiểu địa đạo với chiến tích vang dội của người dân Củ Chi và chiến sỹ giải phóng quân mà còn được tham quan công trình tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi trong giai đoạn 1960 - 1975, được viếng Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược... Đặc biệt, du khách sẽ được hít thở bầu không khí trong lành bởi rừng gỗ quý được sưu tầm từ 3 miền đất nước... Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được để cuộc sống thanh bình ngày hôm nay, đất nước ta đã phải đánh đổi biết bao sự hy sinh của những con người năm xưa trên khắp đất nước Việt Nam…
Hậu Bình
Theo